Top 7 tựa game xuất sắc dựa theo tiểu thuyết

07/10/2015 19:00 GMT+7

Cùng điểm mặt những tựa game cuốn hút nhất bước ra từ thế giới văn học.

Cũng tương tự như phim ảnh, game đòi hỏi một kịch bản chắc chắn, thắt mở đúng lúc và sự dẫn dắt tình tiết lôi cuốn, hấp dẫn. Càng ngày, sự đòi hỏi về kịch bản càng cao và trở nên vô cùng quan trọng - đây cũng chính là cơ sở để những tựa game indie (ít vốn, không sở hữu đồ họa choáng ngợp) giành được thắng lợi trên mặt trận game. 

Khi những kịch bản game hay đang trở nên thiếu thốn, hoặc đơn giản là những nhà làm game muốn tạo nên sự cộng hưởng giữa các thể loại văn hóa khác nhau, cũng là lúc những bộ tiểu thuyết và game giao hòa với nhau. Trên thực tế, có rất nhiều game chuyển thể từ tiểu thuyết đã và đang gặt hái thành công rực rỡ, với sự góp mặt của rất nhiều nhà văn "cỡ bự" như Tolkien, Lovecraft, Tom Clancy. Hãy cùng Thanh Niên Game điểm qua những game tiêu biểu nhất nhé!

1. Call of Cthulhu: Dark Corners Of The Earth

Mặc dù đã có rất nhiều tựa game được ra mắt dựa trên những hình tượng nhân vật của nhà văn thể loại kinh dị nổi tiếng H.P.Lovecraft, thật đáng ngạc nhiên khi có rất ít sản phẩm có cốt truyện dựa hoàn toàn vào một trong những truyện ngắn/ tiểu thuyết của ông. Chính vì vậy, Call Of Cthulhu: Dark Cornors Of The Earth đã rất cố gắng để truyền tải đến người chơi thế giới trong tác phẩm "Tiếng gọi của Cthulhu", nơi Cthulhu, một trong những sinh vật thần thoại nổi tiếng nhất thế giới ngự trị.

Truyện của Lovecraft không viết về những vị siêu anh hùng tả xung hữu đột, mà tập trung vào những con người yếu đuối bị thảm sát bởi những con quái thú mà đến trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể nghĩ ra. Chính vì lẽ đó, ngoài nhiệm vụ khám phá, điều tra tung tích cũng như giải đố, game cung cấp cho người chơi rất ít đạn dược và nhu yếu phẩm, nên nếu muốn sống sót trong thế giới âm u, huyền bí của Call Of Cthulhu: Dark Cornors Of The Earth, người chơi cần phải thật bình tĩnh để có thể giải quyết tình huống thật nhanh chóng và chính xác.


Với gameplay hấp dẫn và đồ họa khá đẹp so với các game cùng thời điểm, Call Of Cthulhu: Dark Cornors Of The Earth đã làm rất tốt nhiệm vụ truyền tải cái thần của tác phẩm "Tiếng gọi của Cthulhu" đến người chơi. Thật đáng tiếc, hai phần tiếp theo của tựa game dù đã được lên kế hoạch sản xuất nhưng lại bị hủy bỏ sau đó, nhưng với phong trào remake đang nở rộ giữa các hãng game hiện nay, hy vọng sẽ có những tin tức thú vị trong thời gian sắp tới.

2. Metro 2033

Cuốn tiểu thuyết Metro 2033 được nhà văn kiêm nhà báo trẻ Dmitry Glukhovsky chấp bút vào năm ông 18 tuổi, sau đó được ra mắt lần đầu năm 2005. Tác phẩm giả tưởng về trái đất hậu tận thế này sau đó đã trở thành một cú hit lớn với hơn 3 triệu bản được phát hành trên toàn cầu, đó cũng dấu mộc khẳng định sự hấp dẫn của cốt truyện cho phiên bản game được phát hành bởi THQ cho hệ máy PC, PS3 và Xbox 360 vào năm 2010.

Game đưa người chơi đến nước Nga vào năm 2033, sau cuộc chiến tranh hạt nhân phá hủy toàn bộ Địa cầu, số dân còn sống sót lui vào hệ thống tàu điện ngầm phía dưới thành phố để ẩn náu và cố gắng khôi phục lại cuộc sống và cố gắng để không bị cuốn vào cuộc chiến giữa các phe phái. Đồ họa của phiên bản đầu tiên cũng như phần tiếp theo Metro 2033: Last Light được chăm chút rất kỹ lưỡng, nhờ đó truyền tải được đến người chơi sự đổ nát của thế giới, kết hợp với cốt truyện có chiều sâu khi khai thác rất nhiều vào xã hội hậu Khải Huyền (tận thế), cùng với gameplay kết hợp giữa hành động và giải đố độc đáo, khiến cho giá trị chơi lại được nâng cao hơn nhiều so với những tựa game FPS có mặt cùng thời điểm.


3. Enslaved: Odyssey To The West

Chẳng ai mà không biết đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Tây Du Ký cùng chú khỉ Tôn Ngộ Không phò tá Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Là nguồn ý tưởng rộng lớn cho các nhà làm phim, kịch khai thác, không ngạc nhiên khi tác phẩm kinh điển của nhà văn Ngô Thừa Ân được đặt chân vào thế giới game. Trong số những tựa game đã được phát hành, Enslaved: Odyssey To The West (EOTTW) trình diễn một lối chơi rất sáng tạo khi chuyển cốt truyện cổ trang vốn dĩ của tiểu thuyết sang thế giới mang phong cách Steampunk, cùng với những màn hành động đã mắt, thứ không có ở những tựa game cùng thể loại tại thời điểm đó. Nhà phát triển cũng rất khôn khéo trong việc sắp xếp bối cảnh của một sự kiện trong tiểu thuyết khác biệt so với nguyên tác trong khi vẫn sử dụng cùng một dàn nhân vật, gây cảm giác vừa lạ vừa quen, kích thích sự tò mò và ham muốn khám phá của game thủ.

 
4. Spec Ops: The Line

Lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết Heart Of Darkness của cố nhà văn Tim Conrad và bộ phim Apocalypse Now của đạo diễn Francis Ford Coppola, Sau những giờ phút đầu tiên tỏ ra khá nhàm chán, câu chuyện của Spec Ops: The Line (SO:TL) bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn khi game thủ khám phá ra những bí mật chôn sâu dưới lớp tro tàn của thành phố Dubai hoa lệ một thời. Ở nhiều thời khắc trong SO:TL, người chơi sẽ đứng giữa những lựa chọn cực kỳ khó khăn, không phải giữa thiện và ác, mà là giữa hai điều ác như nhau. Và bất kể bạn lựa chọn điều gì, chúng đều sẽ có ảnh hưởng lên hai người đồng đội, và phần nào làm thay đổi cả trò chơi khi bạn ngày càng tiến gần đến với “sự thật”. 


Với nhiều kết thúc khác nhau và những câu hỏi về luân lý, đạo đức được đưa vào, Spec Ops: The Line đã cố gắng tạo nên một game trong đó người chơi phải đặt ra nhiều nghi vấn về mục đích và cả ranh giới mong manh giữa sự điên cuồng và thanh tỉnh, từ đó tạo nên một cốt truyện có chiều sâu và có phần chất lượng. Game sở hữu nhiều kết thúc khác nhau tùy thuộc vào những điều mà game thủ đã làm trong suốt quá trình chơi cũng như vào số phận của một số nhân vật phụ, đó cũng là điểm cộng rất lớn so với những game FPS xuất hiện cùng thời điểm.

5. Dòng game The Witcher 

Điểm chung của những tác phẩm được giới thiệu trong bài này là chúng đều đã nổi tiếng trước khi được chuyển thể thành game. Đáng buồn thay, series 5 phần của bộ tiểu thuyết viễn tưởng The Witcher của nhà văn người Ba Lan Andrzej Sapkowski lại không được may mắn như vậy. Được xuất bản lần đầu vào năm 1986 và có một số thành công nhất định vào đầu những năm 1990, nhưng mỗi khi nhắc đến tựa đề The Witcher, hầu hết những người được hỏi đều nhắc ngay đến pháp sư - thợ săn quỷ Geralt vùng Rivia (Geralt of Rivia) "quẩy skill" trong bộ ba series game The Witcher được phát hành lần đầu vào năm 2007.

Tất cả mọi nhân tố của game đều tuyệt hảo, từ đồ họa, gameplay, âm thanh cho tới hệ thống nhân vật, đủ sức đáp ứng nhu cầu của những người chơi khó tính nhất. Nếu bạn muốn phiêu lưu giết quái, game có, nếu bạn thích một cốt truyện có chiều sâu, game cũng đáp ứng luôn. Và qua mỗi phần được phát hành, game lại có những cải tiến rất đáng ghi nhận, đặc biệt là phiên bản thứ ba The Witcher 3: Wild Hunt, thế giới mở với bản đồ rộng lớn để người chơi thỏa sức khám phá.


Một chi tiết thú vị nữa của series tiểu thuyết là mới chỉ có 3 trong tổng số 5 phần của  series chính được dịch ra tiếng Anh, 2 phần còn lại sẽ được dịch vào lần lượt các năm 2016 và 2017, ngoài ra còn có hàng loạt tuyển tập truyện ngắn và truyện tranh với cốt truyện cùng khoảng thời gian rơi vào xen kẽ giữa những phần chính. Nếu muốn bắt đầu "luyện" series này, và nắm rõ hơn về thời điểm khởi đầu, tuyển tập The Last Wish (1993, bản dịch tiếng Anh năm 2007) có chứa những câu chuyện ngắn về khởi điểm của Geralt, nhưng Blood Of Elves (1994, bản dịch tiếng Anh năm 2008) là lựa chọn tốt nhất nếu bạn chỉ đơn giản muốn khám phá những diễn biến chính.

6. S.T.A.L.K.E.R.: Shadow of Chernobyl

Roadside Picnic, tiểu thuyết viễn tưởng được viết bởi Boris và Arkady Strugatsky vào năm 1972 là cảm hứng cho ba phần của series game hành động bắn súng thế giới mở S.T.A.L.K.E.R được phát hành lần đầu vào năm 2007. Mặc dù có chung cốt truyện, nhưng trong khi nguyên tác xây dựng một mạch truyện với những chi tiết sâu lắng, nêu lên quan điểm của tác giả về chủ nghĩa lý tưởng và khát vọng của con người thì ngược lại, phiên bản game lại tập trung vào yếu tố viễn tưởng, giảm bớt những trường đoạn miêu tả tâm lý nhân vật và hướng người chơi khám phá thế giới hậu tận thế đổ nát bằng cách khéo léo pha trộn chúng vào một địa điểm trong thế giới thực.


Điểm mạnh của S.T.A.L.K.E.R chính là ở chỗ đã kết hợp hoàn hảo giữa game FPS và RPG. Môi trường cực kì rộng lớn của S.T.A.L.K.E.R cộng với gameplay mở khiến người chơi có cảm giác giống một game RPG hơn là FPS đơn thuần chỉ chạy và bắn. Trong S.T.A.L.K.E.R bạn có thể làm bất cứ thứ gì mình thích, mọi thứ sẽ thay đổi theo cách hành động của bạn. Tóm lại, đồ họa và âm thanh được chăm chút ngay từ bản đầu tiên và được giữ vững trong các bản tiếp theo, cộng với lối chơi free-roaming và kết thúc mở, game đã thu hút một lượng lớn fan hâm mộ của cả hai thể loại game FPS và RPG ngay từ ngày đầu ra mắt. 

7. BioShock

BioShock đã nhận được nhiều lời khen ngợi, đặc biệt là tính chất nhập vai của trò chơi và chiều hướng chính trị mà trò chơi nói đến. Tờ Boston Globe đánh giá trò chơi là "đẹp, tàn bạo, và không tĩnh lặng... một trong những trò chơi hay nhất của năm" và so sánh nó với cuốn tiểu thuyết Atlas Shrugged của Whittaker Chambers phát hành năm 1957. Tờ Los Angeles Times đã nhận xét: "Thú vị, đẹp mắt và rất dễ điều khiển. Nhưng trò chơi có một điểm mà không có trò chơi nào thực hiện cho đến nay: Nó thực sự buộc bạn phải cảm nhận". Tờ The New York Times đã nhận xét: "Thông minh, quyến rũ, đôi khi đáng sợ" và "trò chơi thể hiện một cách đầy khiều khích với cốt truyện dựa trên triết lý đạo đức, định hướng nghệ thuật ấn tượng cùng việc lồng tiếng tuyệt vời. BioShock có thể ngẩng cao đầu cùng các trò chơi hay nhất từng được thực hiện".


Hệ thống Game Rankings đã cho số điểm trung bình là 94,95% và đứng thứ tư trong các trò chơi hay nhất từng được phát hành trên hệ Xbox 360 sau The Orange BoxGrand Theft Auto IV và Mass Effect 2. Trên hệ máy PC nó nhận được điểm trung bình là 95,2%, đứng thứ ba sau Half-Life 2 và The Orange Box. Tại Metacritic, BioShock nhận được điểm số là 96 khiến nó trở thành trò chơi hay nhất trên hệ Xbox 360 trong năm 2007.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.