Gặp lại Nhuận Điền - Thanh Tú

04/06/2011 00:11 GMT+7

Chàng Nhuận Điền - Thanh Tú qua hơn 30 năm giờ đã là ông lão 71 tuổi. Nói là ông lão, nhưng thật ra trông ông trẻ hơn và tướng tá vẫn cao lớn, chắc nịch.

NSƯT Thanh Tú nổi tiếng trong vai chàng nông dân Nhuận Điền lực lưỡng, có giọng ca trầm ấm nồng nàn, có phong thái mộc mạc mà thanh thoát như ẩn sĩ gác bỏ chuyện đời danh lợi bon chen. Vở Bên cầu dệt lụa với điểm nhấn này đã có một sắc thái cao nhã, thiền vị, so với chuyện lập danh xông pha vì ích nước lợi dân của trạng nguyên Trần Minh thì hai bên đều đẹp ngang nhau.

Mấy câu vọng cổ để đời

Thanh Tú bị tai biến cách đây hai năm, nằm liệt giường hơn 6 tháng. Nhưng sau đó, ông tập luyện quyết liệt nên hồi phục nhanh. Không thấy cơ bắp nào bị teo, ngược lại mỗi ngày ông có thể leo tới tận lầu 5 để tưới kiểng, và một tay xách nổi xô nước lớn. Ông còn đi bộ rất nhiều, ăn uống cũng khỏe. Ông cười: “Chắc nhờ trước kia tôi luôn tập tạ, nên có sức lực hơn người bình thường. Sợ làm người tàn phế ngồi một chỗ báo hại gia đình, nên tôi nhất định chịu đau mà tập”. Hiện ông chỉ bị giọng nói hơi cứng và chậm, ông bảo sẽ tập để hồi phục hoàn toàn và ca được như xưa. Mấy câu vọng cổ để đời của Nhuận Điền hình như chỉ có Thanh Tú ca mọi người mới vừa ý.

 
NSƯT Thanh Tú (phải - vai Nhuận Điền), NSƯT Thanh Sang (vai Trần Minh) trong vở Bên cầu dệt lụa - Ảnh: H.K

Mà thật vậy, bây giờ ngồi nhà nhưng mấy ông bạn nghệ sĩ cứ điện thoại réo liên tục. Réo chỉ để “mắng vốn” rằng cả bọn ca nghe không đã bằng Thanh Tú, tức quá! Hồi trước, đi diễn ở đâu khán giả cũng đòi nghe mấy câu ca này, nghe hoài cũng đòi hoài, thiệt lạ! Hát bài khác, một hồi họ cũng đòi nghe vọng cổ của Nhuận Điền. Đến nỗi Thanh Tú ngại ngùng, sợ thiên hạ nói ông chỉ có mấy bài “mần tới mần lui”, nhưng khán giả cứ yêu cầu thì phải ca chứ biết sao!

Mười mấy năm trước, ông thấy cải lương khó sống quá, gia đình túng thiếu, nên đâm liều thuê chỗ mở cái quán ăn nho nhỏ. Không ngờ người ta ái mộ ông mà kéo tới. Ăn là phụ, nghe ông hát mới là chính. Khách hàng vào quán ăn của ông cũng chỉ vì muốn nhìn thấy ông, muốn nghe ông ca đúng bài này. Dân nhậu lại mê vọng cổ thần sầu. Và càng mê càng… nhậu. Không biết có cái gì liên quan giữa vọng cổ và rượu, nhưng rõ ràng thực tế là như vậy! Còn Thanh Tú cũng vì chiều khán giả ái mộ nên phải uống theo. Ông nói thật: “Mỗi tháng tôi uống chừng 300 lon bia, chưa kể rượu trắng, rượu vang, rượu Tây… Sức lực vậy mà chịu không nổi, ngày nào cũng say lật gọng. Riết rồi sợ, dẹp quán luôn”.

Hạnh phúc tuổi già

Nhưng từ cái quán nhỏ đã giúp ông xây được nhà, mở quán lớn hơn, mua xe ô tô cho con. Ngược lại, có lẽ vì rượu mà ông mới bị tai biến như thế. Mà thôi, mọi việc đã qua, ông vui vẻ trở lại, và hạnh phúc với tuổi già con cháu đề huề. Con trai ông làm trong ngành du lịch, rất có hiếu, một tay chăm sóc cha khi cha bệnh, và trở thành người kiếm tiền lo cho gia đình. Cháu nội vừa chào đời mấy tháng. Thanh Tú cười: “Giờ chỉ có ước muốn duy nhất là sức khỏe, chứ nghề hát cũng không dám nhớ nữa. Hát được thì hát, không thì thôi”. Bà Trang Bích Liễu - vợ ông, từng là cô đào đẹp của cải lương, nay đã 67 tuổi, nhưng trông chừng chưa tới 60. Trên tường nhà ông treo những bức ảnh lớn của hai vợ chồng thời đào kép xuân sắc.

Dấu vết cải lương chỉ còn lại trên… tivi. Ngày ngày rất rảnh, ông chỉ còn cách xem phim và xem cải lương trên truyền hình. Xem xong, ông lo: “Nhiều em ca vọng cổ chỉ lo khoe hơi, khoe giọng, nhưng không biết chữ nào nhấn nhá ra sao cho đắc địa, cho ấn tượng và truyền cảm. Tôi nghiên cứu nhiều ngày nhiều tháng mới xong một câu vọng cổ, kỹ lưỡng từng chữ để nói được cái hồn của nhân vật. Mỗi chữ nhả ra là cả một kỹ thuật và nghệ thuật, chứ đâu phải ca lớt lớt là xong”.

Nhưng dù có buồn thì ông cũng phải chấp nhận thực tế. Và ông đành quay lại với hiện trạng sức khỏe của mình. Ông lấy sự bình thản để đẩy lui bệnh tật. Gương mặt vẫn mộc mạc như xưa, khi cười vẫn thấp thoáng hình ảnh Nhuận Điền với gánh lúa nhẹ tênh đi giữa cuộc đời…

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.