Lạm bàn về game online và... lạm phát

12/03/2014 07:30 GMT+7

Các game MMO được xem như những thế giới thu nhỏ và vì thế chúng có đủ mọi vấn đề mà thế giới thực phải có.

Nguyên nhân nào gây lạm phát trong game online?

Ngày nay, game online là một “nền kinh tế” ảo giá trị không hề nhỏ. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao một vật phẩm nào đó mà mình mua trước kia bỗng dưng tăng giá gấp vài lần, mang lại một khoản “lợi nhuận” lớn nếu bạn bán nó đi cho người khác? Thật ra, “lợi nhuận” đó có khi chưa hẳn đã là lợi nhuận, mà thực sự nó chỉ là ảo giác mà con số trong game đem lại cho bạn mà thôi. Tại sao lại bảo rằng đó chỉ là ảo giác?

Bởi vì trong nền kinh tế của một game online, khái niệm “lạm phát” vẫn tồn tại khi hôm nay bạn không thể mua một bình máu với giá của ngày hôm qua. Loạt bài này nhằm mục đích giúp bạn có được khái niệm chung về nó bằng ngôn ngữ bình dân và có thể vỗ ngực với bạn bè rằng “tớ biết thế nào là lạm phát trong game MMO (game online nhiều người chơi).”

 

Giàu hả? Chưa chắc đâu.

Sự “lạm phát” trong game online diễn ra dễ dàng hơn rất nhiều so với đời thực. Nếu nhà phát triển không đủ khéo léo cân bằng lượng tiền trong game mới xuất hiện từ các nhiệm vụ hay rơi từ quái vật với những phần thưởng “hiện vật” (tức trang bị ảo), lạm phát sẽ diễn ra. Điều này rất dễ hiểu: khi tiền bạc quá thừa còn trang bị quá thiếu sẽ khiến ai cũng cực kỳ giàu có với hàng trăm triệu, hàng tỉ gold trong người nhưng lại quá ít trang bị để mua.

Vì thế, những người giàu có sẽ vung tiền ra để mua các trang bị vừa ý mình, khiến người bán thi nhau đẩy giá cả thị trường lên cao và kéo theo giá của các loại nguyên liệu chế tạo trang bị đó lên cao.

Số tiền có trong game không phải là yếu tố duy nhất đủ để tạo ra lạm phát. Một yếu tố khác là “MIMO” – tức Money In, Money Out - sự cân bằng giữa lượng tiền được đưa vào game với lượng tiền bị xóa đi do những hoạt động khác trong game. Có rất nhiều phương thức để game “xóa” tiền khỏi tài khoản của bạn: phí dịch chuyển, tiền mua máu hay Mana, phí chế tạo trang bị, phí nâng cấp cường hóa…

Nếu nguồn tiền vào (Money In) quá dồi dào trong khi gamer không phải chi tiền (tức Money Out quá thấp), lạm phát sẽ bùng nổ. Việc tìm ra một chỉ số MIMO vừa phải đủ để khiến game thủ giàu lên nhưng không khiến cả game “ngập trong tiền” là điều hết sức khó khăn và thường là một trong những điều các nhà phát triển MMO tập trung thử nghiệm.

 

Bot, một phần không nên có của MMO.

Nhưng đó chỉ là những nguyên nhân “hợp pháp” khiến tiền nhiều lên, còn nguyên nhân “bất hợp pháp” là bot và “dân cày”. Cả hai đối tượng này đều không có nhu cầu trang bị (nhờ hack) hoặc chỉ có rất ít, và chúng sản xuất ra một lượng tiền lớn được “bơm” vào thị trường qua những người bỏ tiền thật mua tiền ảo. Dù bot cũng tạo ra trang bị, nhưng “giá trị” của lượng trang bị đó luôn luôn ít hơn ít hơn lượng tiền chúng tạo ra, tiếp tục gây tăng giá các trang bị đã có. Tất cả các nhà phát triển game đều cố gắng loại bỏ hai đối tượng này khỏi game của mình, nhưng rất ít game thành công và vấn nạn về bot cũng như cày vàng luôn ám ảnh bất kỳ tựa MMO nào trên thế giới.

 

Khi tuổi thọ game dài ra, giá trang bị khủng sẽ rất "khủng".

Tóm lại, tiền nhiều hơn đẩy giá lên cao hơn, khiến người mới chơi khó tiếp cận game hơn và làm game chết dần. Những server game lậu (private) đối phó với điều này bằng cách trực tiếp… quét sạch server khỏi mọi thứ, từ nhân vật, tiền bạc, trang bị cho đến tài khoản, gọi chung là “wipe”. Nhưng câu hỏi quan trọng là các nhà phát hành chính thống làm thế nào để ngăn chặn, hay ít ra là trì hoãn lạm phát để kéo dài vòng đời của một trò chơi, giúp họ thu lợi nhuận lớn hơn, game thủ có cuộc vui dài hơn và tránh được hậu quả của chúng?

Hậu quả và cách giải quyết lạm phát trong game online

Bạn nghĩ “Ôi dào, lạm phát chả ảnh hưởng gì tới game”? Rất tiếc là có, vì hầu như mọi game đều lạm phát. Khi vừa phát hành, tất cả game thủ của game X đều tay trắng và vì thế bạn không thể bán một "Thần khí" với giá cao. Theo thời gian, lượng tiền dồn ứ trong X tăng lên do tổng tài sản của game thủ cũng luôn tăng lên: nếu bạn có được Thần khí từ quái vật và cường hóa nó lên +10, bạn bán cho một người chơi khác với giá 100 triệu, 100 triệu đó vẫn nằm trong game ngay cả khi Thần khí +10 bị buồn tình ném shop và bị xóa khỏi trò chơi. Hay một tình huống khác: bạn chi 100 vàng để dịch chuyển ra bãi quái (Money Out), ở đó bạn kiếm được 5.000 vàng (Money In), thế là đã có thêm 4900 vàng xuất hiện trong game. Nếu có 1.000 người cùng làm như bạn thì game đã có thêm 4.900.000 vàng chỉ sau một thời gian ngắn.

Giúp đỡ newbie để kéo dài cuộc vui của bạn.

Và tệ hơn nữa, sức hút của trò chơi X sẽ giảm dần khi có những tựa game mới xuất hiện, khiến người mới ít đi, người cũ bỏ dần. Nếu ai đó dứt áo ra đi, họ sẽ “xóa” lượng tiền đang sở hữu (Money Out) nhưng đồng thời họ cũng “xóa” luôn lượng trang bị có trên người. Sự sụt giảm người chơi mới sẽ dần khiến lượng game thủ cấp cao giảm dần, nhưng mỗi người trong số họ đều đã có trang bị “đỉnh của đỉnh”. Họ không cần thêm trang bị mới, không cần cường hóa, nhưng họ giết quái nhanh hơn, quái rơi tiền nhiều hơn và vì thế tiền xuất hiện trong game nhanh hơn, khiến giá cả tăng cao hơn. 

Hãy tưởng tượng bạn tham gia vào một game MMO và thấy rằng một con quái cấp 10 rơi 100 vàng nhưng một mảnh giáp cấp 10 cần đến… 100.000 vàng. Chưa tính đến việc bạn lên cấp và các trang bị về sau ngày càng đắt đỏ thì liệu bạn có đủ kiên nhẫn giết 1.000 con quái cho một mảnh trang bị hay không? Không, và vì thế nhiều nhà phát triển “giúp đỡ” người chơi mới trong tựa game già cỗi của mình bằng biện pháp giúp họ kiếm tiền nhanh hơn ở các cấp thấp hơn, hay thường được gọi là “thân thiện hơn với newbie”.

Nhưng thực ra, đây chỉ là biện pháp chống đói bằng… thuốc chuột. Newbie có nhiều tiền hơn sẽ khiến số tiền trong game tiếp tục tăng cao hơn và giá cả lại tiếp tục leo thang. Đây là một vòng lẩn quẩn mà không một game MMO nào có thể thoát khỏi bởi không giống như đời thực luôn có “newbie” xuất hiện, game online sẽ mất dần sức hấp dẫn của mình.

 

Chưa phải "đỉnh của đỉnh", nhưng cũng tốn cả núi tiền.

Trong phần lớn game MMO hiện đại, rất nhiều Thần khí sẽ bị phá hủy khi cường hóa thất bại càng khiến lượng item giảm đi (nhưng lượng trang bị cường hóa cao vẫn tăng) trong khi lượng tiền tăng dần. Để giảm bớt tốc độ lạm phát do yếu tố này, cách thứ nhất là bớt phá hủy Thần khí. Nhưng biện pháp này sẽ khiến những Thần khí cường hóa cao hơn ngày càng nhiều, và những người sở hữu Thần khí chắc chắn không cần mua thêm một Thần khí khác – họ lại có một núi tiền trong người sẵn sàng vung ra cho những trang bị họ thích, đẩy lạm phát lên cao hơn.

Vật phẩm bị bind vào nhân vật trong WoW.

Ngoài ra, nhiều game gần đây sử dụng “bind” (khóa) trang bị vào nhân vật. Biện pháp này vừa giữ được trang bị lại trong game, vừa không khiến thị trường tràn ngập một vật phẩm nào đó, giữ được nhu cầu trang bị ở mức cao đồng thời “xóa” tiền khỏi game thủ một cách trá hình: bạn không thể bán một vật phẩm bị khóa vào mình và vì thế, vô hình làm bạn trở nên nghèo đi nếu đó là một vật phẩm bạn không thể dùng trọn đời. Cách thứ 2 là tạo ra nhiều cách chi tiền hơn, chẳng hạn vào các trang bị thời trang trong cửa hàng. Một game thủ có thể mua rất nhiều bộ thời trang khác nhau nên đây là một biện pháp tốt hơn, nhưng nếu bạn đặt giá cao họ sẽ kêu ca còn nếu giá thấp, lượng tiền mất đi không đủ để bù vào hàng núi vàng xuất hiện trong game từ những chính người chơi đó.

Còn game thì hãy cứ vui...

Tổng hợp tất cả những điều trên, có thể thấy rằng chính lạm phát là một nguyên nhân lớn khiến người chơi sụt giảm và game online “lìa đời”. Bởi không có cách nào để hoàn toàn ngăn chặn điều này, hãy cứ thưởng thức cuộc vui khi còn có thể, và đừng quên giữ liên hệ với những người bạn của mình để gặp lại họ ngay cả khi mỗi người tìm được sân chơi mới của riêng mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.