Counter-strike online nếu phát hành tại VN: Canh bạc ai chơi?

09/10/2014 16:00 GMT+7

Counter-strike Online được vinh danh với tư cách “con cháu” của tượng đài một thời, dù vậy có một thực tế phải thừa nhận: "đứa con tin đồn" của FPT Online đã quá già cỗi và tụt hậu.

Counter-strike online (CSO) xứng đáng được vinh danh với tư cách “hậu bối trực hệ” của "tượng đài" CS một thời, dù vậy có một thực tế phải thừa nhận: trò chơi đã quá già cỗi và tụt hậu ở thời điểm hiện nay.

Tượng đài cao tuổi

Couter-strike là một trong những bản Mod thành công nhất trong lịch sử ngành game, luôn luôn góp mặt trong danh sách những tựa game vĩ đại, suốt từ khi ra đời vào năm 2000 cho đến tận ngày nay. CS còn có ý nghĩa đặc biệt với game thủ Việt, bởi đây là một trong những trò chơi đầu tiên xuất hiện tại các phòng máy kinh doanh game, tiên phong trong việc xây dựng cộng đồng game thủ nước nhà.

Chưa nói đến việc cha đẻ của tựa game này là một người gốc Việt Nam: "Gooseman" Minh Le.

Counter-strike Online: “Ông cụ” của làng game bắn súng trực tuyến

Counter-strike, cái tên đã quá nổi tiếng (Ảnh: Gamewallpapers)

Đế chế CS luôn vững mạnh và có tầm ảnh hưởng lớn đến như thế, nhưng mãi đến năm 2008 phiên bản Counter-strike online đầu tiên mới được xuất xưởng. Tuy nhiên, cộng đồng CS đã quá lớn mạnh, với hàng trăm server để game thủ chọn lựa và tất nhiên, phần lớn đều hoàn toàn miễn phí. Cùng với nó, việc ràng buộc mình vào một account, trả tiền để mua súng và trang phục như trong CSO có một chút gì đó… thừa thải và không được ủng hộ, đối với một bộ phận game thủ nhất định say mê CS.

Phiên bản CSO ra đời năm 2008 mà người viết vừa đề cập, chính là "sản phẩm tin đồn" mà FPT Online sẽ đưa về Việt Nam trong thời gian tới.

Counter-strike Online: “Ông cụ” của làng game bắn súng trực tuyến

CSO gần như y hệt phiên bản CS đầu tiên có từ năm 2000. Ảnh: TNG

Đối với những đã gắn bó với dòng game Counter-strike lâu năm, có thể định nghĩa phiên bản CSO ngắn gọn như sau: gameplay cốt lõi được giữ nguyên như phiên bản cũ; không thể mua súng ống thoải mái mà buộc phải chi “tiền thật” vào game; súng ống được điều chỉnh sức mạnh rõ rệt để phù hợp với mức giá; “tiền thật” còn được dùng để mua phụ kiện trang trí cho nhân vật; đồ họa được phát triển trên engine “cổ” có từ năm 2000, v.v. Nói cách khác, CSO không mang lại quá nhiều khác biệt so với Counter-strike, nhưng lại phải gồng gánh trên vai quả tạ mang tên “MMO” với những phương pháp "bào tiền" game thủ thường thấy.

Nói đi thì cũng nói lại, CSO vẫn có những điểm mạnh nhất định so với bản gốc, đặc biệt là các chế độ chơi mới được thêm vào. Bên cạnh đó, việc game thủ tham chiến thông qua một account nhất định có thể dễ dàng hơn trong việc ghi nhận thành tích, thông số trong quá trình “bắn”.

Counter-strike Online: “Ông cụ” của làng game bắn súng trực tuyến

Zombie góp mặt trong CSO. Ảnh: IAH Games

Một phiên bản đã quá tụt hậu

CSO với rất nhiều điểm hạn chế của mình, đã sớm bị loại khỏi kế hoạch phát triển của hãng chủ quản thương hiệu game: Valve. Thay vào đó, trò chơi này được ủy quyền hoàn toàn cho hãng phát triển Hàn Quốc Nexon. Đối tượng mà CSO chỉ quanh quẩn trong khu vực Châu Á, đặc biệt là các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Trong suốt gần 6 năm vận hành, CSO không có nhiều cập nhật mang tính thay đổi lớn, và dần dần bị thụt lùi rõ rệt so với những tựa game khác, trong dòng CS nói riêng và thể loại MMOFPS nói chung.

Counter-strike Online: “Ông cụ” của làng game bắn súng trực tuyến

Châu Á là thị trường duy nhất của CSO. Ảnh: TNG

Nếu như Counter-strike Source ứng dụng Source Engine vào game (engine nền tảng cho Half-life 2 và nhiều game sau này của Valve), thay đổi đến 90% những gì người ta từng biết về Counter-strike và mở ra trang sử mới cho dòng game này; Counter-Strike: Global offensive được xem như phiên bản online chuẩn mực “hot” nhất hiện nay; Counter-strike online 2 cũng đang được chờ đón và hứa hẹn sẽ có nhiều màn chơi “độc nhất vô nhị” từng xuất hiện trong dòng game CS… thì CSO lại vô cùng “lạc lõng” ở phía cuối chặng đua, chờ đợi một "bản án tử" từ hãng phát hành.

Server lớn nhất khu vực Đông Nam Á của CSO hiện tại đang được vận hành bởi hãng IAH Games. Theo trải nghiệm của Thanh Niên Game, lượng người chơi của game khá vắng vẻ, một số kênh (channel) gần như bỏ hoang ở nhiều thời điểm. Dù cho IAH Games vẫn có một số nỗ lực nhất định như cập nhật chế độ bắn zombie theo “mốt” thời thượng hiện nay.

Counter-strike Online: “Ông cụ” của làng game bắn súng trực tuyến

Những hình ảnh "lộng lẫy" của CS: Global offensive (Ảnh: IGN)

Vì lẽ đó, những người mơ mộng có đầu óc lãng mạn nhất, cũng khó có thể cho rằng CSO là một tựa game hấp dẫn đủ sức giữ chân các game thủ Việt Nam hiện tại, chứ chưa nói đến việc trở thành một “bom tấn” thương mại thành công.

CSO về Việt Nam để làm gì?

Như đã đề cập, CSO có thể sẽ được FPT Online mang về Việt Nam trong thời gian tới, theo những nguồn tin không chính thống. Khác với tựa game xuất sắc War thunder cũng của NPH này, CSO có vị thế hoàn toàn đối lập. Ở góc độ game thủ, người viết cho rằng CSO không đủ tính hấp dẫn để lôi kéo người chơi. Cứ cho rằng game thủ “hoài niệm” quay trở lại và chính chiến ở đấu trường “cổ xưa” này, thì việc chơi game và có sẵn sàng bỏ tiền vào game hay không lại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Việc chi tiền thật để sở hữu súng đạn là một thứ gì đó vô cùng “chướng tai” đối với game thủ trung thành của dòng game CS. Đó là chưa kể sức mạnh “bá đạo” của những cây súng đắt tiền này sẽ làm hỏng sự cân bằng của game, giết chết tính tranh đua trong kỹ năng và phản xạ - yếu tố tạo nên hấp dẫn cho thương hiệu CS hàng chục năm qua, và giúp game vươn lên tầm cỡ eSports.

Tất nhiên, những yếu tố liên quan đến vấn đề “nạp thẻ” này khá bình thường với các game MMOFPS tại Việt Nam, như Đột kích chẳng hạn, nhưng với những người đã quá quen thuộc với dòng game CS từ hồi mới tập “cầm chuột”, thì đây rõ ràng là chuyện dễ gây phẫn nộ.

Counter-strike Online: “Ông cụ” của làng game bắn súng trực tuyến

Lần đầu tiên trong dòng game CS, bạn phải chi tiền thật để sở hữu súng...

Cứ cho rằng game thủ Việt chấp nhận được với gameplay và đồ họa “cổ lỗ sỉ”, chấp nhận được với việc bỏ tiền ra để mua súng đạn và các vật phẩm trang trí, thậm chí cũng “lờ đi” thực tế rằng họ có thể trải nghiệm CS Source, CS: Global offensive với cái giá từ miễn phí tới rẻ như cho..., thì CSO vẫn rất khó thành công, đơn giản vì sự cạnh tranh từ những đối thủ sừng sỏ đang thống trị thị trường game bắn súng online tại Việt Nam, với chất lượng đều cao hơn CSO.

Counter-strike Online: “Ông cụ” của làng game bắn súng trực tuyến

....cùng hàng tá thứ khác giúp bạn mạnh lên 

Như vậy, nếu CSO thực sự được FPT Online mang về Việt Nam thì sao?

Ở góc độ của một game thủ đam mê CS, người viết mong đợi một bất ngờ từ phía FPT Online, chẳng hạn như việc họ sử dụng CSO để tiếp cận thị trường Việt, trước khi rước về "bom tấn" CSO 2, vừa hoàn thanh giai đoạn thử nghiệm tại Hàn Quốc.

Nếu không, đây là rõ ràng là một canh bạc, mà phần nhiều là rủi ro!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.