Gần 10 triệu khách hàng bỏ sử dụng điện thoại bàn

Mai Phương
Mai Phương
24/05/2021 10:37 GMT+7

Số lượng thuê bao điện thoại cố định sụt giảm mạnh trong thời gian qua và được thay thế bằng số lượng người sử dụng điện thoại di động.

Theo Tổng cục Thống kê, vào cuối năm 2005, Việt Nam mới chỉ có 15,8 triệu thuê bao điện thoại, bao gồm 8,7 triệu thuê bao điện thoại di động (ĐTDĐ) và 7,1 triệu thuê bao điện thoại cố định và 210.000 thuê bao internet. Nhưng chỉ 5 năm sau đó, cả nước đã có 125,9 triệu thuê bao điện thoại, gấp gần 8 lần. Trong đó có 111,5 triệu thuê bao ĐTDĐ, gấp 12,8 lần và 14,4 triệu thuê bao điện thoại cố định, gấp 2 lần. Số lượng thuê bao internet có tốc độ tăng rất nhanh trong giai đoạn này với 3,7 triệu thuê bao internet băng rộng cố định, gấp 17 lần năm 2005.
Nhưng sau đó, số thuê bao điện thoại lại giảm dần, nhất là giảm mạnh ở mảng thuê bao điện thoại cố định (hay còn gọi là điện thoại bàn). Giai đoạn 2012 - 2015, lượng thuê bao điện thoại đạt mức tăng bình quân 0,5%/năm, trong đó lượng thuê bao ĐTDĐ tăng 2,1%/năm và thuê bao cố định giảm 17,7%/năm. Ngược lại, số thuê bao internet băng rộng cố định vẫn tăng khá cao, bình quân mỗi năm tăng gần 16%, đạt 7,7 triệu thuê bao vào năm 2015.
Đặc biệt trong những năm gần đây, thị trường viễn thông đang đối mặt với tình trạng bão hòa của các dịch vụ viễn thông truyền thống. Số thuê bao điện thoại bàn có xu hướng giảm mạnh. Đến cuối năm 2020 chỉ còn 3,2 triệu thuê bao, giảm 41% so với cùng thời điểm năm 2015 và giảm đến 78% so với cùng thời điểm năm 2010. Hoạt động của mảng dịch vụ điện thoại cố định hiện nay chỉ còn mang tính cầm chừng, chủ yếu phục vụ khối các cơ quan, tổ chức chính quyền, các doanh nghiệp.
Điều đáng chú ý là số thuê bao ĐTDĐ bùng nổ thay thế gần 10 triệu thuê bao cố định nhưng đến nay cũng đã ở trạng thái bão hòa. Vào cuối năm 2020, cả nước có 123,6 triệu thuê bao, cũng chỉ gần bằng số thuê bao của năm 2015. Ngoài nguyên nhân nhu cầu sử dụng gần đây giảm còn do các nhà mạng thực hiện xử lý sim rác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, số thuê bao internet băng rộng tiếp tục duy trì mức tăng cao trong nhiều năm khi cuối năm vừa qua đã có 16,7 triệu thuê bao, gấp 2,2 lần năm 2015, bình quân mỗi năm tăng 16,9%.
Cùng với sự thay đổi về số lượng thuê bao điện thoại, doanh thu viễn thông cũng tăng trưởng tương ứng. Ví dụ, doanh thu viễn thông năm 2010 đạt 177.800 tỉ đồng, duy trì tốc độ tăng trên 40% trong nhiều năm trước đó. Đến giai đoạn 2011 - 2015, doanh thu bưu chính viễn thông tiếp tục duy trì mức tăng khá cao, năm 2015 tăng gần 60% so với năm 2010, bình quân mỗi năm tăng gần 10%. Sang giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu viễn thông duy trì mức tăng khá gần 8% so với năm trước nhưng đến năm 2019 chỉ còn tăng 2,6%. Riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 doanh thu viễn thông đã giảm mạnh 13,6%, chỉ đạt 315.200 tỉ đồng. Đứng trước thực tế với 123,6 triệu thuê bao ĐTDĐ, lớn hơn so với dân số hiện tại là hơn 97,6 triệu người, thị phần viễn thông gần như đã được định hình nên các nhà mạng hiện nay chỉ có thể cải thiện kết quả kinh doanh bằng việc tối đa hóa các giá trị gia tăng trên các thuê bao hiện có. Ngoài ra, doanh thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống cũng ảnh hưởng lớn bởi sự phổ biến của các ứng dụng OTT nhắn tin, gọi điện miễn phí.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.