Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn - Kỳ 3: Những hình nhân chết thế

24/04/2012 03:23 GMT+7

“Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”. Để vững lòng người đi, người dân Lý Sơn đã nghĩ ra một cách: bắt hình nhân phải “chết thế”, bắt các thuyền bằng giấy phải “chìm thay”!

>> Kỳ 2: Trời nước mênh mông

“Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”. Để vững lòng người đi, người dân Lý Sơn đã nghĩ ra một cách: bắt hình nhân phải “chết thế”, bắt các thuyền bằng giấy phải “chìm thay”!

Những thầy pháp ở Lý Sơn giữ vai trò rất quan trọng trong việc bắt hình nhân phải “chết thế - chìm thay” này. Thầy pháp như điểm tựa tâm linh của lính Hoàng Sa trong mỗi đợt xuất quân. Ở Lý Sơn hiện nay có hai thầy pháp, một là ông Võ Văn Toại ở thôn Đông, xã An Vĩnh; hai là ông Nguyễn Trung Thành, tục gọi là Nữ, quê thôn Tây, xã An Hải. Cả hai ông hiện đã ngoài 75 tuổi nhưng còn rất minh mẫn và tráng kiện. Ông Toại đang sinh sống ở Lý Sơn, còn ông Thành thì đã vào Đồng Nai từ hơn 30 năm nay nhưng hễ đến dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, ông lại lên tàu về quê tham gia “hâm nóng” bầu không khí của buổi tế lễ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của hơn hai vạn dân trên hòn đảo này.

“Cứ lên thuyền, đã có người chết thế rồi!”

Ông Nữ mặc áo lụa đỏ, có khi lụa xanh, đầu đội mũ tam sơn, tay cầm mõ và một thanh kiếm bằng… nhung, mắt quắc, miệng lầm rầm câu thần chú, rồi chợt hét vang những tiếng “gọi hồn”. Một bên là đám quân sĩ, đầu đội khăn điều, tay cầm mác có quấn cờ đuôi nheo, mặt rất căng thẳng, tập trung cao độ để nghe câu chú của thầy pháp; một bên là tiếng ốc u vang lên từ một “nghệ nhân” của làng. m thanh réo rắt phát ra từ ốc u, vừa như “gọi bầy”, lại vừa như thúc quân ra trận. Tất cả hòa quyện trong một không gian cô đặc đầy huyền nhiệm. Ông Nữ giải thích một phần nội dung của câu chuyện gọi hồn: “Trước hết là “mời” các ông ấy (vong hồn lính Hoàng Sa) về dự bữa với con cháu hôm nay. Trong phần “thế lính” còn có câu chuyện “yểm” vào các hình nhân, mỗi hình nhân tương ứng với một người lính ra đi, mỗi chiếc thuyền bằng giấy tương ứng với một thuyền câu.

Các hình nhân và thuyền giấy này được xem như là người (vật) sẽ chết thay, chìm thay cho số binh phu chuẩn bị lên đường”. Nhìn khuôn mặt ông Nữ khi đọc thần chú rồi tay ông cầm bó nhang “vẽ” lên không trung, có cảm giác như ông đang làm một công việc nặng nhọc là trút đi nỗi lo toan sợ hãi của những binh phu sắp lên đường ra Hoàng Sa vì phải luôn đối mặt với những bất an suốt trong suốt chuyến hải hành. Vì vậy, nhìn vào điệu bộ và những câu “chú” của thầy pháp, những người lính ra Hoàng Sa có thể rất an lòng vì đã có người chết thế cho mình rồi! Cũng là một “liệu pháp tinh thần” thế thôi, vì hơn ai hết, dân Lý Sơn cảm nhận được những gì mà con em họ phải nếm trải mỗi khi lên đường. “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về” là vậy.

 
Thầy pháp Nguyễn Trung Thành tại lễ khao lề năm 2010 - Ảnh: Trần Đăng

Những gì còn lại

Trong số 70 binh phu được tuyển chọn để ra Hoàng Sa mỗi năm thuở ấy, trừ những “cựu binh” dạn dày trận mạc như Đặng Văn Siểm, Nguyễn Văn Hùng... là được đi vài lần, tất cả những người còn lại đều là “trai tân” mới lớn và đi lần đầu. Quy định của các vua triều Nguyễn đối với những binh phu ra Hoàng Sa là con thứ và chưa lập gia đình mới được đi, con trưởng phải ở nhà để lo thờ phụng tổ tiên. Ngay trong nội dung của quy định này đã hàm chứa những tiên báo về một sự rủi ro rất lớn cho người ra đi. Người ta không muốn nỗi đau mất mát trùm thêm lên cả vợ con của người xấu số nên phải chọn những chàng trai chưa lập gia đình là vì thế.

Dù đã được “trấn an” bằng một buổi “thế lính” đượm chất bi hùng và huyền hoặc, dù đã được các hình nhân thế mạng cho mình trong lễ khao lề rồi nhưng phần lớn những chàng trai ra đi ngày ấy đều không trở lại. 6 tháng phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt ở Hoàng Sa, lại phải thường xuyên chống chọi với gió bão bất thường trong quá trình lênh đênh trên biển, câu chuyện được trở về đoàn tụ với gia đình đã trở nên quá xa vời với họ. Phần lớn trong số họ, hoặc là gửi xác giữa biển khơi, hoặc là nằm lại với Hoàng Sa. Thời mà quần đảo này còn chưa “nổi sóng” như hiện nay, ngư dân Lý Sơn đi đánh bắt hải sản ngoài ấy đã phát hiện rất nhiều ngôi mộ bằng đất nằm rải rác trên các đảo. Chính những binh phu xấu số ấy đã hóa thân thành những cột mốc biên cương nơi Hoàng Sa từ thuở nào rồi.

Tưởng nhớ những binh phu đã hy sinh vì nghĩa lớn mà không tìm thấy xác, người dân Lý Sơn đã nghĩ ra việc đắp các ngôi mộ gió để tưởng vọng họ. Hàng trăm ngôi mộ gió đã tồn tại trên đất đảo như một phần máu thịt không thể thiếu của người dân trên hòn đảo này. Như đã nói ở trên, các thầy pháp giữ một vai trò quan trọng trong việc trấn an quân sĩ trong lễ khao lề. Tuy nhiên, nhiệm vụ của họ chưa phải đã kết thúc sau buổi lễ mà sẽ còn được tiếp tục với nhiều nghi thức đậm màu bi ai khi phải “an táng” những hình nhân bằng đất sét trong các ngôi mộ gió.

Sau 6 tháng mà không thấy con em mình trở về, người nhà đi rước thầy pháp và tiến hành các thủ tục cho người xấu số. Trước tiên là lên núi Giếng Tiền để lấy đất sét về trộn với bông gòn, bỏ vô cối giã thật nhuyễn để nặn hình nhân. Bông gòn có tác dụng “kết nối” đất sét lại với nhau mà không làm cho hình nhân bị nứt. Thầy pháp lấy thân cây dâu làm xương, lấy hạt cây đu đủ tía làm tim, gan cho hình nhân. Xong các công đoạn, hình nhân được bỏ vào một chiếc quách nhỏ, thầy pháp bắt đầu gọi hồn về để hồn “nhập” vào xác hình nhân. Hồn nhập xong, hình nhân được mang ra nghĩa địa.

Ông Võ Văn Toại là đời thứ 8 của dòng họ Võ ở thôn Đông, xã An Vĩnh chuyên nặn hình nhân trong các ngôi mộ gió. Nghe ông lý giải ý nghĩa của từng “nguyên liệu” để đưa vào “nội tạng” của hình nhân, chúng tôi chợt nhận ra rằng vì sao cây dâu vẫn tồn tại và song hành với người dân Lý Sơn hàng trăm năm qua dù nghề nuôi tằm dệt vải không có ở hòn đảo này; bỗng hiểu vì sao Lý Sơn đất chật người đông như thế mà người dân vẫn dành một phần ít ỏi của quỹ đất để cho các ngôi mộ gió tồn tại. Với họ, đó như là nghĩa trang liệt sĩ dành riêng cho những binh phu đi Hoàng Sa thuở trước, con cháu hôm nay cần phải chăm sóc và giữ gìn.

Mộ gió là những gì còn lại sau mỗi chuyến đi của những binh phu xấu số. Nhưng không hẳn vậy, ở phía xanh mờ nơi Hoàng Sa kia, những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc đã được chính những binh phu ấy dựng lên bằng xương máu của mình. Có lẽ, đó mới là những gì còn lại để chúng ta suốt đời ơn nghĩa họ.

Trần Đăng - Đỗ Hùng - Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.