Game nhiều tập: Hướng đi mới của các nhà sản xuất ?

22/12/2015 12:00 GMT+7

Trong những năm gần đây, xu thế phát hành game nhiều tập đang dần trở nên phổ biến. Liệu đây có phải nước cờ tối ưu hay đơn thuần chỉ là “mánh khoé” nhằm kiếm lời từ game thủ?

Game nhiều tập là gì?

Như cái tên của nó, game nhiều tập là một game được phát hành dưới dạng series nhiều tập. Thời lượng của mỗi phần ngắn và chứa ít nội dung hơn một trò chơi hoàn chỉnh.

"Xác sống" thành công trên cả màn ảnh nhỏ lẫn video game (Ảnh: Telltale Games)

Mô hình game nhiều tập:

  • Mỗi tập là một game phát hành độc lập.
  • Thời lượng của mỗi tập tương đối ngắn.
  • Các tập được phát hành theo một lịch trình đã được định sẵn.

Mô hình game nhiều tập (Ảnh: SuperGame)

Trò chơi nổi tiếng đi đầu về thể loại "game truyền hình" là Sam & Max: Save the World, bao gồm 6 phần, được phát hành vào cuối năm 2006 tới đầu 2007 bởi Telltale Games.

Thành công đầu tiên trong ngành game nhiều tập (Ảnh: Telltale Games)

Tiếp đó là hàng loạt các trò chơi thành công sau này của hãng như: The Walking Dead, The Wolf Among Us v.v. Game phiêu lưu Life is Strange của Square Enix hay game Resident Evil Revelations 2 của Capcom cũng đi theo hướng phát hành nhiều tập.

Revelations 2 nhận được nhiều lời khen từ giới game thủ. (Ảnh: Capcom)

Nhà sản xuất và người chơi được gì?

Có rất nhiều lợi thế từ việc phát hành dưới dạng game nhiều phần. Điều này sẽ giúp nhà sản xuất và phát hành giảm bớt chi phí, bán sản phẩm tốt nhằm tiếp tục vận hành dự án tiếp theo.

Với những sản phẩm mới, thay vì tung ra thị trường một trò chơi với đầy sự hoài nghi về độ thành công, họ có thể thăm dò bằng cách chia nhỏ game nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa về tài chính.

Giảm bớt rủi ro đầu tư là điều quan trọng với mỗi nhà phát hành (Ảnh: Telltale Games)

Phát hành dưới dạng nhiều tập còn giúp nhà sản xuất ghi nhận phản hồi từ người chơi, từ đó giúp họ cải thiện và thêm vào những cải tiến ở những phiên bản tiếp theo.

Về phần người chơi:

  • Chúng ta sẽ được thưởng thức game với chất lượng được tăng dần đều.
  • Bạn có thể mua từng phần hoặc trọn bộ, bất cứ khi nào bạn muốn.
  • Thời gian chờ đợi sẽ được giảm xuống thay vì phải mất 2-5 năm cho một tựa game. Dĩ nhiên, không ai muốn chờ đợi cả.

Người chơi nhận được nhiều lợi ích từ việc phát hành game nhiều tập. (Ảnh: Square Enix)

Con dao hai lưỡi?

Mọi thứ luôn có hai mặt đối lập. Nhà sản xuất chọn mô hình nhiều tập đa phần bởi thiếu tài chính để phát triển một trò chơi hoàn chỉnh ngay từ đầu, và hy vọng với doanh thu cao sẽ đảm bảo cho việc tiếp tục kế hoạch.

Tuy nhiên nếu thất bại, rất có thể các kế hoạch tương lai sẽ bị thay đổi: cắt giảm nội dung, thời lượng hoặc tệ hơn là... trì hoãn vô thời hạn.

Sin Episodes - Một trò chơi bị hoãn vô thời hạn (Ảnh: Ritual Entertainment)

Sau khi mua tất cả các tập, rất có thể bạn sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn so với thông thường cho một tựa game. Có thể nói đây cũng là một chiêu trò của nhà phát hành nhằm "bòn rút" ví tiền của người chơi.

Đa số các trò chơi đều được phát hành dưới dạng tải về, đây sẽ là hạn chế nếu bạn là người yêu thích sưu tầm phiên bản "cứng" (retail) hoặc không sở hữu đường truyền internet tốc độ cao.

"Digital only" là xu thế chung của game nhiều tập. (Ảnh: Steam)

Kết

Đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên, việc phát hành từng phần vẫn chưa chứng tỏ được mình, đặc biệt với những tựa game bom tấn. Người chơi không hề mong muốn tình tiết và thông điệp từ trò chơi bị chia nhỏ hay việc phải chờ đợi từng tuần làm gián đoạn cảm xúc khi thưởng thức. Xu thế phát hành nhiều tập có lẽ chưa thể trở thành hướng đi tối ưu trong ngành công nghiệp game hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.