(TNO) Sau 10 ngày thoát khỏi vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, (Lâm Đồng), những công nhân may mắn đã trở về quê, quây quần cùng gia đình trong ngày tết dương lịch 2015. Sau hơn 81 giờ trong hầm sâu, dù thoát nạn nhưng nhiều đêm, họ vẫn giật mình thảng thốt, bật dậy mới biết mình đã được cứu...
Anh Trương Tuấn Việt (phải) kể lại ký ức về vụ sập hầm
|
Người phụ nữ vọng phu
Mấy ngày nay, nhà anh Trương Tuấn Việt (30 tuổi, thôn Thượng 1, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đông đúc người qua lại và nhộn nhịp hơn hẳn. Sau khi anh Việt được cứu khỏi vụ sập hầm, hàng xóm kéo đến chật nhà thăm hỏi và chúc mừng gia đình.
Từ khi đi làm đến nay, đây là lần đầu tiên anh Việt được đón tết dương lịch ở nhà. Đối với người dân ở quê, tết dương lịch cũng không khác gì ngày bình thường, nhưng với anh Việt đây là cái tết có ý nghĩa nhất. Đầu năm, anh làm vài mâm cơm mời bà con, hàng xóm đến chung vui vì đã thoát nạn.
Kể lại sự cố tai nạn sinh tử, anh Việt vẫn còn rùng mình: “Lúc hầm bị sập, anh em vô cùng lo sợ, nhưng sau đó lấy lại bình tĩnh, lo sợ việc hầm tiếp tục bị sập nên phải tìm nơi ẩn nấp. Lúc này xung quanh đen như mực, mọi người dùng đèn pin soi khắp nơi tìm xem có lối thoát không nhưng đều vô vọng”.
|
Anh Việt nhớ lại, lúc được chuyển nước gừng và cháo qua đường ống, mọi người phải thay nhau dùng mũ bảo hộ đi lấy cháo và nước. Do đường hầm ngập nước, nên anh em phải thay đi lấy mới bảo đảm sức khỏe; lạnh quá thì mọi người ôm lấy nhau giữ ấm.
“Đến khi được mọi người đưa ra khỏi hầm, tôi không thể tin đó là sự thật. Mặc dù rất mệt, nhưng tôi vẫn cố gắng mở mắt nhìn mọi thứ…”, anh Việt nói.
Lúc biết tin anh Việt gặp nạn, chị Phan Thị Hoa (31 tuổi), vợ anh, vội mua vé máy bay vào Lâm Đồng. Ngày nào chị cũng ngồi trước cửa hầm ngóng tin của chồng. Mấy ngày đầu, chị không ăn uống được gì vì lo lắng cho anh, gần như suy sụp, ở nhà liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình. Lúc chồng được cứu ra, chị vỡ òa trong hạnh phúc.
Gia đình anh Việt vốn là gia đình khó khăn, thu nhập của hai vợ chồng chủ yếu là làm ruộng, vì thu nhập ít, thời gian nông nhàn nhiều nên anh Việt bắt đầu đi làm công trình thủy điện. Lúc đầu anh làm ở công trình thủy điện Nậm Pông, tỉnh Nghệ An. Sau gần 2 năm ở Nậm Pông, anh Việt cùng tổ công tác của mình chuyển vào Lâm Đồng làm, nhưng vừa đầy 1 tháng thì xảy ra sự cố.
Chia sẻ về dự định năm 2015 anh Việt cho biết: “Mặc dù đã an toàn về đến nhà, nhưng nhiều đêm nằm ngủ tôi vẫn mơ thấy cảnh tượng trong hầm tối, mồ hôi toát đầy mình. Tôi sẽ không đi làm nghề này nữa”.
|
Đúng ngày đầu năm mới 2015, chúng tôi cũng tìm gặp được 4 công nhân quê ở Ý Yên, Nam Định đã “thoát chết” trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.
Tại nhà anh Nguyễn Văn Hường (thông tin ban đầu là Hoàng Đình Hường) ở xã Yên Thọ, bà Trần Thị Hằng (70 tuổi, mẹ anh Hường) cho biết: “Việc đầu tiên là tôi làm 20 mâm cơm để mời anh em, làng xóm sang chia vui và mừng cho gia đình, sau là cảm ơn mọi người đã động viên gia đình tôi trong lúc chúng tôi lo lắng và suy sụp nhất”.
Về phần anh Hường, sau khi ra viện, sức khỏe của anh đã khá hơn nhưng chưa hồi phục hoàn toàn, hiện tại tay trái của anh vẫn run run khi cầm nắm đồ vật. Về tinh thần, dư âm của vụ sập hầm vẫn ám ảnh tâm trí người công nhân này, đêm nằm ngủ thi thoảng vẫn mê man, hoảng hốt và giật mình tỉnh giấc khiến gia đình lo lắng.
“Có lúc đang ngủ bỗng anh ấy vung tay và hét mạnh làm em giật bắn, có lẽ tinh thần của anh ấy vẫn còn hoảng loạn lắm”, chị Nguyễn Thị Hoa, vợ anh Hường chia sẻ.
Anh Hường cho biết gần một tuần lễ nay, anh tiếp tục nghỉ ngơi cho phục hồi sức khỏe hoàn toàn trước khi tính đến chuyện công việc tương lai. “Bây giờ ở quê cũng không có việc gì, vì thế từ giờ đến Tết âm lịch tôi muốn nghỉ ngơi cho khỏe hẳn, sau tết tôi mới tính chuyện công việc. Trước mắt, tôi muốn dành thời gian cho vợ, con và gia đình”, anh Hường nói.
Vợ chồng anh Hường có 2 cô con gái (2 và 4 tuổi). Từ khi anh về, 2 cô con gái cứ bám riết lấy bố không rời. “Bây giờ cứ bảo bố đi hầm đây là 2 đứa lại khóc và bám chặt lấy mình bảo không cho đi”, anh Hường kể.
Với Hoàng Đình Thịnh (18 tuổi, thông tin ban đầu là 28 tuổi, trú cùng xã Yên Thọ); Hoàng Ánh Văn (24 tuổi, thông tin ban đầu là 34 tuổi, xã Yên Chính) và Nguyễn Tiến Đoàn (thông tin ban đầu là Hoàng Tiến Đoàn, 25 tuổi, xã Yên Hưng), ai cũng vẫn còn bị ám ảnh. Cả 3 công nhân này đều chưa có vợ.
Khuôn mặt Thịnh vẫn hốc hác, hố mắt thâm quầng. Thịnh cho biết từ khi về nhà, anh ngủ li bì suốt ngày nhưng lúc nào cũng thấy “thèm” ngủ. “Lúc ở trong hầm, không biết là đã được mấy ngày, nhưng lúc đó tôi thấy quá đuối sức, toàn thân lạnh buốt, nếu thông hầm muộn khoảng 1 ngày nữa chắc tôi không trụ nổi”, Thịnh nhớ lại.
Ông Hoàng Đình Cường, bố Thịnh, cho biết: “Bao nhiêu ngày con mắc kẹt trong hầm cũng là bấy nhiêu ngày chúng tôi không ăn, không ngủ, đến hôm thông được hầm, nghe thấy cả xóm hô vang “thông hầm rồi” , “thông hầm rồi”… thì bà nhà tôi mừng quá ngã quỵ, đến hôm nay mà chân tay bà ấy vẫn còn run lẩy bẩy”, ông Thịnh nhìn sang vợ và nói.
Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của Thịnh cũng cho hay hiện tại Thịnh đã có danh sách gọi nhập ngũ đợt này nên gia đình bà muốn cho con đi bộ đội trước khi tính đến chuyện công việc tương lai.
Nhà của Hoàng Ánh Văn và Nguyễn Tiến Đoàn cũng tấp nập hàng xóm đến chia vui. Cũng giống những người may mắn khác, cả hai nhất quyết bỏ việc để tìm một sự thay đổi.
Anh Nguyễn Văn Hường bên gia đình nhỏ của mình
|
Bà Trần Thị Hằng, mẹ anh Hường, vui vẻ bên các cháu nội
|
Tối nào nhà anh Hường cũng tấp nập khách tới hỏi thăm, chia sẻ từ sau khi anh về nhà
|
Anh Hoàng Đình Thịnh và bố
|
Anh Hoàng Ánh Văn
|
Nguyễn Tiến Đoàn có dự định sau tết sẽ xin đi làm điện, công việc mà anh đã từng làm trước đây
|
Bình luận (0)