Gắn cổng kết nối mới cho trạm vũ trụ

18/05/2010 14:27 GMT+7

(TNO) Hai phi hành gia đến từ tàu con thoi Atlantis đã hoàn thành chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên vào sáng nay (18.5), trong sứ mệnh cuối cùng của con tàu này kéo dài 13 ngày đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), theo AFP.

Hai phi hành gia Garrett Reisman và Steve Bowen đã trải qua 7 giờ 25 phút lơ lửng ngoài khoảng không vũ trụ (nhiều hơn dự kiến ban đầu là 6 giờ 30 phút) để lắp đặt cho ISS một ăng-ten đa truyền thông thứ hai và thay thế một bệ đỡ bị hỏng của robot trị giá hơn 200 triệu USD do Canada chế tạo có tên Dextre.

AFP cho biết, lần đi bộ ngoài không gian đầu tiên trong số ba lần của các phi hành gia tàu Atlantis bắt đầu lúc 18 giờ 54 phút tối qua (17.5 giờ VN) và kết thúc lúc 2 giờ 19 phút sáng nay (18.5 giờ VN). Trước đó, tàu đã đến trạm vào tối 16.5 sau gần hai ngày bay.

Đây là chuyến đi bộ ngoài không gian thứ 237 được thực hiện bởi các phi hành gia Mỹ, cũng là chuyến thứ hai của Reisman và thứ tư của Bowen. Hai chuyến đi bộ tiếp theo sẽ thực hiện nhiệm vụ lắp đặt sáu tấm pin năng lượng cho ISS (mỗi tấm nặng 170 kg).

Trong khi Reisman và Bowen làm việc bên ngoài, các phi hành gia trong ISS đã di chuyển và lắp ráp thành công mô-đun nghiên cứu mini do Nga chế tạo mang tên MRM-1 (hay còn gọi là Rassvet) vào trạm bằng cánh tay robot của tàu con thoi. Như vậy ISS đã có thêm cổng kết nối mới cho các tàu vũ trụ của Nga là tàu Soyuz và tàu vận tải Progress.

Được biết sứ mệnh kéo dài 13 ngày lần này (nhiều hơn dự kiến một ngày) là chuyến bay thứ 32 và cũng là cuối cùng của tàu Atlantis kể từ lần bay đầu tiên cách đây 25 năm. Đây cũng là một trong ba chuyến bay cuối cùng của đội tàu con thoi của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Sau tàu Atlantis, lần lượt sẽ đến tàu Discovery và tàu Endeavour thực hiện nốt sứ mệnh của mình vào tháng 9 và tháng 11 tới để kết thúc nhiệm vụ lịch sử của đội tàu con thoi.

Tiến Dũng

>> Tàu Atlantis đến trạm vũ trụ
>> Tàu Atlantis rời bệ phóng cho sứ mệnh cuối cùng
>> Sứ mệnh cuối cùng của tàu Atlantis

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.