Gặp gỡ, hẹn hò sao phải đến quán nhậu?

27/09/2017 14:27 GMT+7

Thay vì rủ nhau đi ăn, đi uống cà phê thì có không ít bạn trẻ lại tổ chức gặp gỡ ở… quán nhậu. Vì sao quán nhậu lại có sức mê hoặc đến vậy?

“Nhóm bạn lớp 12 cũ vừa tổ chức “hội ngộ” ở Sài Gòn. Đọc thấy thông báo mà hết hồn. Vì địa điểm tổ chức không phải là quán ăn, nơi vui chơi hay quán trà sữa nào đó mà là… quán nhậu”, Bình An, tân sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, kể.
Minh Thảo (28 tuổi, TP.HCM) cũng cho biết câu chuyện: “Nhóm mình đang thi một cuộc thi về công nghệ và lọt vào top 10 dự án xuất sắc nhất. Cả nhóm tổ chức ăn mừng. Những tưởng ăn uống, nào ngờ có thành viên trong nhóm đề xuất ăn mừng ở… quán nhậu”.
Còn rất nhiều câu chuyện tương tự, khi các địa điểm tập trung, gặp gỡ… đều là quán nhậu. “Thời bây giờ, mọi suy nghĩ dường như đều hướng về… quán nhậu. Chỉ cần có ý tưởng gặp mặt, họp nhóm… là y như rằng sẽ có những “hiến kế” kiểu: 'quán nhậu nha', 'tổ chức ở quán nhậu đi', Phạm Thịnh, sinh viên Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, chia sẻ.
“Khi mình phản bác, không đồng tình thì thường rơi vào cảnh 'đơn độc', vì phần nhiều ý kiến 'thích đi quán nhậu'. Họ (những người muốn đi quán nhậu - NV) cho rằng quán nhậu thì có không gian, vừa ăn uống, thoải mái chuyện trò… Nhưng quán cà phê, quán ăn cũng có không gian, cũng có thể thoải mái nói chuyện, cũng có đồ ăn thức uống. Mình chẳng thể hiểu được”, Thịnh kể thêm.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), sở dĩ không ít bạn trẻ hiện nay thường chọn quán nhậu nhiều hơn cà phê, trà sữa, quán ăn… là vì nhiều lý do. “Có thể họ nghĩ rằng khi nhậu, sẽ có chút men dễ khiến con người ta hưng phấn, có thể nói những điều khó nói, mà khi trong trạng thái tỉnh táo không thể thốt lên lời. Cũng có thể do cái không khí thoải mái ở bàn nhậu khiến họ dễ cười nói, vui vẻ sau những giờ học tập, làm việc. Và cũng có thể do một bộ phận người trẻ thích nhậu, việc đó lặp đi lặp lại nhiều lần và trở thành một thói quen. Để rồi khi có ai đó hẹn hò, họ sẽ nghĩ ngay đến… quán nhậu”.
Có nhiều người thú thật: “Không hề thích nhậu xíu nào”, “Luôn muốn từ chối những lời rủ nhậu”… nhưng lại “không biết phải làm sao?”.

tin liên quan

Mê cảnh đẹp, coi chừng mất xe
Hằng đêm, nhiều bạn trẻ kéo nhau đến cầu Bình Lợi, hồ Con Rùa... (TP.HCM) ngắm cảnh đêm. Nhiều người để xe tràn ra đường gây cản trở giao thông, chưa nói đến mất cảnh giác tạo kẽ hở cho tội phạm trộm cắp xe.
Làm gì để có thể khéo léo từ chối những lời mời nhậu nhẹt? Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM, khuyên hãy cân nhắc thật khéo léo những lời mời để tốt cho bản thân. “Tùy vào mối quan hệ để có cách từ chối hợp lý. Nếu trong tình cảnh không bị bắt buộc phải tham gia, thì ngay từ đầu nên chủ động từ chối những cuộc vui. Còn nếu bắt buộc phải tham gia, bắt buộc phải uống trong những lời rủ chân tình, thì nên đưa ra những lý do chính đáng về sức khỏe, cơ địa, an toàn giao thông khi chạy xe… Hãy nói một cách chân thành thì có thể chối từ lời mời nhậu nhẹt”, ông Quân hướng dẫn.
Ông Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM, thì khuyên nên “thủ sẵn” một câu nói rất hay để áp dụng trong trường hợp bị ép uống, đó là: “rượu bia là để thưởng thức chứ không phải thách thức”.
Cũng theo ông Quân, bia rượu sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh không tỉnh táo, minh mẫn. Kết hợp với cái tôi thể hiện mình, khi mâu thuẫn xung đột dễ có hành vi không đúng. Có những chuyện nhỏ nhưng bị xé ra to cũng chỉ vì hơi men bia rượu. Chuyện không lớn nhưng có bia rượu vào thì có thể gây nên hậu quả nguy hiểm, đáng thương.
Dưới góc độ chuyên gia y tế, tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, khuyên người trẻ cần hạn chế những thức uống có chất cồn, chất kích thích, đặc biệt là bia rượu. Vì những chất kích thích ấy sẽ ảnh hưởng đến hành vi của con người, dẫn đến những hành động mất kiểm soát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.