Hearthstone: Làm quen với những thuật ngữ cơ bản

08/09/2014 16:00 GMT+7

Bạn mới chơi Hearthstone và “bí” trước những cụm từ lạ lẫm trên mạng như Aggro, mulligan, ramp...? Với bài viết này, TNG hy vọng sẽ giúp bạn phần nào nhanh chóng hội nhập vào cộng đồng game.

Khó khăn của những game thủ Việt Nam khi chơi game tiếng anh đó là từ vựng. Điều này sẽ dễ dàng hơn dành cho các game thủ có một ít vốn liếng tiếng anh. Còn những game thủ “mù” tiếng anh sẽ vất vả hơn, bởi vì kè kè quyển từ điển dò nghĩa của từng từ để hiểu được yêu cầu của trò chơi là quảng thời gian không hề dễ chịu tí nào. Tuy nhiên cái lợi của chơi game tiếng anh đó là giúp game thủ vừa học vừa chơi, vừa trau dồi từ vựng vừa có thể trải nghiệm những cái hay của game nước ngoài. Và điều này cũng không ngoại lệ với những người chơi Hearthstone tại Việt Nam.

(Ảnh: Blizzard)

Nhưng ngoài những từ dễ (có thể tra nghĩa của những từ này thông qua từ điển) dành cho người mới tập chơi còn có những từ phức tạp khác mà không thể tra từ điển được trong Hearthstone. Đó là những thuật ngữ miêu tả những chiến thuật, cách xếp bài hoặc là tên gọi ngắn của những điều cơ bản trong game. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về những thuật ngữ này để trải nghiệm Hearthstone một cách tốt nhất.

Thuật ngữ về các chiến thuật cơ bản

Aggro: Dùng để chỉ những bộ bài tập trung giành lợi thế trong khoảng thời gian đầu trận nhằm kết thúc trận đấu một cách sớm nhất. Thường thì những bộ bài này sẽ có khá nhiều những quân lính (minion) có lượng mana thấp, nhưng lại có khả năng gây nhiều sát thương. Tuy nhiên nếu đối phương sở hữu những quân bài có lượng mana cao và mạnh khi trận đấu kéo dài, Aggro ít có khả năng giành được chiến thắng.

Aggro sử dụng những lá bài thấp mana đánh nhanh rút gọn. (Ảnh: Hearthstonetopdecks)

Control: Dùng để chỉ những bộ bài thường sử dụng những quân lính “máu trâu, damage khoẻ” để áp đảo thế trận. Những lá bài thường được sử dụng trong chiến thuật này thường  là các lá legendary mạnh về cuối trận trận có lượng mana yêu cầu cao (từ 8-10 mana) như Ragnaros the Firelord, Ysera hay Lord Jaraxxus. Tuy nhiên điểm yếu của chiến thuật này là giai đoạn đầu trận, vì không có bài thấp mana để phòng thủ, do đó rất khó chống đỡ những bộ bài tấn công nhanh như Aggro.

Nếu muốn "hành hạ" đối phương từ từ thì chiến thuật Control là lựa chọn của bạn. (Ảnh: chụp từ game)

Midrange: Có khá nhiều bộ bài nằm trong mục Control nhưng vẫn thuộc Midrange bởi vì mục tiêu của 2 bộ này là kéo dài trận đấu để giành chiến thắng. Tuy nhiên bạn cũng có thể phân biệt được 2 chiến thuật này thông qua cách sử dụng bài. Một bộ bài Midrange thường hay sử dụng những lá bài có lượng mana vừa phải (từ 4-6 mana) để kiểm soát bàn. Những lá bài này sẽ giúp bạn giành lợi thế trên bàn trong khoảng thời gian giữa trận, từ đó giành chiến thắng dễ dàng hơn khi trận đấu được kéo dài. Cũng bởi vì vậy mà Midrange là bộ bài có thể đối phó với Aggro và Control một cách hoàn hảo nhất.

Ramp: Thuật ngữ này bắt nguồn từ game Magic: The gathering để chỉ lá bài Rampant Growth, giúp bạn có thêm mana để triệu hồi thêm những lá bài mạnh. Trong Hearthstone, Druid có lá bài cùng chung công dụng đó là Innervate giúp bạn có thêm 2 mana trong lượt hiện tại. Thuật ngữ này dùng để chỉ việc sử dụng lá bài tăng thêm mana để gọi được những quân lính có giá trị mana lớn trong thời gian đầu trận. Với chiến thuật này, các bạn có thể tăng tốc giành được lợi thế với những lá bài mạnh ngay trong những lượt đầu.

Đối phương (Druid) sử dụng Innervate gọi quái 8 mana chỉ trong lượt đi 4 mana. (Ảnh: Hearthstonetopdecks)

Miracle: là những bộ bài lợi dụng mechanic của game để sử dụng hoặc rút được nhiều lá bài trong một lượt. Hầu hết những bộ bài này đều sử dụng Gadgetzan Auctioneer, bởi vì lá bài này giúp bạn nhận được một lần bốc bài mỗi lần sử dụng bài phép. Class hay sử dụng chiến thuật này là Rogue, bởi vì Rogue khá nhiều lá bài phép có lượng mana yêu cầu thấp (hầu hết là 0, 1 và 2 mana). Ngoài Rogue, các class khác như Druid, mage, shaman...cũng hay sử dụng Gadgetzan Auctioneer để tạo ra sự "ảo diệu".

Thêm vào đó, lá Preparation vừa là bài phép, vừa giảm 3 mana cho lá bài phép tiếp theo nhưng giá trị chỉ 0 mana. Vì vậy Rogue có thể kết hợp Gadgetzan Auctioneer và Preparation để rút bài liên tục một cách thoải mái. Với lượng bài rút được, người chơi sử dụng chiến thuật này hoàn toàn có kết thúc đối phương một cách bất ngờ như “một phép lạ”. Miracle Rogue được sáng tạo bởi Kolento đến từ Ukraine, hiện tại anh đang thi đấu cho đội tuyển Cloud 9. Bộ bài này có thiên hướng mạnh trong khoảng thời gian giữa trận.

Gadgetzan Auctioneer rất quan trọng đối với deck miracle. (Ảnh: Hearthstonetopdecks)

Zoolock: Cũng tương tự như Aggro, tuy nhiên Zoo thường được đọc đầy đủ với cái tên Zoolock được ghép giữa từ Zoo và Warlock. Cũng bởi vì thế mà cụm từ này chỉ dùng để ám chỉ chiến thuật Zoo với class Warlock mà thôi. Zoo là bộ bài bao gồm những lá bài có lượng mana từ 1-6, nhằm giành quyền kiểm soát bàn và gây sát thương càng nhiều lên tướng đối phương càng nhiều càng tốt nhờ dàn “sở thú” trong bộ bài. Bộ bài này được nổi tiếng nhờ sự sáng tạo của Reynad đến từ Mỹ, hiện anh đang thi đấu cho đội tuyển Tempo Storm. Bộ bài này có thiên hướng mạnh trong khoảng thời gian đầu trận.

"Sở thú" của Warlock. (Ảnh: chụp từ game)

Handlock: Cũng là thuật ngữ dành cho class Warlock, hand ở đây có nghĩa là trữ nhiều bài trên tay. Handlock là bộ bài sử dụng những lá bài dựa vào lượng bài hiện có trên tay như Twilight Drake, Mountain Giant. Càng có nhiều bài trên tay, Twilight Drake càng có thêm nhiều máu và Mountain Giant càng ít tốn mana. Bộ bài này có thiên hướng mạnh trong khoảng thời gian cuối trận.

Token Druid: Đây là dạng chiến thuật phụ thuộc vào lượng quân lính trên bàn nhằm phát huy sức mạnh tối đa. Combo chủ đạo của chiến thuậ này là Violet Teacher (khi sử dụng 1 lá bài phép, triệu hồi 1 quân lính Violet Apprentice 1/1) với Power of the Wild (+1/1 cho lính hiện có trên bàn của bạn) hoặc Savage Roar (+2 sức tấn công cho quân lính và tướng của bạn trong lượt này). Bộ bài này có thiên hướng mạnh trong khoảng thời gian giữa trận.

Cách chơi của Token khá giống zoo, nhưng kết hợp với những lá bài phép hỗ trợ. (Ảnh: chụp từ game)

Frost Mage: Aggro Mage được sử dụng khá nhiều trong khoảng giai đoạn mùa đông 2013 cho đến giải Innkeeper’s Invitation, Reckful sử dụng lần đầu tiên tại giải đấu này khi sử dụng những những lá bài thuộc hệ băng như Frostbolt, Frost Nova, Cone of Cold, Ice Barrier, Ice Block và Blizzard. Với những lá bài thuộc hệ băng, Frost Mage có thể khiến đối phương không thể hiện được hoàn toàn sức mạnh của mình. Việc còn lại chỉ là sử dụng những quân lính hiện có trên bàn, Fireball hoặc Pyroblast để kết thúc đối phương. Bộ bài này có thiên hướng mạnh trong khoảng thời gian giữa trận.

Freeze mage là dạng chiến thuật Control nhưng sử dụng chủ yếu là quân bài phép. (Ảnh: Hearthstonetopdecks)

Secret Mage: Bộ bài nãy đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên sau khi wing Construct Quarter của bản mở rộng Cursed of naxxramas xuất hiện thì Secret Mage mới được sử dụng trở lại một cách rộng rãi. Với sự hỗ trợ của quân lính Mad Scientist (Khi bị phá hủy, rút lá secret trong bộ bài và xài lên tướng) cùng với lá bài bẫy Duplicate (Khi một quân lính bị phá hủy, đặt 2 lá copy lên tay của bạn) thì giờ đây Secret Mage hầu như có thể đối phó với mọi chiến thuật đang hiện hành.

Các thuật ngữ khác:

Mulligan: là thuật ngữ dùng để chỉ giai đoạn chọn bài đầu game. Trong Hearthstone, người chơi thường có khoảng 30 giây đến 1 phút để chọn, bỏ và rút lại những lá bài.

Đây là khoảng thời gian "Mulligan". (Ảnh: ihearthu)

Board Wipes/Board clear/AoE: 3 thuật ngữ này thường được sử dụng nhằm miêu tả những lá bài có khả năng gây sát thương lên nhiều mục tiêu của đối phương. Những lá bài này sẽ giúp bạn dọn sạch lính trên bàn của đối phương một cách nhanh chóng.

Card Advantage: Đây là khái niệm hay được sử dụng trong những game thể loại Thu Thập Bài (Collectible Card Games). Khi số lượng bài trên tay của bạn nhiều hơn so với đối phương thì bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Từ lợi thế này, các bạn sẽ có khả năng lật ngược thế cờ thông qua nhiều lựa chọn này.

Charge: Quân lính có hiệu ứng này sẽ được tấn công ngay lập tức ngay khi được đặt trên bàn.

Combo: Là những lá bài có thể kết hợp với nhau trong một lượt để hạ gục đối phương, kiểm soát bàn hoặc rút thêm bài tùy theo công dụng của mỗi combo. Còn trong class Rogue, Combo sẽ cung cấp cho bạn công dụng thêm nếu bạn đã sử dụng một lá bài trong lượt này. Ví dụ: nếu bạn đang có lá bài Eviscerate trên tay, nếu bạn sử dụng lá bài này lần đầu tiên trong lượt đó thì bạn chỉ gây 2 damage lên đối phương. Còn nếu bạn đã sử dụng lá Sinister Strike trước, sau đó sử dụng lá Eviscerate thì lúc này damage gây ra sẽ là 4.

Choose one: Cho phép người chơi chọn 1 trong 2 hiệu ứng khi sử dụng lá bài đó. Bạn hay gặp từ này khi chơi Druid như Power of the Wild, Mark of Nature, Keeper of the Grove, ...

Deathrattle: Hiệu ứng này sẽ phát huy hiệu quả sau khi quân lính có hiệu ứng này bị phá hủy.

Destroy: Phá hủy quân lính khỏi bàn mà không cần gây bất kỳ sát thương nào. Vì vậy hiệu ứng này bỏ qua những hiệu ứng như Divine Shield hoặc Immune.

Discard: Những lá bài bị Discard sẽ không bao giờ được sử dụng lại trong ván đó.

Divine Shield: Quân lính có hiệu ứng này sẽ không bị gây bất kỳ sát thương. Tuy nhiên quân lính có hiệu ứng này vẫn bị ảnh hưởng bởi lá Earth Shock của Shaman hoặc những lá có hiệu ứng phá hủy (Destroy).

(Ảnh: Gamepressure)

Draw: Rút bài.

Drop: Ám chỉ việc bạn ra một quân lính từ bộ bài trên tay của bạn lên bàn.

Enrage: Khi bị gây sát thương, quân lính này sẽ có được hiệu ứng mới. Tuy nhiên các bạn cũng cần biết rằng nếu quân lính được hồi máu thì hiệu ứng Enrage cũng mất đi.

Freeze: Quân lính hoặc tướng khi bị dính hiệu ứng Freeze sẽ không thể tấn công trong lượt này.

Immune: Không thể bị gây sát thương trong lượt đó.

Overload: Bị mất 1 mana (hoặc hơn) vào lượt sau. Bạn sẽ hay gặp từ này khi sử dụng một số lá bài đặc biệt của Shaman như Lightning Bolt, Lava Burst, Feral Spirit, ...

Secret: Dùng để chỉ những lá bài bẫy được kích hoạt trong lượt của đối phương trong một số tính huống phù hợp. Ví dụ như lá bài Mirror Entity của Mage được kích hoạt khi họ triệu hồi một quân lính trên bàn và copy một quân lính đó đặt trên bàn.

Silence: Xóa bỏ mọi hiệu ứng mà quân bài đó có được từ trước. Tuy nhiên hiệu ứng này không thể phục hồi nguyên trạng với những đơn vị lính chịu ảnh hưởng bởi Transform/Polymorph hoặc Mind Control.

Stealth: Không thể bị tấn công hoặc gây sát thương lên mục tiêu đơn lẻ, trừ khi những đơn vị này tấn công. Tuy nhiên những đơn vị lính này vẫn bị gây sát thương khi những lá bài phép có thể gây sát thương trên diện rộng (AoE).

Target: Đơn vị lính hoặc tướng được chọn để nhận hiệu ứng cụ thể nào đó, thường là những lá bài được điều khiển bởi người chơi.

Taunt: Tất cả người chơi phải tấn công những đơn vị lính có hiệu ứng Taunt. Tuy nhiên Hero Power hoặc phép có thể bỏ qua những đơn vị lính có hiệu ứng Taunt. Khi đối phương có nhiều đơn vị lính có hiệu ứng taunt, bạn có thể chọn một trong những đơn vị lính đó để tấn công. Bạn cũng cần để ý rằng những đơn bị lính có hiệu ứng Taunt nhưng đang trong trạng thái Steath sẽ bị bỏ qua.

(Ảnh: gamediplomat)

Top Deck: thường được sử dụng để nói về trường hợp bạn rút được lá bài tốt. Ví dụ: đối phương chỉ còn khoảng 6 giọt nhưng bài trên tay hiện tại thì bạn lại không có lá bài nào có thể kết thúc đối phương ngay. May mắn thay lúc đó bạn lại rút được lá Leeroy Jenkins có 6 damage, vừa đủ để kết thúc đối phương ngay trong lượt đó.

Transform/Polymorph: Biến quân lính trở thành một dạng quân lính khác. Mage có lá bài Polymorph, khi sử dụng lên một quân lính sẽ biến đối phương trở thành trạng thái Sheep có sức mạnh máu và tấn công 1/1.

Windfury: Đơn vị lính hoặc tướng có trạng thái này có thể tấn công 2 lần trong 1 lượt. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.