Đánh giá Đại Hoàng Đế: một webgame chiến thuật nửa vời

12/08/2015 14:30 GMT+7

Tuy mang bản chất của một webgame chiến thuật, song trong suốt quá trình trải nghiệm Đại Hoàng Đế trò chơi lại có rất ít tùy biến để người chơi nhào nặn, tính toán - vốn là đặc sản của dòng game này.

Có phải game chiến thuật?

Vừa Closed Beta chính thức ngày 10.8 tại cổng game aMO, Đại Hoàng Đế nhanh chóng đón nhận từ người chơi những lời khen ngợi ít nhiều về đồ họa, hệ thống tính năng game đa dạng, hệ thống kỹ năng nhân vật phong phú, và mô phỏng cốt truyện Tam Quốc Chí một cách chân thực.

Đại Hoàng Đế: Webgame chiến thuật nửa vời

Đại Hoàng Đế giới thiệu là một game chiến thuật cốt truyện Tam Quốc

Có thể nói, Đại Hoàng Đế khá mạo hiểm khi sử dụng cốt truyện Tam Quốc Chí vì đa số các webgame chiến thuật ra trước đã rất thành công với đề tài này, và ít nhiều tạo nên thương hiệu cho riêng mình, gần đây nhất là Trinh Đế (VGG) và Công Thành Chiến (VNG). Dĩ nhiên, đối với những người chơi yêu mến các nhân vật thời Tam Quốc, thì việc khám phá sự thay đổi về diện mạo, chất lính, khám phá sự mạnh yếu của họ qua mỗi game luôn là niềm vui song song của game thủ. Chính vì thế, Đại Hoàng Đế ít nhiều cũng được lựa chọn khi mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người chơi thích “đổi gió”, còn việc game có soán ngôi được những webgame chiến thuật đình đám đi trước hay không thì vẫn còn quá sớm để phán xét.

Đại Hoàng Đế mang bản chất của một game chiến thuật điển hình. Bạn sẽ hóa thân thành vị chúa công của một thành trì vô cùng sơ khai. Mỗi trận chiến thành công, mỗi cuộc chinh phạt các thành khác thắng lợi, bạn may mắn có thể chiêu nạp được những tướng lĩnh trung thành phò tá mình, đồng thời gây dựng thành trì ngày một lớn mạnh.

Trong Đại Hoàng Đế có 3 hệ thống binh chủng chính là Trọng Bộ, Phiêu Kỵ và Thần Tiễn, với khả năng tương khắc lẫn nhau thành hình tam giác: Trọng Bộ khắc Thần Tiễn, Thần Tiễn khắc Phiêu Kỵ, Phiêu Kỵ khắc Trọng Bộ. Nhiều game thủ cảm thấy hơi thất vọng một chút, bởi lẽ, các yếu tố tương khắc về binh chủng lẽ ra nên là yếu tố chính của các webgame chiến thuật, vì nó mang đến cho người chơi độ khó nhất định khi bố trí đội hình, mang đến cảm giác thắng lợi đầy mỹ mãn.

Đại Hoàng Đế: Webgame chiến thuật nửa vời

Hệ thống binh chủng kém phần đa dạng

Tuy nhiên, việc giới hạn 3 hệ thống binh chủng trong Đại Hoàng Đế khiến cho nhiều game thủ cảm thấy việc bố trí đội hình trong game dễ dàng quá, khi chỉ cần thay đổi nhẹ 1 đến 2 vị trí là được. Càng về sau, khi đã có đủ cấp độ cần thiết, với việc mở rộng ra 5 tướng xuất trận, thì gần như đội hình sẽ không có bất cứ thay đổi nào ngoài công thức: 3 thủ, 2 sát thương. Đây có thể coi là mặt hạn chế lớn nhất của Đại Hoàng Đế. Nhưng bù lại, hệ thống Tướng lĩnh với hệ thống kỹ năng riêng biệt ít nhiều cũng lấy lại chút “vốn liếng” cho nhà phát hành. Dù gì cũng là một game chiến thuật, thì ít nhất Đại Hoàng Đế cũng thể hiện độ khó “cấp độ 2” ( tính trên 10) thông qua việc lựa chọn tướng lĩnh xuất trận, sắp xếp vị trí đứng phù hợp, hệ thống binh chủng tương khắc. Tiếc thay, càng khám phá, người chơi lại thấy mất dần đi sự thử thách, yếu tố “chiến thuật” cũng theo đó bị bỏ ngỏ.

 Đại Hoàng Đế: Webgame chiến thuật nửa vời

Lỗi đánh và cách xây dựng đội hình trong Đại Hoàng Đế khá đơn giản

Thừa lực, thiếu mưu

Nói nhập vai thì cũng không phải, bởi người chơi chỉ có thể sử dụng vị tướng chính của mình thông qua việc bố trí đội hình trong các trận đánh, chứ hoàn toàn không thể điều khiển nó để cày cuốc, PK, đồ sát như những game nhập vai khác. Còn nếu nói đó là chiến thuật, thì lại càng không đúng. Một game chiến thuật mà trận đấu gần như được quyết định toàn bộ bằng sức mạnh của cấp độ và trang bị mạnh yếu của nhân vật, thì làm gì còn tính chiến thuật nữa.

Đại Hoàng Đế: Webgame chiến thuật nửa vời

Liệu Đại Hoàng Đế có được coi là một game chiến thuật

Yếu tố nhập vai được thể hiện cụ thể nhất qua hai tính năng chính: Kỹ năng và Trang Bị nhân vật. Đại Hoàng Đế cho phép người chơi sở hữu gần 20 kỹ năng riêng biệt, số lượng kỹ năng nhiều có khi còn hơn cả những game nhập vai đang phát triển trên thị trường. Không rõ, đây có phải là cách để nhà phát hành Đại Hoàng Đế tạo cho bản thân một cái “tôi” riêng biệt với các webgame chiến thuật khác hay không, hay là một nét phá cách mới mẻ của dòng game này trong… tương lai.

Hệ thống kỹ năng trong Đại Hoàng Đế bao gồm Kỹ năng nhân vật và Tiên Thuật. Thay vì chuyên biệt một kỹ năng độc đáo, mỗi vị tướng trong Đại Hoàng Đế đều có tới 8 kỹ năng cho riêng mình, bao gồm cả kỹ năng hỗ trợ và gây sát thương. Hệ thống kỹ năng Tiên Thuật của các vị tướng thì tất thảy đều giống nhau, do yếu tố ngọc ngũ hành là : Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tạo thành.

Đại Hoàng Đế: Webgame chiến thuật nửa vời

Hệ thống kỹ năng đa dạng

Tuy nhiên, trong mỗi trận chiến, người chơi chỉ có thể sử dụng một loại kỹ năng là Kỹ năng nhân vật hoặc Tiên Thuật, và chỉ có thể trang bị được tối đa 5 kỹ năng thông dụng và 4 kỹ năng Tiên Thuật. Tính năng này đỏi hỏi người chơi phải nắm thật rõ điểm mạnh, yếu trong đội hình quân lính của mình, để lựa chọn các kỹ năng cho phù hợp, tránh sử dụng chuyên một loại sát thương. Bởi lẽ, có những kỹ năng tuy sát thương thấp nhưng có kèm những hiệu ứng khống chế khó chịu, hoặc có những kỹ năng hỗ trợ tăng máu rất lợi khi đi chinh phạt hoặc đánh lôi đài.

Một yếu tố nữa rất dễ nhận ra của thể loại nhập vai chính là việc điều khiển nhân vật, sử dụng trang bị và nâng cấp trang bị cho tướng lĩnh. Yếu tố này không chỉ được webgame chiến thuật Đại Hoàng Đế đẩy lên thành yếu tố chính thứ hai song song với hệ thống kỹ năng, mà nó còn trở thành tính năng chính giúp tăng lực chiến nhân vật cũng như binh lính của mình.

Trong đó, mỗi vị tướng sẽ có 6 ô trang bị chính bao gồm mũ, áo giáp, vũ khí, binh thư, khiên và thú cưỡi. Mỗi trang bị đều có những chỉ số công kích nhất định phụ thuộc vào phẩm cấp trang bị. Hệt như các game nhập vai khác, Đại Hoàng Đế phân chia trang bị mạnh yếu theo phẩm cấp rất rõ ràng ra làm 7 loại: trắng, xanh, lam, vàng, tím, cam, đỏ. Người chơi có thể nâng cấp hệ thống phẩm chất món đồ thông qua tính năng Tinh Luyện vật phẩm, với tỷ lệ thành công phụ thuộc khá nhiều vào… cấp độ Vip.

Đại Hoàng Đế: Webgame chiến thuật nửa vời

Trang bị quyết định đến thắng lợi, chứ không phải là chiến thuật

Để một lần nữa khẳng định nét phá cách của mình, Đại Hoàng Đế chú trọng rất rõ về đồ họa nhân vật, mà cụ thể nhất chính là việc khắc họa sự thay đổi rõ rệt của trang bị thông qua hình ảnh nhân vật. Người chơi có thể trực tiếp chiêm ngưỡng nhân vật của mình với sự thay đổi rõ ràng qua các bộ trang bị ngay trong Quốc Đô hoặc qua các trận đánh. Tuy đây không phải là sự thay đổi mang yếu tố quyết định về tính năng game, nhưng việc chú trọng tới đồ họa nhân vật một cách đặc biệt như vậy cũng đủ nhận thấy webgame Đại Hoàng Đế gần như đang thoát ly khỏi công thức của game chiến thuật truyền thống.

Dẫu vậy, việc đẩy yếu tố kỹ năng, trang bị nhân vật tác động trực tiếp vào lối đánh chính của game đã phần nào giảm đi rất nhiều về tính chiến thuật cần thiết của game. Người chơi không còn tập trung quá nhiều vào việc bố trí đội hình, để ý đến binh chủng tương khắc, mà chỉ quanh quẩn với việc khám phá kỹ năng mới, lựa chọn kỹ năng này sát thương to hơn, kỹ năng nào đánh hiệu quả hơn, trang bị nào mạnh hơn… để dành chiến thắng.  Đáng lẽ ra, những việc như thế này chỉ nên làm đối với những game nhập vai, xây dựng nhân vật, chứ không hề phù hợp với dòng game chiến thuật như thế này. Hoặc có chăng, cũng chỉ nên coi đó là một yếu tố phụ, tác động không nhiều đến mỗi trận đánh, chứ không nên để “sức mạnh lấn áp chiến thuật” như thế.

Đại Hoàng Đế: Webgame chiến thuật nửa vời

Việc bố trí đội hình cứng nhắc

Để trở thành một webgame chiến thuật thực thụ, Đại Hoàng Đế cần đẩy mạnh độ khó và sự lựa chọn đa dạng trong cách bố trí đội hình, sắp xếp binh chủng phù hợp trong mỗi trận đánh, hay kể cả những bước di chuyển của tướng lĩnh, cũng cần phải có sự tính toán rõ ràng. Tiếc thay, Đại Hoàng Đế lại làm lu mờ đi hầu hết những tính năng cơ bản, khiến mỗi cuộc chiến gần như có thể đoán trước được người thắng, kẻ bại. Đơn giản, chỉ cần nhìn trang bị của vị tướng đó, là người chơi có thể đoán được là mình thắng hay thua.

Nếu những cuộc chiến thời Tam Quốc có thể phân định thắng bại chỉ bằng cách "liếc mắt" quan sát chiến lực như thế, chắc chắn Lưu Bị đã không cần đến Gia Cát Lượng, Tôn Quyền cũng chẳng cần Chu Du...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.