Mốt 'MU chính hãng': Từ vương miện đến tấm decal giấy

19/10/2015 14:00 GMT+7

Chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, liên tục các game online lấy bối cảnh MU ra mắt và đều xưng danh là "con nối dõi" của vua cha MU Online oai hùng năm xưa. Nhưng trong lòng những thần dân trung thành của tượng đài MU, liệu họ đã nhận ai trong số các "hoàng tử" này làm vị vua tiếp theo?

Khi chiếc vương miện vẫn còn lấp lánh... 

Thuở sơ khai của ngành game Việt, giai thoại về sự "thờ ơ" của những chủ thương hiệu game Hàn Quốc đối với các hãng phát hành non trẻ trong nước đã được kể đi kể lại suốt một thời gian dài, mà cụ thể là Webzen - ông lớn đầu ngành của xứ kim chi, người nắm giữ thương hiệu MU Online đình đám nhiều năm về trước. Đây chính là trở ngại lớn nhất ngăn bước rất nhiều doanh nghiệp non trẻ của ngành kinh doanh trò chơi trực tuyến Việt, không thể "rước" nổi ông hoàng MU Online về nước trong những ngày đầu tiên nhất. 

Đối lập hoàn toàn chính là sự niềm nở và "chiều khách" vô cùng chu đáo của các đối tác Trung Quốc, yếu tố chính thu hút những nhà môi giới game Việt, đồng thời góp phần định hình luôn bức tranh thị trường hiện nay. 

Mốt 'MU chính hãng': Từ vương miện đến tấm decal giấy

Chính những trở ngại này, mãi đến tận năm 2005 game thủ Việt Nam mới chạm tay được vào phiên bản MU Online chính hãng tại Việt Nam, do FPT Online đưa về với mức phí kỷ lục - sau khi nhiều game thủ đã chinh chiến... nát MU Global (còn được gọi là MU Hàn Quốc) cũng như rất nhiều phiên bản MU lậu tại Việt Nam khi đó. Tuy vậy, FPT Online vẫn thành công trong việc gầy dựng cộng đồng game thủ Việt nhờ vào chiếc "vương miện" chính hãng lấp lánh trên đỉnh đầu, thứ đã giúp họ hoàn thành được hai việc quan trọng: ép tất cả game thủ Việt tại máy chủ Hàn Quốc phải về nước với sự can thiệp cứng rằn của Webzen; lê máy chém "trảm" sạch các máy chủ MU lậu với Thượng Phương Bảo Kiếm "chính hãng" trong tay. 

Mặc cho những tranh cãi về các mức áp dụng phí giờ chơi, mặc cho sự tồn tại âm  thầm của hàng trăm server lậu nối tiếp nhau sinh tồn, MU Online Việt vẫn đạt được những thành tựu nhất định, trở thành một trong những tượng đài đi theo năm tháng của nhiều thế hệ game thủ Việt.

Mốt 'MU chính hãng': Từ vương miện đến tấm decal giấy

"Rốt cuộc trong số bọn mình, ai là hoàng tử vậy?" 

Thoáng chốc, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày MU Online của FPT Online đặt chân về nước. Giờ đây, game đã không còn, người cũng đã "mất". Nhưng chiếc vương miện thì lại đang bị giành giật bởi... hàng tá người con xưng danh là "kẻ nối dõi chính hãng". Chưa bao giờ, game thủ trong nước lại bị mất niềm tin vào thương hiệu MU như lúc này. 

Tấm decal bằng giấy vô nghĩa

Tháng 4 năm 2014, MU Online của FPT chính thức cáo chung, mở màn cho một chương mới khá kịch tích nhưng... kém hấp dẫn của ngành game Việt: hàng tá game MU nối dõi liên tục xuất hiện. 

Lợi dụng thông tin về dự án MU 2, MU Reborn của Webzen (nay những dự án này đã rơi vào bế tắc), các hãng phát triển game Trung Quốc (vốn cũng là một thị trường mạnh của MU Online trước đây) bắt tay thực hiện hàng loạt trò chơi lấy đề tài/ bối cảnh MU, trải dài trên tất cả các nền tảng từ webgame, gMO cho đến game client. Sau đó, áp dụng một vài bước đánh tráo thông tin và biến sản phẩm của mình thành... dự án lớn của Webzen, nghiễm nhiên trở thành đứa con nối dõi của vua cha MU Online. 

Mốt 'MU chính hãng': Từ vương miện đến tấm decal giấy

Thậm chí trong thời gian gần đây, bản quyền hình ảnh của Webzen dường như đã không còn là mối quan tâm, kiêng nể của người làm game Trung Quốc. Rất nhiều sản phẩm ăn theo với danh xưng "đứa con tinh thần", "đứa con cận huyết",... xuất hiện liên tục và ngang nhiên. Tất nhiên, vẫn có số ít sản phẩm trong số này đạt được thỏa thuận thật sự cùng Webzen, nhưng có ích lợi gì khi những sản phẩm mang danh "chính hãng" nhan nhản khắp nơi, và cả đồ giả lẫn đồ thật của ngành game Trung Quốc đều không thể gợi nhớ lại chất MU Online khi xưa? 

Mốt 'MU chính hãng': Từ vương miện đến tấm decal giấy

MU Huyền Thoại do 360Play (VNG) phát hành tại Việt Nam

Với vị thế một trong những đối tác gắn bó thân thuộc với thị trường Trung Quốc, các nhà phát hành game Việt hiển nhiên có cơ hội lớn tiếp xúc với những "đứa con" này, và "nhận nuôi", mang về nước một số lượng không hề ít game MU Trung Quốc. Nếu chỉ tính riêng trong năm 2015, nhiều khả năng con số game "chính hãng MU" này sẽ còn đạt đến... con số 10. 

Mốt 'MU chính hãng': Từ vương miện đến tấm decal giấy

MU Truyền Kỳ là một trong những game MU nhanh chân nhất trong năm 2015, với logo Webzen và sự khẳng định của nhà phát hành CMN Online về bản quyền hình ảnh trò chơi. Nối tiếp ngay sau đó là sự ra đời của MU 2MU Web - chung một bản cài game nhưng được hai nhà phát hành quản lý - cũng luôn nhận mình là "con nỗi dõi" trong các slogan quảng bá. Đình đám nhất phải kể đến MU Huyền Thoại của VNG, ngoài việc đóng dấu logo Webzen lên sản phẩm, 360Play (đơn vị vận hành game) cũng cho biết đã làm việc chặt chẽ với Webzen trong suốt quá trình hoàn thiện game.

Gần đây nhất, các sản phẩm như MU Origin, MU Vô Song (SohaGame), Thiên Địa 3D (VTC Game), MU Miracle,... đều xuất hiện với danh xưng "chính hãng". Thậm chí, một sản phẩm sắp ra mắt của SohaGame là Quỷ Vương 3D dù không liên quan huyết thống đến MU, cũng mượn thương hiệu này để dùng trong các chiến dịch quảng bá của mình. 

Vấn đề không phải ai mới là kẻ nối dõi chính thống, ai là con trưởng, ai là con út...? Mà quan trọng hơn hết, đó là liệu game thủ có còn quan tâm đến câu chuyện "chính hãng" này hay không? Hay họ đã chán ngấy với "tấm decal" vô nghĩa này, và chỉ đang buồn rầu vì chưa tìm được một sản phẩm đúng chất nhất, nguyên bản nhất, để nhớ về một thời MU Online vàng son?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.