Gần 8 triệu hộ nghèo được tiếp cận tín dụng chính sách

Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tín dụng chính sách còn trở thành một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Đổi đời nhờ nguồn vốn chính sách

Trước năm 2010, vợ chồng ông Hà Xao Xuyến (62 tuổi, dân tộc Mường ở thôn Nhội, xã Long Cốc, H.Tân Sơn, Phú Thọ) chỉ có 7 sào ruộng ở vùng đồi núi, quanh năm chăm chỉ cấy hái vẫn không đủ nuôi 7 miệng ăn. Một năm có tới 3 tháng thiếu đói, gia đình ông Xuyến phải lên rừng tìm bương tre về bán. Nửa đời sống trong nghèo đói, nhưng ông Xuyến không dám vay vốn ngân hàng làm ăn, vì sợ không biết lấy gì trả nợ, dù Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV), các hội, đoàn thể nhiều lần đến nhà ông vận động vay vốn của NHCSXH.
“Năm 2010, khi con cái đã dần trưởng thành, tôi mới quyết tâm vay 30 triệu đồng mua cặp trâu sinh sản. 5 năm sau, tôi bán bớt trâu trả nợ ngân hàng, xây được căn nhà nho nhỏ, bước ra khỏi cái nghèo. Năm 2015, tôi được vay thêm 30 triệu đồng nuôi trâu, trồng gần 1 ha chè. Đến nay, đồi chè đã đưa vào khai thác với sản lượng 8 tấn/năm; có 4 con trâu trong chuồng. Mới đây, tôi tiếp tục đầu tư 30 hộp ong nuôi và đã thu lần đầu được 40 lít mật”, ông Xuyến chia sẻ.
Cùng cảnh, dù đã từng tiếp cận với NHCSXH từ năm 2010, song chị Tô Thị Chuyền (52 tuổi, ở thôn Phù Tải 2, xã Kim Đính, H.Kim Thành, Hải Dương) chỉ dám vay 8,2 triệu đồng để cho con đi học cao đẳng. Cả gia đình trông chờ vào 1,1 mẫu ruộng, cuộc sống của 2 vợ chồng và 3 đứa con khá chật vật. Năm 2014, thực hiện chủ trương lồng ghép tín dụng chính sách với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Chuyền được Hội Nông dân và Tổ trưởng Tổ TK-VV hướng dẫn vay 19 triệu từ chương trình hộ nghèo, để chuyển đổi 5 sào ruộng năng suất thấp thành vườn cây trồng cây vải, nhãn. Không chỉ được vay vốn, chị còn được Hội Nông dân về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn quả để tăng năng suất.
3 năm sau, chị Chuyền trả hết nợ vay ban đầu. Năm 2018, chị tiếp tục được địa phương xét duyệt cho vay vốn chương trình hộ cận nghèo với 50 triệu đồng để mở rộng mô hình sản xuất. “Nhờ nguồn vốn vay, cuộc sống của gia đình tôi đã đổi đời. Con cái được học hành đến nơi đến chốn. Năm nay, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi mục đích sang đào ao thả cá và tiếp tục đề nghị NHCSXH cho vay bổ sung vốn chương trình hộ cận nghèo là 50 triệu đồng”, chị Chuyền tâm sự.

Mỗi năm giảm 300.000 hộ nghèo

Tại “Hội nghị trực tuyến về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững” do NHCSXH phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH tổ chức vào 23.9, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB- XH Lê Tấn Dũng cho biết, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,55%, (bình quân giảm 300.000 hộ/năm), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 5,5%/năm; cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo được cải thiện rõ rệt, đời sống người nghèo được cải thiện, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên.
Ông Dũng cho hay: "Trong quá trình tổ chức thực hiện, đã có nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, nhiều gương điển hình vươn lên. Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo trong những năm qua đã trở thành chính sách trụ cột trong hệ thống chính sách giảm nghèo VN".
Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết thêm, trong giai đoạn 2016 đến 31.8.2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp trên 1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động; gần 200.000 HS-SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập… Với cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH tổ chức gần 11.000 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và gần 200.000 Tổ TK-VV hoạt động tại 100% thôn, ấp, bản, làng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định NHCSXH và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... Phó thủ tướng đề nghị NHNN, các bộ, ngành nghiên cứu cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo để phù hợp với đối tượng đầu tư của người vay vốn.
Từ thực tế nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, NHCSXH đã cùng các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, thủ tướng ban hành một số chương trình tín dụng chính sách xã hội mới theo nhu cầu thực tế và bức thiết của người dân, như: cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài,… Tính đến 31.8.2019, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 207.708 tỉ đồng, tăng 63.052 tỉ đồng (+43,59%) so với 31.12.2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.