Đi tìm “giải Oscar” của ngành công nghiệp game

27/11/2013 07:00 GMT+7

Cuối năm là thời điểm các nhà phát hành tung ra những tựa game “khủng” nhất hòng hăm he các giải thưởng danh giá. Tuy nhiên, nếu thử nhìn lại khoảng thời gian gần một thập kỷ qua, trong hàng chục giải thưởng quan trọng mỗi năm, đâu mới là danh hiệu “Oscar” đích thực của làng game, và được dựa trên những tiêu chí nào?

Vất vả tìm kiếm một chuẩn mực

            Có lẽ, game là một trong những lĩnh vực biến động bậc nhất của ngành công nghiệp giải trí nói chung. Từ cái ngày anh chàng Mario đại náo trên nền tảng Nintendo cho đến thời điểm mà tựa game Grand Thief Auto 5 phá vỡ 7 kỷ lục guinness về doanh thu và trở thành sản phẩm giải trí gặt hái 1 tỉ USD nhanh nhất mọi thời đại, ngành công nghiệp game đã trải qua vô số lần chuyển mình và phát triển liên tục. Sự đa dạng về thể loại, hệ máy, nhu cầu của game thủ… đang khiến cho khái niệm game dần trở nên khó định nghĩa hơn bao giờ hết, và dĩ nhiên, một chuẩn mực “game hay” luôn là đề tài tranh cãi không ngừng nghỉ trong giới phê bình game. 

            Mỗi năm có hàng tá giải thưởng danh giá dành các tựa game xuất sắc nhất năm, có thể kể đến những cái tên nổi trội nhất như BAFTA Video Game Awards, Spike Video Game Awards, Golden Joystick Awards, giải thưởng của các tạp chí - website chuyên về game như PC Gamer, Game Informer, IGN, Gamespot… Nhìn chung công thức chấm giải của các giải thưởng này khá dễ hiểu: tìm kiếm khoảng 5 tựa game “bom tấn” của năm, và bắt đầu một cuộc mổ xẻ khốc liệt để tìm ra người chiến thắng. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời khắc mà những bất cập trong việc chấm giải lộ diện.

Cái mác game “bom tấn” không còn đủ sức bảo chứng cho chất lượng game.

            Game “bom tấn” được hiểu là tựa game có vốn lên đến hàng chục triệu USD, được trang bị những công nghệ đồ họa, âm thanh tối tân bậc nhất, thường là kẻ kế thừa của một series lừng danh nào đó trong quá khứ và luôn luôn đòi hỏi một cấu hình máy “khủng khiếp”. Tất nhiên, hầu hết đều là những sản phẩm tạo nên cơn sốt trong giới game thủ, và là đứa con cưng của những người chấm giải thưởng cho hạng mục “Game of the year” (Game hay nhất của năm).

Xu hướng chấm giải này được xem là tất yếu, vì game thủ bao giờ cũng muốn mở hầu bao cho những sản phẩm hoành tráng và ưu tú nhất của ngành công nghiệp game. Nhưng, nếu nhìn lại quá trình vận động của làng game kể từ khi smart phone và nhu cầu giải trí đa nền đang lên ngôi, vị thế độc tôn của những trò chơi “bom tấn” tại các giải thưởng hàng năm đang bị lung lay rõ rệt.

Những hiện tượng như Candy Crush Saga sẽ làm mới khái niệm “game hay” của các giải thưởng thường niên.

            Chẳng còn ai xa lạ với Candy Crush Saga và càng hiếm người thoát khỏi trò chơi này một khi đã… “nhúng chàm”. Bạn sẽ phải phát điên mỗi khi nhìn thấy hình ảnh trái tim khóc lóc và cái đồng hồ đếm ngược, gọi điện cho bạn bè và người thân vào lúc 2 giờ sáng để xin thêm “mạng” hoặc tấm vé unlock. Và cũng với tựa game này, hàng King đang khiến cho các ông lớn của ngành công nghiệp game “bom tấn” phải giật mình.

            Game thủ có thể bỏ vài tuần lễ để “phá băng” những tựa game đình đám như Call of Duty hoặc Assassin’s Creed, nhưng sẽ mất cả năm để chinh phục Candy Crush Saga. Rất có thể bạn sẽ nhanh chóng bảo hòa và không còn choáng ngợp trước những công nghệ đồ họa 3D tân tiến nhất, nhưng khó có thể dứt mắt khỏi nét vẽ 2D của những viên kẹo đầy màu sắc. Và quan trọng hơn hết, khi so sánh đến yếu tố lợi nhuận (tương quan giữa vốn làm game và doanh thu), trò chơi chỉ nặng vài trăm MB đó đang biến một số ông lớn của làng game trở thành trò hề.

Indie games - sự trỗi dậy của những gã “tí hon”

            Candy Crush Saga là đại diện tiêu biểu cho sự lên ngôi của dòng game chú trọng đầu tư về gameplay (cách chơi) và yếu tố sáng tạo, hơn là nặng về sự hào nhoáng về hình ảnh, âm thanh. Đây cũng chính là tinh thần chủ đạo của dòng game indie - một phép lạ đang làm thay đổi ngành công nghiệp game vài năm gần đây.

Rất khó tin là trò chơi Paper, Please với đồ họa “thời kỳ đồ đá” được phát hành vào năm 2013, càng thần kỳ hơn khi tựa game này đang nằm trong rất nhiều danh sách đề cử đa hạng mục của các giải thưởng game uy tín

            Indie game (Independent video game) là những trò chơi độc lập do một vài cá nhân hoặc một nhóm lập trình viên thực hiện, không tiếp nhận bất kỳ nguồn vốn nào của những công ty phát hành game chuyên nghiệp. Vì lý do đó, những tựa game indie thường mất một khoảng thời gian rất lâu (vài năm là rất thường thấy) để hoàn tất, rất ít khi sở hữu những công nghệ đồ họa khủng. Thay vào đó, toàn bộ tinh túy của những tựa game indie được đội ngũ phát triển “vận công” vào cách chơi và chiều sâu của sản phẩm, và do đó tạo nên một nét đặc trưng hết sức thú vị cho dòng game indie: đây là những tựa game sáng tạo nhất, kỳ quái nhất, lạ lùng nhất và điên nhất!

            World of Goo, Braid, Minecraft, Journey, Don't Starve, Limbo là các đại diện tiêu biểu của dòng game indie, và đều là những thành công vượt trội về mặt tài chính của những nhóm phát triển “tí hon”. Không chỉ thành công trong việc chinh phục game thủ nhờ gameplay cực kỳ sáng tạo, hỗ trợ đa nền, mà còn xuất sắc trong việc tạo ra bản sắc rất riêng của mình chỉ nhờ vào đồ họa 2D và những chất liệu đơn giản đến mức không ngờ. Và cũng chính nhờ những tựa game này, game thủ được chạm ngõ một thước đo mới của ngành công nghiệp game hiện đại: tố chất nghệ thuật.

Những tựa game Indie như Braid dường như đã vượt qua nhiệm vụ giải trí, và trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Điều mà những tựa game “bom tấn” đang cần.

            Các giải thưởng game uy tín đã không bỏ sót những tác động tích cực của dòng game indie mang lại, bằng chứng là Braid hay gần đây là Journey đã càn quét rất nhiều giải thưởng quan trọng, nhưng tất nhiên, vẫn chưa thể giành chiến thắng thật sự trước những ông lớn của làng game: Những quả “bom tấn” vốn nhẵn mặt với giải thưởng. Tuy nhiên, chính nhờ sự phát triển như nấm sau mưa của dòng game indie, ngành công nghiệp game mới nhận được những bài học vô giá về chuẩn mực của một trò chơi hay, và cũng nhờ vậy, game thủ có quyền hy vọng vào những tựa game hoàn hảo và giá trị hơn trong tương lai. Thậm chí, sự ra đời của dòng game nghệ thuật (vốn đã manh nha xuyên suốt lịch sử của ngành game) đang ở rất gần trước mắt.

Và khi đó, cuộc đua danh hiệu “Game of the year” sẽ không còn là sân chơi của những tựa game “bom tấn” bắn - giết hào nhoáng hoặc chạy đua “vũ trang” về công nghệ làm game, mà sẽ giàu cảm xúc hơn, đa sắc màu hơn, sâu lắng hơn… Như một cuộc cạnh tranh rất Oscar.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.