Gặp những chàng trai đam mê nghề làm lân

Tấn Đạt
Tấn Đạt
28/12/2019 14:03 GMT+7

5 năm, 10 năm, 15 năm là những con số mà các chàng trai này đã theo đuổi nghề làm lân cho đến bây giờ.

Gần đến tết, nghề làm lân lại nhộn nhịp hơn, họ phải tranh thủ thức sớm làm khuya để kịp tiến độ cung cấp sản phẩm cho thị trường.
 

Đam mê từ nhỏ

Cái nắng trưa trời như được dịu lại trong tôi vì lon nước ngọt của anh Bạch Chí Hùng, 36 tuổi, chủ cơ sở làm lân Thuận Anh Hãng, Q.Bình Tân, TP.HCM vừa mời tôi uống. “Ở đây có mấy anh em làm à, vừa làm vừa đi múa lân kiếm tiền thêm. Mấy ngày gần tết phải làm xuyên đêm để có sản phẩm kịp cho khách hàng”, Anh Hùng nói.
Nếu tính đến năm 2020, nhóm của anh Hùng đã 20 năm theo nghề làm lân sư rồng. “Từ nhỏ đã mình đã đi theo đoàn múa lân rồi, lúc 5 - 6 tuổi hay lấy mấy cọng kẽm, gỗ 'thiết kế' thành đầu lân, rồi lấy giấy báo dán chơi”, anh Hùng tâm sự.
Chúng tôi đi sâu vào bên trong, những đầu lân được treo lủng lẳng đủ màu sắc. “Bên mình đủ loại rồng, lân, sư có kích thước khác nhau, nặng nhất là 6 kg thấp nhất là 2,5 kg, có giá dao động từ 2 đến 3 triệu động. Ít nhất 5 ngày để hoàn thành một đầu lân, gồm những công đoạn như định hình đầu lân, vẽ màu, lên lông... khâu nào cũng khó, nghề này làm thủ công nên cần phải siêng năng và tỉ mỉ”, anh Hùng chia sẻ.
Anh Bạch Chí Hùng cho biết vật liệu chính làm đầu lân là mây và tre. Cây mây phơi khô, chẻ nhỏ, vót mịn có độ dẻo cao nên dễ uốn. Tạo bộ khung là công đoạn quan trọng nhất, quyết định hình hài, độ bền của đầu lân. Việc này cần tay nghề cao và chỉ làm thủ công thôi.
Người làm thuê, kẻ làm mướn nhưng chung quy là những chàng trai này có đam mê từ nhỏ với nghề làm lân. Đối với họ, nghề làm lân là một nghề “ăn” sâu vào máu, không thể nào bỏ được.

Cầu kỳ nhất là may đuôi lân

Ngồi một góc trước nhà tại cơ sở của anh Thế hùng, Trương Quốc Phong, 15 tuổi cẩn thận dán từng miếng giấy lên đầu lân đã được đình hình sẵn, đây là công đoạn thứ hai trong quá trình làm lân.
Anh Ngô Diệp Trường Khánh, 29 tuổi cho biết, nghề này phải đi phục vụ cho người dân nên việc ăn tết xa nhà là điều phải chấp nhận Ảnh: Tấn Đạt

Anh Ngô Diệp Trường Khánh, 29 tuổi cho biết, nghề này phải đi phục vụ cho người dân nên việc ăn tết xa nhà là điều phải chấp nhận

Ảnh: Tấn Đạt

“Em đi theo nghề này được 5 năm rồi, hiện tại em chỉ làm công đoạn dán giấy, lâu lâu thì em phụ mấy anh ở các công đoạn khác. Bên em hay dùng giấy carton, giấy báo... để dán. Khó nhất là những chỗ gồ ghề phải dán cẩn thận, nếu bị nhăn phải làm lại. Dán giấy xong thì phải mang ra phơi cho khô”, Quốc Phong tâm sự.
Ngồi gần đó là anh Ngô Diệp Trường Khánh, 29 tuổi, đang cần mẫn với từng nét vẽ của mình. Anh Khánh cho biết bản thân đã “rung động” với nghề trong một lần tình cờ thấy người ta biểu diễn múa lân, tính đến nay anh đã theo nghề gần 15 năm.
Anh Khánh chia sẻ công đoạn anh đảm nhận ở cơ sở này là vẽ đầu lân, đây là giai đoạn quyết định “tính cách” của con lân buồn, vui hay giận dữ. Tùy theo sở thích của mỗi người mà người ta chế tác nên. Hoa văn trên đầu lân mỗi năm mỗi khác chủ yếu do người vẽ sáng tạo hay không.
“Cặp mắt của lân là nơi quyết định thần thái của nó. Cho nên công đoạn vẽ mắt lân đòi hỏi đôi tay tài hoa, phải làm sao cho nổi bật, màu sắc đẹp. Dữ là màu đen, viền mắt màu đồng, mắt hiền thì viền màu hồng, màu đỏ”, anh Khánh cho biết.
Ngồi kế bên là anh Dương Chí Dũng, 27 tuổi đang trang trí mắt, miệng, tai con lân để tạo điểm nhấn.
“Lân đẹp là những con có đôi mắt và bộ râu thể hiện được uy quyền. Đầu lân thường trang trí bằng lông cừu hoặc lông thỏ”, anh Dũng cho biết.
Anh Dũng tâm sự: “Hồi đó đi xem múa lân mê dữ lắm rồi bén duyên luôn, cứ đi theo “đuôi” mấy anh trong nghề kêu ảnh dạy múa rồi dạy làm lân, đến nay 10 năm rồi đó”.
Trương Quốc Phong, 15 tuổi cho biết đã theo nghề 5 và đang cố gắng từng ngày để “bằng anh, bằng chị”. Ảnh: Tấn Đạt

Trương Quốc Phong, 15 tuổi cho biết đã theo nghề 5 và đang cố gắng từng ngày để “bằng anh, bằng chị”.

Ảnh: Tấn Đạt

Anh Dũng còn cho biết cầu kỳ nhất là may đuôi lân. Chất liệu may thường là vải kim sa rồi gắn lông, đính kim tuyến... để trang trí. Một bộ đuôi dài 2,5 m được may bằng vải kim sa vì sử dụng loại vải kim sa lấp lánh sẽ tạo ấn tượng khi biểu diễn dưới ánh nắng mặt trời cũng như dưới ánh điện, ánh trăng.

'Mình đi làm thì họ ăn tết, còn mình ăn tết thì họ đi làm'

Để bám trụ được với nghề làm lân, những chàng trai này còn phải đi diễn xuyên tết nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Họ thường múa lân cho các chùa, miễu, doanh nghiệp ở Sài Gòn và các tỉnh thành lân cận.
Anh Bạch Chí Hùng tâm sự: “Nhu cầu thuê đội lân múa vào những ngày lễ đặc biệt là tết rất là cao, anh em ở đây đi diễn xuyên suốt từ ngày 29 đến 15 tết. Mình đi làm thì họ ăn tết, còn mình ăn tết thì họ đi làm”.
 Tùy vào ý tưởng, người làm có thể sáng tạo ra nhiều đầu lân khác nhau qua mỗi năm. Ảnh: Tấn Đạt

Tùy vào ý tưởng, người làm có thể sáng tạo ra nhiều đầu lân khác nhau qua mỗi năm

Ảnh: Tấn Đạt

Nói tới đây, bỗng nhiên ánh mắt anh Hùng đượm buồn. “Cảm giác ăn tết xa nhà này quen rồi, bây giờ ai kêu đi múa lân là mừng lắm. Nếu ngày nào mà diễn ở Sài Gòn thì còn chạy về nhà thăm vợ con xong đi tiếp, còn diễn ở tỉnh thì phải mất 2, 3 ngày”, anh Dũng chia sẻ.
Anh Bạch Chí Hùng bộc bạch: “Có khi buồn quá vợ dắt hai con về quê ngoại còn mình thì đi diễn, đến mùng 7 tết thì lên lại cho con cái đi học”.
Tiếp lời anh Chí Hùng, anh Ngô Diệp Trường Khánh tâm sự: “Mấy năm đầu tiên mới vào nghề, thấy gia đình người ta đi chơi tết tự nhiên tủi thân gì đâu. Còn bây giờ thì đỡ rồi, đi chung với mấy anh em cũng vui lắm, đi phục vụ cho mấy người dân coi, mỗi khi họ vỗ tay thì cũng quên đi nỗi buồn, nhớ nhà”.
“Diễn xuyên suốt ngày này qua ngày kia, ăn cơm vội, ăn cơm lề đường, ăn cơm trên xe là những gì thường diễn ra với mấy anh em. Đến ngày 15 tháng giêng chính là những ngày tết của tụi mình, lúc đó anh em mới được về nhà, được nghỉ ngơi, được đi chơi với gia đình”, Anh Trường Khánh tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.