Gần 70 năm phát thuốc, chữa bệnh miễn phí

05/08/2020 10:36 GMT+7

Đó là việc làm của chùa Hưng Quang, tọa lạc đường Nguyễn Huệ, P.1, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Cư sĩ Diệu Không (thế danh Nguyễn Thị Thu), trụ trì chùa Hưng Quang, cho biết chùa do cư sĩ Giác Viện thành lập năm 1952. Cùng thời gian này, nhận thấy nhiều người dân có cuộc sống khốn khó, bệnh tật nhưng không có tiền chữa trị, cư sĩ Giác Viện quyết định vận dụng kiến thức y học của mình thành lập phòng khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí tại chùa.
Về sau, chùa Hưng Quang trở thành cái nôi của những lương y giàu lòng nhân ái; đồng thời là nơi nuôi dưỡng, đào tạo những lương y ưu tú.
Cư sĩ Diệu Không cũng là một trong những lương y tiếp nối truyền thống trị bệnh cứu người của các đời trụ trì trước. Hiện nay, lực lượng tình nguyện viên làm công quả tại phòng khám của chùa Hưng Quang hơn 70 người. Trong đó có 15 lương y, bác sĩ, dược sĩ tham gia chữa trị bệnh miễn phí, không nhận lương. “Tại phòng khám của chùa đang có 2 bác sĩ, 6 lương y và các y sĩ. Ngoài ra, còn có từng nhóm đảm trách công việc sưu tầm, sơ chế thuốc. Nhờ đó, việc khám chữa bệnh vận hành rất trơn tru”, cư sĩ Diệu Không nói.
Mỗi ngày có hơn 100 người bệnh trong và ngoài tỉnh đến đây hốt thuốc và điều trị các bệnh về gan, xương khớp, tai biến… Ngoài khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, phòng khám của chùa còn châm cứu, tập vật lý trị liệu. Để đủ thuốc trị bệnh, cư sĩ Diệu Không đã cho xây dựng kho thuốc rộng 1.200 m2, dự trữ hàng chục tấn thuốc nam đã được sơ chế, phơi khô. Nhân sự tại phòng khám không chỉ vững tay nghề mà còn tích cực học hỏi kiến thức mới, nghiên cứu cách chữa trị, bào chế thuốc để chữa trị đạt hiệu quả hơn. Công việc chữa bệnh cũng lắm vất vả, do số lượng người bệnh đông nên tất cả tình nguyện viên đều phải căng mình làm việc đến mệt nhoài. Chỉ khi vơi bớt người bệnh, họ mới tạm nghỉ ngơi để ăn uống và chợp mắt.
Chị Ngô Thị Hồng (35 tuổi), bác sĩ tại phòng khám của chùa, nói: “Cám cảnh nhiều người bệnh nghèo nên tôi tham gia chữa trị miễn phí. Thấy bà con phục hồi, vui tươi là tôi vui rồi”. Còn anh Dương Trọng Tường (34 tuổi) chia sẻ: “Tôi được nhà chùa đưa đi đào tạo bác sĩ rồi sau đó về làm việc tại phòng khám này. Mong muốn của tôi là chữa khỏi bệnh cho thật nhiều người dân”.
Ngoài việc chữa bệnh cứu người, cư sĩ Diệu Không cùng các cư sĩ trong chùa còn tích cực tham gia các công việc thiện nguyện khác như: tặng quà cho người già neo đơn, bệnh nhân ở bệnh viện tâm thần, trại trẻ mồ côi, phát gạo cho người nghèo… và vận động xây dựng nhiều căn nhà tình thương cho bà con nghèo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.