Game và điện ảnh - ranh giới mong manh

22/03/2014 09:00 GMT+7

Bạn là một fan cuồng của phim ảnh? Vậy bạn nghĩ sao nếu được tự trải nghiệm, tự nghiền ngẫm các tình huống như trong phim qua game?

Khi ngành công nghiệp game ngày càng phát triển, thì kéo theo đó nhu cầu của người chơi cũng ngày càng cao hơn. Họ mong muốn một điều gì đó khác biệt, một sự đột phá, để các trò chơi thoát khỏi khuôn khổ, quy chuẩn hiện tại.

Để tạo sự độc đáo và mới mẻ cho riêng mình, nhiều nhà sản xuất đã lồng vào trò chơi của mình yếu tố "Hollywood" hay cụ thể hơn là "chất điện ảnh". Khiến người chơi khi trải nghiệm một game như đang xem phim vậy.

Có rất nhiều game như vậy, nhưng hôm nay Thanh Niên Game (TNG) sẽ đem đến cho bạn đọc hai trò chơi. Một mới một cũ, vừa hấp dẫn trong cách chơi lại vừa lôi cuốn bởi cốt truyện và là điển hình của phong cách dàn dựng kiểu điện ảnh.

Bậc tiền bối

Phong cách làm game theo điện ảnh chẳng phải mới xuất hiện, chỉ là trước đây người ta không để ý và công nhận nó mà thôi.

Đối với những game thủ gạo cội chắc hẳn cái tên Metal gear solid (MGS) đã không còn xa lạ nữa, một trò chơi theo phong cách Stealth - Action (hành động bí mật). Với nhiều người, MGS không đơn thuần là một trò chơi giải trí mà nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa nhân văn. 

MGS là tựa game gắn với tuổi thơ nhiều game thủ.

MGS không có chiến trường khốc liệt với bom nổ điếc tai, pháo kích oanh tạc từng đợt không nghĩ, hai đội quân gào thét xông vào nhau chiến đấu, thay vào đó là sự tinh tế và sâu sắc của thể loại hành động lén lút.

Snake đơn thân độc mã trong cuộc chiến âm thầm dưới "pháo đài" Shadow Moses và hoàn toàn không biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Một âm mưu tội ác của chính phủ Mỹ, một sự thật khủng khiếp đằng sau quá khứ của Snake, các chiến binh phi thường chờ kết liễu anh, những người bạn sẵn sàng hy sinh vì nhau, v.v. và nhiều bài học quý giá về cuộc sống.

MGS không để người chơi mãi "lén lút" trong bống tối. Bạn sẽ được trải qua những giây phút đầy phấn khích khi đấu trùm, chúng đều là các bậc thầy trong chiến đấu. Nhưng cho dù có là "quái nhân" thì chúng vẫn là con người, vẫn tồn tại những điểm yếu để người chơi khai thác vì "nhân vô thập toàn" mà.

Nhưng trên hết, MGS không chỉ lại ở việc mang đến cho bạn những tên trùm "khó nhai" mà còn truyền tải một thông điệp khác. Chính vì là con người nên chúng cũng có tâm sự, hoài bào và ký ức riêng, đôi khi hiểu được bạn sẽ thấy chúng cũng không thật sự xấu...

Chính cách mà con người đối xử với nhau hằng ngày đã đẩy chúng vào con đường tội lỗi. MGS luôn tôn vinh những giá trị đích thực của con người, tình yêu, tình bạn, tình đồng đội, v.v. Ví dụ điển hình nằm ở hành động Snake đặt việc cứu sống một đồng đội đang hấp hối lên trên nhiệm vụ, vốn là điều cấm kỵ của người lính.

Chưa dừng lại ở đó, Hideo Kojima đã khéo léo lồng ghép nhiều ẩn ý vào những đoạn phim cắt cảnh của MGS. Thông qua tựa trò chơi, ông muốn nhắc lại những giá trị nhân đạo to lớn mà mỗi ai trong chúng ta đôi khi cũng nên suy ngẫm.

Người chơi còn bị "say" trước vẻ hào nhoáng mà game mang lại nhờ vào những bản nhạc, âm thanh, hiệu ứng. Chúng hòa quyện vào nhau, tạo nên những điểm nhấn, cao trào. Bản nhạc "The best is yet to come" với giai điệu hào hùng đậm chất anh hùng ca, cùng lời ca và âm điệu trầm ngâm về cuộc sống đã trở thành "bất tử" trong thế giới game.

 MGS thực sự là một kiệt tác điện ảnh chứ không đơn thuần là trò chơi nữa.

 

Hậu sinh khả úy

Hẳn The walking dead (TWD) là cái tên rất quen thuộc với phần đông những người yêu thích môn nghệ thuật thứ bảy. Series phim lấy bối cảnh về đại dịch zombie rất đình đám, đoạt được nhiều giải thưởng cũng như bình luận tích cực từ giới chuyên môn.

Nhưng cũng có một TWD khác tạo được tiếng vang lớn không kém, đó là tựa game phiêu lưu dựa trên bộ truyện tranh của tác giả Robert Kirkman (cũng là khởi nguồn cho bộ phim cùng tên). Đồ họa của trò chơi được làm đúng theo phong cách comic, với lối chơi giải đố làm chủ đạo.

Game xoay quanh cuộc phiêu lưu của một giảng viên đại học nhưng lại bị kết tội giết người - Lee, cùng cô bé bị lạc mất cha mẹ giữa lúc đại dịch zombie đang hoành hành - Clementine.

Hai người xa lạ - một hành trình vô định

Không giống như các tựa game phiêu lưu giải đố thông thường, TWD tập trung vào cốt truyện và xây dựng nhân vật. Điều này được quyết định bởi những lựa chọn về câu thoại cũng như hành động của người chơi xuyên suốt câu chuyện.

Chính những lựa chọn này sẽ làm nền móng tạo nên hình tượng của nhân vật mà bạn hướng đến và gần như sẽ phản ánh đúng con người bạn nếu rơi vào trường hợp tương tự. Cảm giác khi chơi TWD, bạn vừa là đạo diễn tạo ra tình huống, cũng vừa là diễn viên tham gia và xoay chuyển tình huống theo ý nghĩ của bản thân. Tự tạo nút thắt và tự cởi bỏ nó theo cách bạn thích.

Cũng như tựa phim cùng tên, TWD phiên bản game mang lại rất nhiều suy nghĩ cho người chơi. Điển hình như quyết định có lấy trộm đống nhu yếu phẩm từ chiếc xe không, khi một bên là nhóm người đang đói khát và mệt mỏi, nhưng một bên là sự ngây thơ nhưng rất thực tế của cô bé Clementine về việc "trộm cắp". 

Kịch tính được đẩy lên thêm khi lựa chọn của bạn sẽ quyết định đến việc sống chết của chính mình hoặc của người khác (xuất hiện liên tục trong trò chơi). Đứng giữa một chàng thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết đã từng cứu sống mình và một cậu bé không có chút khả năng chống chọi với đám thây ma đang bám lấy chân mình, bạn sẽ chọn ai?

Không có đúng hoặc sai mà là sống hay chết

Tất cả sẽ quyết định xem con người bạn thế nào, nhân vật của bạn ra sao, không những thế mỗi lựa chọn cũng gây ảnh hưởng đến cái nhìn của các nhân vật phụ trong game. Có thể một người sẽ cảm kích vì hành động của bạn nhưng người kia lại mang nỗi hận sâu sắc bởi chính hành động đó đã vô tình cướp đi mạng sống của người thân họ.

Những trường hợp rất oái oăm sẽ xảy ra và không thể tránh khỏi, điển hình như việc đứng giữa hai cha con đều đang bị lũ zombie lao đến toan cướp đi mạng sống. Dù bạn chọn cứu ai, kết quả cũng sẽ là sự thù hằn từ người kia đối với chính mình. Rất khó, nhưng lại rất chân thực. Bởi chỉ khi cận kề với cái chết, con người ta mới bộc lộ con người thật của mình.

Xuyên suốt trò chơi, bạn sẽ hiểu thế nào là tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, là lòng tốt thực sự, những bộ mặt giả dối, là toan tính, đố kỵ,.v.v. Tất cả hiện ra trong TWD như một bộ phim về toàn bộ xã hội đương thời, nơi con người với con người giao tiếp ứng xử với nhau hàng ngày.

Sẽ có lúc chơi xong một trích đoạn, bạn phải dừng lại, suy nghĩ về những gì vừa xảy ra trong game, nhiều lúc nước mắt sẽ rơi, đó là xúc cảm, là tiếng lòng. TWD chẳng khác nào một kiệt tác Hollywood khi mang lại quá nhiều cung bậc cảm xúc cho người "xem". Đúng như thế, là "xem" chứ không phải là "chơi" nữa, chỉ khác ở chỗ bạn có quyền can thiệp vào chính nội dung của tác phẩm để biến nó trở thành tuyệt phẩm.

The walking dead, một trò chơi phản ánh những mặt tối của hiện thực xã hội.

Phải chăng "Game" và "Điện ảnh" đã thực sự không còn ranh giới?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.