Năm 2002, “Đại gia” Mai Văn Huy, nguyên Giám đốc Công ty thương mại và dầu khí Đồng Tháp - người được ví von là “coi trời bằng nửa con mắt” - cùng lúc lãnh: 2 bản án chung thân về tội buôn lậu và tham ô; 20 năm tù về tội cố ý làm trái và 15 năm tù về tội đưa hối lộ... Nhờ tích cực khắc phục hậu quả và lao động cải tạo nên chỉ hơn 9 năm thụ án, Mai Văn Huy đã được ân xá tha tù trước thời hạn trong dịp Quốc khánh 2.9 vừa qua. Trước khi về địa phương trình diện theo lệnh đặc xá, Mai Văn Huy đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên về quãng đời đầy thăng trầm đó.
Sau cái bắt tay rất chặt, ông cười tươi: “Nhà báo thấy tôi trẻ và khỏe hơn lúc gặp ở tòa không?”. Rồi ông đưa 2 bàn tay chai sần với tờ lệnh đặc xá cho chúng tôi xem và tự hào nói rằng đó là kết quả của những tháng ngày lao động tích cực tại trại cải tạo An Điềm (Cục V26, thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Ông ngậm ngùi nhắc chuyện đã qua rồi thừa nhận chính mình đã tự đào hố chôn mình, để rồi phải trả một cái giá khá đắt. Ông nói ông chỉ học hết lớp 3 trường làng, nhưng lại được giao làm giám đốc một công ty lớn của tỉnh, với hàng chục chi nhánh trong cả nước, doanh số hàng ngàn tỉ đồng/năm... nên chỉ biết làm theo cảm tính, háo thắng, bất chấp mọi thủ đoạn kinh doanh, móc ngoặc, đưa hối lộ, buôn lậu xăng dầu để kiếm được thật nhiều tiền nhằm lấy lòng cấp trên, củng cố địa vị cho mình. “Sau khi bị bắt, tôi hiểu rằng với tội danh bị cáo buộc và hậu quả tôi gây ra vào thời điểm đó, tôi “thừa sức” lãnh đến 2 bản án tử hình. Nhưng tôi cảm ơn ông Tám Thượng (chủ tòa phiên tòa) và luật sư bào chữa đã đưa ra được những tình tiết khách quan để giảm nhẹ tội, cho tôi con đường sống”.
Có một điều phải ghi nhận là Mai Văn Huy ăn nói rất trôi chảy, mạch lạc và khá có duyên. Do vậy, nếu không biết rõ về ông, người ta sẽ không ngờ ông mới chỉ học hết lớp 3 trường làng. Khi chúng tôi hỏi ông đã nghiệm ra điều gì trong những ngày thụ án, ông trầm ngâm một lúc lâu, rồi mới chậm rãi nói: “Tôi nhớ kỹ từng ngày. Từ ngày tôi bị bắt tạm giam đến khi được đặc xá là đúng 9 năm 21 ngày. Mặc dù tôi từng làm giám đốc, từng được tung hô là “đại gia” trong ngành xăng dầu, từng ném tiền qua cửa sổ trong những cuộc vui chơi vô độ, nhưng thực ra tôi chưa bao giờ hiểu được giá trị của cuộc sống. Đến khi thụ án tôi mới thấm thía được giá trị của sự tự do... Từ đó, tôi quyết tâm lao động cải tạo thật tốt để mong có ngày về sum họp với người thân, gia đình và bạn bè”.
Từ ngày bước chân vào trại An Điềm, năm nào Mai Văn Huy cũng được bình chọn là phạm nhân tốt của Cục V26. Khi ông được đặc xá, nhiều người ngạc nhiên không hiểu vì sao với mức án chung thân mà ông chỉ thụ án có hơn 9 năm, lại chưa được giảm xuống mức án tù có thời hạn. “Thật lòng mà nói, khi đã nhận ra lỗi lầm của mình, tôi đã nguyện là phải tích cực cải tạo để sớm có ngày về. Do vậy, mỗi năm ở trại tôi chỉ xin nghỉ lao động có 3 ngày tết, tất cả những ngày còn lại trong năm (kể cả ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật) tôi đều tự nguyện xin đi lao động. Hơn nữa, tôi được giám thị trại phân công làm đội trưởng một đội lao động có hơn 70 phạm nhân, chiếu theo quy định thì tôi được miễn lao động, nhưng tôi vẫn tự nguyện tham gia lao động với anh em, nên nếu tính kỹ, số ngày công lao động trong trại cải tạo của tôi phải hơn 12 năm rồi đó” - Mai Văn Huy nói.
Cuốn sách viết về vụ án Mai Văn Huy |
Thêm một điều bất ngờ đối với chúng tôi là Mai Văn Huy khá cởi mở khi nói về chuyện... tình cảm riêng tư. Khi còn đương chức, ông đã bất chấp dư luận, sống công khai với một người đẹp tên D.T và đã có một đứa con chung với người này, dù người vợ chính thức của ông là em ruột của một vị phó chủ tịch tỉnh đương quyền. Ông cho biết khi đang thụ án, D.T có dẫn con đến trại thăm ông một lần. Sau đó cô ấy đã có chồng khác và sinh 2 con riêng. Còn người vợ chính thức thì bán căn nhà tại Đồng Tháp để nộp tiền khắc phục hậu quả cho ông, sau đó lên TP.HCM thuê một căn phòng nhỏ, hằng ngày đi bỏ mối vải tại các chợ để nuôi 2 đứa con ăn học.
Ông dự tính trước khi lo tìm kế mưu sinh trong quãng đời còn lại, ông sẽ mượn bạn bè ít tiền để trở lại trại An Điềm thăm anh em phạm nhân và Ban giám thị trại. “Họ đã động viên, giúp đỡ tôi rất nhiều trong những tháng ngày thụ án. Tôi nhớ mãi lời dặn dò của em phạm nhân trước lúc tôi lên xe về: “Anh Huy nhớ làm người tốt trong xã hội. Anh có tốt thì sau này tụi em mới hy vọng được xét đặc xá, sớm trở về sum họp gia đình như anh”. Câu nói trên luôn đọng mãi trong lòng của tôi, cả trong giấc ngủ...” - ông Huy nghẹn ngào tiễn chúng tôi ra về... M.T
Mai trâm
Bình luận (0)