Gan nhiễm mỡ, nên làm gì?

15/01/2007 16:59 GMT+7

Gan nhiễm mỡ là tên gọi của sự tích tụ lượng mỡ quá mức bình thường trong tế bào gan. Với người bình thường, trong gan có thể chứa một ít mỡ nhưng nếu lượng mỡ nhiều hơn từ 5 -10% cân nặng của gan, gan bạn đã bị nhiễm mỡ và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn.

Ăn thức ăn có nhiều calori dễ gây nên sự tích tụ mỡ trong gan. Hầu như các bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ đều ở độ tuổi trung niên và bị dư cân. Nghiện rượu, sụt cân nhanh và dinh dưỡng kém có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ quá mức có thể dẫn đến viêm gan. Khi kết quả xét nghiệm máu có men gan cao (SGOT, SGPT, GGT), bạn đã bị viêm gan. Tình trạng này gọi là viêm gan do nhiễm mỡ và đây cũng chính là nguyên nhân gây tổn thương gan. Đôi khi, chứng viêm gan do nhiễm mỡ có liên quan đến nghiện rượu, gọi là viêm gan mỡ do rượu. Mặt khác cũng có tình trạng viêm gan do nhiễm mỡ nhưng lại không liên quan đến rượu gọi là viêm gan mỡ không do rượu hay còn gọi là NASH. Khi bị viêm, gan có thể làm thành sẹo và bị xơ cứng. Tình trạng này gọi là xơ gan, rất nguy hiểm và thường dẫn đến suy gan.

Nhìn chung bạn khó có thể phát hiện mình bị gan nhiễm mỡ bằng các triệu chứng thông thường, chỉ có thể biết mình bị bệnh hay không khi làm các xét nghiệm y khoa hoặc tình cờ làm xét nghiệm để khám các bệnh khác mới phát hiện ra mình bị gan nhiễm mỡ. Nhưng nếu bệnh trở nặng, bạn sẽ thấy mệt mỏi, sụt cân, đuối sức và hay quên.

Trong quá trình khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ có thể phát hiện gan bạn bị nhiễm mỡ qua siêu âm. Bạn cần làm xét nghiệm máu đo men gan và lượng mỡ trong máu. Bác sĩ có thể cho bạn làm thêm các xét nghiệm khác tùy mức độ của viêm gan nặng hay nhẹ như: chụp CT hay MRI, thử viêm gan siêu vi B, C, thử đường máu...

Hiện gan nhiễm mỡ không thể điều trị bằng thuốc hay bằng phẫu thuật, khi bị gan nhiễm mỡ, đặc biệt là viêm gan mỡ không do rượu (NASH) bạn nên:

- Giảm cân

- Có chế độ ăn giảm mỡ, dùng thuốc giảm mỡ hay kết hợp cả hai phương pháp

- Kiêng rượu, thuốc lá

- Kiểm soát đường huyết tốt nếu bạn bị tiểu đường

- Có chế độ ăn cân đối và đầy đủ

- Tăng cường các hoạt động nâng cao thể lực, tham gia các hoạt động thể thao

- Theo dõi, tái khám định kỳ với một bác sĩ chuyên khoa gan

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.