Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

21/07/2015 19:00 GMT+7

Không được xếp vào cấp S và cấp 1, điều gì đã khiến những lá Legendary sau đây phải ngậm ngùi nằm ở cấp 2? Hãy cũng Thanh Niên Game phân tích ưu nhược của chúng trong chuyên mục đánh giá Legendary kỳ này.

Sau khi đã đến với các lá bài Legendary được xếp vào cấp S và cấp 1 ở hai kỳ trước, trong khuôn khổ kỳ này, Thanh Niên Game sẽ tiếp tục giới thiệu với quý độc giả những lá bài Legenday được xếp vào cấp 2 trong Hearthstone.

Những lá bài này đã từng mạnh nhưng không còn hữu dụng trong chiến thuật hiện hành, hoặc là những lá không bắt buộc phải có, có thể thay thế được. Chúng không phải điều kiện thắng duy nhất của bộ bài hay giá trị khi sử dụng riêng lẻ của chúng không lớn bằng các lá bài cấp 1. Tuy nhiên, việc disenchant chúng để đổi lấy 400 dust cũng không thực xứng đáng, bạn phải cân nhắc kỹ về việc này. Bạn cũng có thể craft những lá bài này, nhưng độ ưu tiên của chúng sẽ không cao bằng các lá bài cấp 1 và cấp S.

Cấp 2

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Sneed's Old Shredder

Để đánh giá chất lượng của một lá bài Legendary, chúng ta thường xét tới lượng chỉ số, khả năng Battlecry/Deathrattle hoặc hiệu ứng liên tục của nó, để rồi so sánh tới lượng mana cần tiêu tốn. Đa số những legendary được đánh giá tệ thường do khả năng của chúng quá kém nếu so với lượng mana bạn cần bỏ ra để sử dụng.

Sneed Old’s Shredder là một lá bài legendary khá mắc nếu cần tiêu tốn 8 mana cho lượng chỉ số 5/7. Tuy nhiên, bạn chỉ cần triệu hồi được một lá bài legendary có giá trị trên 3 mana, thì bạn sẽ có lời trong việc sử dụng Sneed Old’s Shredder. Hơn thế nữa, đối thủ sẽ phải tiêu tốn ít nhất từ 2 lá bài trở lên để dọn bàn. Tính tới Blackrock Mountain, có tới 67 lá bài legendary mà Sneed Old’s Shredder có thể triệu hồi ra và chỉ có một số ít mang giá trị tệ như Nat Pagle, Edwin Vancleef, v.v.

Nếu bạn mở được lá bài này, hãy cân nhắc sử dụng vì độ kết dính trên bàn đấu mà nó mang lại cho bạn. Ngoài ra, yếu tố RNG (ngẫu nhiên) sẽ giúp trận đấu thêm phần gay cấn và vui nhộn hơn. Biết đâu Sneed Old’s Shredder sẽ cho bạn Ysera hoặc Ragnaros, thậm chí là bản thân Sneed Old’s Shredder, hay tuyệt vời hơn là Kel’Thuzad thì sao?

Điểm yếu duy nhất của lá bài này là hiệu quả nó mang lại hay tác động lên trận đấu không bằng những lá bài có battlecry. Đôi khi, trận đấu đã kết thúc ngay cả trước khi bạn có thể sử dụng Sneed Old’s Shredder.

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Neptulon

Khi phiên bản Goblins vs Gnomes mới ra mắt, lá bài này không nhận được nhiều sự chú ý do Murloc Shaman là thứ gì đó người ta không bao giờ nghĩ có thể được đưa vào đấu trường Hearthstone chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tiềm năng của Neptulon trong các bộ bài Midrange/Control Shaman đã được nhận thấy. Bản thân Neptulon đã mang lại quá nhiều lợi bài cho người chơi Shaman chứ chẳng cần kết hợp thêm lá bài nào khác cả.

Neptulon là một sự bổ sung hoàn hảo cho điểm yếu của Midrange/Control Shaman. Đó là thiếu minion vào giai đoạn giữa trận đấu. Với một class có lối đánh kiểm soát bàn đấu sớm bằng những minion nhỏ như Shaman, việc trao đổi quái không có lợi là không thể tránh khỏi, dẫn đến việc Shaman bị đuối dần về late game do hết bài.

Neptulon không những có chỉ số lớn 7/7, mà còn cho bạn thêm đến 4 con Murloc chỉ với 7 mana. Và chúng ta đều biết, Murloc càng đông càng khỏe, cho nên 4 là một con số không hề nhỏ. Đàn Murloc cũng kết hợp rất tốt với những lá bài có khả năng buff của Shaman như Bloodlust hay Flametongue Totem.

Điểm trừ của lá bài này có lẽ nằm ở chỉ số tấn công là 7 khá dễ bị Big Game Hunter, thêm vào đó lượng Overload khá lớn khiến bạn khó ra bài ở lượt sau. Dù vậy, lựa chọn tốn đến 8 mana của Shaman cũng không nhiều, và lượng Overload đó cũng hoàn toàn xứng đáng với khả năng của Neptulon.

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Leeroy Jenkins

Không còn giữ vị trí quan trọng trong hầu hết các bộ bài như hồi nó chỉ tốn 4 mana, nhưng ngày nay chúng ta vẫn thấy Leeroy Jenkins được sử dụng. Có thể so sánh nó với một lá Fireball 5 mana, nhưng việc là minion khiến nó có thể nhận buff lớn từ rất nhiều nguồn khác.

Vai trò của Leeroy trong các bộ bài là "finisher" – dứt điểm đối phương với một lượng sát thương lớn khi còn thấp máu. Leeroy hiện tại có thể sử dụng hiệu quả trong nhiều bộ bài Aggro như Face Hunter, Aggro Paladin hoặc những bộ bài như Combo Warlock hay Handlock. Sự xuất hiện của Emperor Thaurissan cũng khiến Leeroy trở lại nhiều hơn.

Dù Leeroy không còn là một lá bài bắt buộc phải có như ngày trước, nó vẫn sẽ mang lại một sức mạnh đặc biệt khi ở trong bộ bài của bạn.

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Troggzor the Earthinator

Troggzor là một lá bài được đánh giá rất cao, dự đoán là mạnh nhất khi phiên bản Goblins vs Gnomes vừa được công bố. Tuy nhiên, kỳ vọng bao nhiêu, Troggzor lại gây thất vọng bấy nhiêu khi thể hiện sự thiếu ổn định của mình trong những bộ bài được sử dụng.

Không thể phủ nhận Troggzor có khả năng rất mạnh, nhưng nó chỉ mạnh khi đối đầu với các class dùng nhiều bài phép như Shaman, Priest và đặc biệt là Rogue. Khi đối đầu với các bộ bài Aggro hay Midrange chủ yếu phụ thuộc minion như Midrange Paladin, Druid, Troggzor thực sự quá yếu đuối với chỉ số 6/6 và một effect gần như vô dụng.

Ở vào khoảng 7 mana, Dr.Boom gần như đã chiếm vị trí trong mọi bộ bài, khiến cho Troggzor không còn chỗ đứng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, effect độc đáo của lá bài này hứa hẹn rất nhiều tiềm năng. Việc bị từng bị đánh giá quá cao có thể khiến mọi người cảm thấy lá bài này hơi yếu, nhưng thực sự đây vẫn sẽ là một lựa chọn đáng để cân nhắc.

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Ysera

Ysera là một lá bài legendary đặc biệt mạnh ở về cuối trận đấu. Chỉ có Ysera và Malygos có lượng chỉ số 4/12. Trong khi Malygos cần kết hợp với những lá bài gây sát thương phép thuật khác để phát huy sức mạnh, Ysera sẽ ngay lập tức phát huy khả năng của mình ở lượt được triệu hồi, bảo đảm cho bạn một lá bài "Dream".

Đối với một số class, cực kỳ khó để tiêu diệt Ysera và dù có bị câm lặng, một quái vật 4/12 sẽ giúp bạn trao đổi rất nhiều tài nguyên của đối phương. Có 5 lá bài "Dream" khác nhau và cả 5 đều có khả năng đặc biệt, đều có khả năng giúp bạn giành lợi thế so với đối phương. Chỉ cần để Ysera sống được vài lượt, bạn gần như sẽ nắm chắc chiến thắng bởi lượng lợi bài cực lớn từ Ysera.

Điểm yếu duy nhất của Ysera là với lượng mana tiêu tốn là 9, nó cực kỳ chậm và tác động lên trận đấu cũng không tức thời như Ragnaros. Do đó, Ysera thường được sử dụng trong các bộ bài mang thiên hướng kiểm soát cao như Control Warrior, Control Priest, v.v.

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Baron Geddon

Baron Geddon là một lá bài mạnh, tuy nhiên phạm vi sử dụng của nó khá hẹp. Yêu cầu một số điều kiện nhất định để giảm sự bất lợi từ khả năng gây sát thương lên cả đồng minh của nó.

Người ta dễ dàng quên đi việc Baron Geddon là một lá bài Neutral, vì tên tuổi của nó hầu như gắn liền với bộ bài đắt đỏ Control Warrior. Khá hiếm khi thấy Baron Geddon xuất hiện hiệu quả trong các bộ bài khác, trừ một số deck Mage hay Warlock "dị" trước đây.

Sức mạnh của Baron Geddon nằm ở việc, khi bạn đang ở vào thế yếu, lá legendary này có thể dễ dàng giúp bạn lật kèo bằng việc mang lại một minion có chỉ số tương đối lớn trên bàn (7/5) đồng thời lại dọn dẹp bàn đấu với 2 sát thương diện rộng. Tác dụng ngay khi ra sân cũng khiến việc bị Big Game Hunter ít làm giảm đi giá trị của nó.

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Edwin VanCleef

Edwin Vancleef từng vô cùng phổ biến ở thời đại của Miracle Rogue. Qua thời gian, những cập nhật của Hearthstone dần đưa quân bài này chìm vào bóng tối.

Đầu tiên là sự phổ biến của các quân bài Deathrattle, kéo theo việc ai cũng cho Silence vào bộ bài. Thêm vào đó, Miracle đã bị đánh gục sau những đợt nerf của Blizzard. Trong Oil Rogue (bộ bài Rogue phổ biến nhất hiện tại), Edwin không thực sự cần thiết.

Nhưng dù sao, đây vẫn là một lá bài tốt. Edwin có thể là một con 6/6 hoặc 4/4 trên sân từ lượt thứ 2-3 của trận đấu khi bạn đã sử dụng Backstab hay Deadly Poision trước đó. Trận đấu càng kéo dài, càng dễ tận dụng sức mạnh của lá bài này hơn khi bạn có nhiều bài trên tay và đối phương đã sử dụng hết silence hay những là bài loại bỏ từ trước.

Hãy cố gắng sử dụng Edwin thật thông minh như một minion 3 mana để tạo tempo sau khi đã sử dụng lượng mana còn lại thật hiệu quả chứ đừng đốt toàn bộ bài trên tay bạn một cách mù quáng và mong lá bài này đơn độc mang lại chiến thắng.

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Foe Reaper 4000

Ít xuất hiện trong những bộ bài Control do có nhiều lựa chọn tốt hơn cho vị trí của Foe Reaper 4000, nhưng đây thực sự là một minion rất mạnh. Lá bài này sẽ hủy diệt bàn đấu của kẻ địch nếu không được "chăm sóc" ngay tức khắc từ khi mới ra sân. Foe Reaper 4000 còn có thể tiêu diệt những mục tiêu khó chịu như Water Elemental hay kẻ địch đang trốn sau Taunt và Stealth một cách hiệu quả.

Tuy nhiên việc sống sót trên sân một lượt để được tấn công luôn rất khó khăn trong Hearthstone, vì thế những lá bài như Foe Reaper 4000 ít được sử dụng. Nhưng ngoài việc không tạo ra giá trị ngay khi ra sân, lá bài này thực sự không có điểm yếu đáng kể nào khác.

Đã có những người chơi sử dụng Foe Reaper rất thành công ở những bộ bài Control Priest hay Ramp Druid và đạt được rank Legend. Nếu bạn đang thiếu một minion mạnh hay muốn xây dựng một bộ bài không sợ Big Game Hunter, đừng ngần ngại sử dụng Foe Reaper 4000.

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Toshley

Một quân bài rất tốt nhưng bị đánh giá thấp. Hầu hết những người chơi nổi tiếng khi nói về Toshley đều nhận định đây là một quân bài rất tốt.

6 mana 5/7 là một chỉ số rất tốt, Toshley tiêu diệt phần lớn những minion phổ biến ở lượt 5 và 6 hiện nay (kể cả Savanah Highmane) sau một hit và vẫn sống sót. Hai lá spare part Toshley đem lại mở ra những combo khá thú vị mà bạn không hề nghĩ tới, ví dụ như bất ngờ kết liễu đối phương với Ysera 12/4 chẳng hạn.

Một vài bộ bài Mage đã sử dụng Toshley để tận dụng những lá spell part khi kết hợp với Antonidas. Nhìn chung, đây là quân bài đơn giản luôn đem lại hiệu quả một cách ổn định chứ không mang tính đột biến như các Legendary thường thấy.

 

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Trade Prince Gallywix

Gallywix không được chú ý nhiều do nó hoàn toàn không thích hợp với lối đánh Combo Rogue phổ biến. Tuy nhiên nhiều người chơi Tempo Rogue và thậm chí Control Rogue đã đạt được những thành công nhất định với Trade Prince Gallywix.

Với chỉ số 5/8 rất mạnh khi xét đến những lá bài 6 mana khác và kỹ năng vô cùng khó chịu khiến đối phương gần như không bao giờ sử dụng bài phép khi hiện hữu trên sân, Gallywix rõ ràng là một minion rất tốt và không sợ bị Big Game Hunter tiêu diệt.

Vấn đề duy nhất là lá bài này cung cấp mana cho đối phương khiến họ có thể làm ra những combo không tưởng. Đối đầu với những bộ bài như Freeze Mage, Midrange Druid, Oil Rogue hay thậm chí Patron Warrior đang rất nổi tiếng, sử dụng Gallywix khi đối phương có 5-6 lá bài trở lên trên tay không khác gì đánh một canh bạc.

Bên cạnh đó, khi Oil Rogue vẫn quá nổi tiếng so với các bộ bài Rogue khác, việc Gallywix có thể được sử dụng nhiều có lẽ còn lâu mới xảy ra.

Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 3

Malygos

Khả năng +5 spell damage của Malygos có thể khiến một lá bài phép yếu nhất của bạn cũng trở thành vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên do tốn tới 9 mana để ra sân, bạn thường khó có thể dùng ngay một spell nào đó ở lượt gọi Malygos trong khi đối phương thường có đủ khả năng để vô hiệu hóa Malygos ngay ở lượt sau.

Nhưng sau khi Emperor Thaurissan xuất hiện trong bản cập nhật Blackrock Mountain, điểm yếu trên đã được khắc phục. Chỉ cần giảm được 1 mana cost của Malygos và các lá phép cần thiết, nhiều class giờ đây có thể gây được trên 15 sát thương với Malygos chỉ trong một lượt. Việc cầm Malygos trên tay lâu cũng được lợi dụng để kích hoạt sức mạnh của Blackwing Corruptor và Technician.

Để sử dụng hiệu quả Malygos, bạn nhiều khi phải chờ đợi và chuẩn bị suốt cả trận đấu, bộ bài sử dụng yêu cầu phải được thiết kế đặc biệt dành riêng cho quân bài này. Những bộ bài mới sử dụng Malygos được tạo ra để nâng cao độ phổ biến của lá bài này. Ta có thể nhắc đến Malygos Freezemage hay thành công nhất là Malylock. Những bộ bài này rất mạnh và có thể dùng để đạt hạng Legend một cách hiệu quả.

Số lượng người dùng Malygos cũng không nhiều và lá bài này không dễ dùng như những lá bài ở hạng S và hạng 1. Dù sao những bộ bài sử dụng Malygos đều rất thú vị và đáng để chơi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.