Đánh thuế TTĐB game online: Lợi bất cập hại - Kỳ 1

13/10/2014 10:10 GMT+7

Đưa game online vào diện chịu thuế TTĐB có khả năng không những không thu được thuế mà còn khiến việc quản lý thị trường này khó khăn hơn, game lậu phát triển hơn.

Kỳ 1: Nguy cơ thua trên sân nhà

(TNO) Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề nghị cho bổ sung game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mức thu 10%, trừ những game online có tính chất học tập. Luật thuế TTĐB dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 này. Đưa game online vào diện chịu thuế TTĐB có khả năng không những không thu được thuế mà còn khiến việc quản lý thị trường này khó khăn hơn, game lậu phát triển hơn.

Thi đấu game tại ASUS Expo (TP.HCM, tháng 9.2014), một sự kiện công nghệ của hãng ASUS - Ảnh: Cao Huy Bách 

Sau thời kỳ hưng vượng, thị trường sản xuất game online trong nước đối mặt với nhiều cạnh tranh gay gắt từ thị trường game nước ngoài. Ngành game đứng trước nguy cơ thua trên sân nhà nếu thuế TTĐB được áp dụng.

Ngừng 60 game

Năm 2009 và 2010, một số doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực tập trung sản xuất, xin phép và được phát hành trò chơi thuần Việt, tiên phong là Thuận Thiên Kiếm (nội dung về lịch sử của đất nước; Công ty cổ phần VNG). Năm 2011, một số game giáo dục giải trí như Chinh phục vũ môn (Công ty Egame), game 7554 (Công ty Emobi Studio) ra đời.

Tuy nhiên đến nay, các sản phẩm thuần Việt nói trên đã ngừng cung cấp dịch vụ, vì không có người chơi (theo thói quen sử dụng sản phẩm nước ngoài) dẫn đến không có doanh thu, lợi nhuận.

Tính đến hết tháng 8.2014, có tổng số 126 trò chơi được cấp phép phát hành tại Việt Nam, trong đó đã ngừng 60 trò chơi, còn lại là 66 trò chơi đang hoạt động.

Các game do Việt Nam tự sản xuất với tỷ lệ rất ít, vòng đời ngắn, mang lại doanh thu rất nhỏ khiến không đủ để đảm bảo sự tồn tại của sản phẩm, không làm tăng doanh thu cho ngành, thiếu sự ủng hộ của người chơi.

Tuy nhiên, việc sản xuất game trong nước của các công ty Việt Nam hiện nay đã thất bại cả về mặt doanh thu lẫn sự đón nhận của người chơi và đã đóng cửa các trò chơi này. Vì vậy hiện nay hầu như không còn công ty tự sản xuất game online trong nước, chỉ còn một số các công ty nhỏ với các game nhỏ lẻ, một nhóm người tự tập hợp nhau lại, một cá nhân tự sản xuất game cho thị trường mobile (điện thoại di động) rồi phát hành thông qua các kho ứng dụng Apstore của Apple hoặc Google Play của Google đến khách hàng.

Việt Nam vô địch Giải đấu Thể thao điện tử 2014 khu vực Đông Nam Á, tổ chức tại TP.HCM tháng 4.2014, bộ môn FIFA Online 3 - Ảnh: Cao Huy Bách

½ thị phần thuộc game xuyên biên giới

Hầu hết các công ty game ở Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp lớn đều đóng vai trò là những nhà phát hành game online hơn là nhà sản xuất. 90% số lượng game online phát hành có giấy phép và đem lại doanh thu cho ngành là game được sản xuất tại Hàn Quốc, Trung Quốc… rồi nhập khẩu hợp pháp về Việt Nam, được Việt hóa.

Để một  game online nhập khẩu nước ngoài được phát hành tại Việt Nam, nhà phát hành Việt Nam sẽ phải nộp một khoản tiền cố định, gọi là License Fee (tạm dịch là phí bản quyền), bên cạnh đó là 20 đến 30% lợi nhuận trong quá trình hoạt động.

Không như các mặt hàng hóa khác, game online hoạt động trên nền tảng internet nên có đến một nửa thị phần trong nước thuộc các sản phẩm trò chơi do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới và không nằm trong sự thống kê chính thức của cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp này không có trụ sở tại Việt Nam hoặc có trụ sở dưới hình thức một doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam, đứng đằng sau là nước ngoài.

Thực tế là các trò chơi này không bị kiểm soát bởi các cơ quan quản lý, không tuân thủ các thủ tục cấp phép, đăng ký kinh doanh, đăng ký bản quyền tại Việt Nam nên có thể dẫn đến kích động bạo lực, kích dục, lời thoại đa ngôn ngữ - không Việt hóa, chen lẫn các yếu tố đi ngược với thuần phong mỹ tục, ý thức chính trị. Hiện có trên 220 game theo dạng này đang cuốn hút người chơi Việt Nam.

Giới chuyên gia đặt vấn đề nếu thực hiện thu thuế TTĐB thì chỉ có những đơn vị sản xuất, kinh doanh game bài bản là phải đóng thuế, còn những game xuyên biên giới sẽ thu như thế nào. Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều không áp dụng thuế TTĐB đối với game online.

Ngược lại, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Singapore… có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nền công nghiệp này như hỗ trợ vốn, xây dựng các trường đại học, học viện để đào tạo nguồn nhân lực sản xuất game online... Ngành công nghiệp game online ở các nước này là đầu tàu nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền công nghệ thông tin.

Một góc ảnh tại phòng máy khi các game thủ đang thi đấu giải King of FPS - Warface - Ảnh: Cao Huy Bách

Hàn Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp game online được nhà nước ưu tiên chú trọng đầu tư phát triển. Số lượng công ty kinh doanh game online tại quốc gia này rất lớn, có đến 4.573 công ty và khoảng 50% trong số đó là các công ty sản xuất game online. Năm 2012, số lượng sản phẩm game được phát hành tại Hàn Quốc là hơn 700 game, đem lại doanh thu nội địa là 10 tỉ USD, doanh thu xuất khẩu đạt 2,78 tỉ USD. Sản lượng của ngành công nghiệp game online tại Hàn Quốc thậm chí còn vượt cả ngành công nghiệp ô tô, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền kinh tế Hàn Quốc.

Với một chính sách tốt, game online mang lại rất nhiều giá trị cho các nước cả trên phương diện văn hóa và kinh tế. Thông qua việc xuất khẩu game online, quốc gia xuất khẩu có thể truyền bá được những nét đẹp văn hóa, lịch sử của đất nước trên khắp thế giới. Sự phát triển của game online cũng góp phần tạo ra giá trị kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh game online, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm, đồng thời thúc đẩy ngành công nghệ thông tin, viễn thông phát triển.

5 loại hình game trên thị trường

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại hình game khác nhau, trong đó có những game có nguồn gốc là trò chơi thuần Việt nội địa do các doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất, xin cấp phép phát hành và báo cáo cơ quan quản lý (19 game; đã đóng cửa: 14 game, còn 5 game).

Loại thứ 2, các trò chơi thuần Việt do các doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu ra nước ngoài, có 2 game.

Loại thứ 3, trò chơi phát hành trên máy tính PC trong nước do các doanh nghiệp Việt đầu tư nhập khẩu, Việt hóa, chịu sự quản lý của Cơ quan quản lý tại Việt Nam (139 game).

Loại thứ 4, trò chơi phát hành trên máy tính PC xuyên biên giới đến từ các nhà phát hành nước ngoài, và game nước ngoài đang được chơi tại Việt Nam mà không rõ cụ thể do ai, tổ chức nào cung cấp, không Việt hóa hoặc có nhưng không nhiều, không xin phép phát hành hay báo cáo với cơ quan quản lý, không chịu bất kỳ sự ràng buộc pháp lý nào khác tại Việt Nam, không đóng bất kỳ khoản thuế vào ngân sách nhà nước (224 game).

Loại thứ 5, trò chơi trên mobile/Apps nước ngoài (Apple Store, Google Play, Facebook) là không thể đếm được số lượng, không thể tổng hợp được doanh thu, không có hình thức kiểm soát, không đóng bất kỳ khoản thuế nào vào ngân sách.

 

Một số hàng hóa chịu thuế TTĐB của Việt Nam hiện nay gồm: thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia; xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ 2 hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh trên 125 cm3; tàu bay, du thuyền; xăng các loại, naphtha, chế phẩm tái hợp  (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng; điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã.

Các loại dịch vụ chịu thuế TTĐB gồm: kinh doanh vũ trường, kinh doanh mát-xa (massage), karaoke, kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy jackpot, máy slot và các loại máy tương tự, kinh doanh đặt cược, kinh doanh golf bao gồm bán thẻ hội viên, cé chơi golf, kinh doanh xổ số.

(Trích luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thi hành 1.1.2009)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.