Những ngày này, khi tình hình dịch Covid-19 ở H.Kinh Môn (Hải Dương) phần nào được kiểm soát, chị Tống Thị Loan (36 tuổi, nhân viên Trạm y tế xã Phạm Thái, TX.Kinh Môn), mới có thời gian hồi nhớ lại giai đoạn đầu khi dịch bệnh bùng phát.
Làm đến ngất lịm
“Ngày 27.1, thông tin về dịch Covid-19 phát sinh ở TP.Chí Linh, chúng tôi cảm thấy khá lo lắng. Đó là địa bàn giáp ranh với Kinh Môn, người dân qua lại, gặp gỡ, làm việc với nhau nhiều. Đến ngày 28.1 thì tôi nhận nhiệm vụ đi truy vết người tiếp xúc với nữ công nhân Công ty Poyun ngụ trên địa bàn”. Chị Loan gạt nhanh khỏi đầu suy nghĩ lo lắng với dịch bệnh để nhận nhiệm vụ chống dịch mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Phạm Thái cũng như Trung tâm y tế TX.Kinh Môn giao phó.
“Những ngày đầu, khối lượng công việc nhiều lắm. Nhận được thông tin về ca bệnh là chúng tôi phải cấp tốc truy vết F1, F2, F3. Không những vậy, vì lực lượng mỏng, chúng tôi còn phải trực ở chốt kiểm soát, đi phun khử khuẩn, theo dõi cách ly tại nhà và tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm (XN)... Chúng tôi làm việc không quản ngày đêm, có hôm không kịp ăn”, chị Loan chia sẻ.
Chuỗi ngày làm việc dài, căng thẳng và ăn nghỉ thất thường khiến chị Loan và nhiều đồng nghiệp đuối sức. Chiều 2.2, khi đang lấy mẫu XN Covid-19, chị Loan đã ngất lịm đi. “Lúc đó đầu tôi quay cuồng, mắt tối sầm lại rồi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì tôi đã ở Trạm y tế xã Phạm Thái”, chị Loan nhớ lại.
Hình ảnh chị Loan ngất được chiến sĩ công an bồng trên tay đưa về trạm y tế xã đã gây xúc động mạnh với dư luận cũng như lột tả được phần nào sự vất vả của những người ở tuyến đầu chống dịch.
Nghỉ ngơi được vài tiếng, chị Loan lại lao vào công việc. “Thời điểm đó, người nhiễm Covid-19 nhiều nên F1, F2 rất lớn. Mỗi người phải cố làm bằng 2, 3 người khác, nhất là đội ngũ y tế”, chị Loan tâm sự.
Đến nay, chị Loan đã xa gia đình 1 tháng để chống dịch. “Tôi có 2 con nhỏ, cháu bé mới được 17 tháng chưa kịp cai sữa. Bố mẹ hai bên đều lớn tuổi, chồng tôi vẫn đi làm hằng ngày. Dịch lại xảy ra vào đúng dịp tết, tôi vì bận công tác nên không về nhà được. Nhiều khi nghĩ đến bố mẹ và chồng con, nước mắt cứ rơi vì lo lắng, nhớ thương. Nhưng chống dịch là điều quan trọng nhất, phải vượt qua”, chị Loan xúc động.
Đêm giao thừa vừa rồi, chị Loan bận làm nhiệm vụ trong khu cách ly. “Khi đó, tôi chỉ mong ước dịch bệnh sớm qua mau để người dân được sinh hoạt, lao động, sản xuất bình thường. Những cán bộ y tế như tôi được về để chăm lo cho gia đình”, chị Loan trải lòng.
|
Sức làm việc bền bỉ
Đang nuôi con nhỏ, dáng người thấp bé nhưng sức làm việc bền bỉ, kiên cường là những gì đồng nghiệp ấn tượng về Vũ Thị Huyên, nhân viên Phòng XN, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương. Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương, Huyên gói đồ đạc, gửi con về quê H.Kim Thành nhờ ông bà nội, ngoại chăm nuôi.
“Chồng tôi công tác ở Đội cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương đi công tác, trực suốt từ đầu dịch, cả tuần cả tháng không thể ghé qua nhà. Ngày 25.1 đưa con về quê, đến ngày 27.1, tôi bắt đầu tham gia chống dịch Covid-19 cùng đồng nghiệp vào tâm dịch ở TP.Chí Linh”, chị Huyên kể.
Là cử nhân XN, công việc hằng ngày của Huyên là làm việc tại Phòng thí nghiệm ở CDC Hải Dương, thực hiện các XN PCR tìm SARS-CoV-2.
Sau TP.Chí Linh, dịch Covid-19 liên tiếp xảy ra tại các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Bình Giang..., khối lượng công việc của các nhân viên XN ở CDC Hải Dương từ một vài nghìn mẫu XN đã “nhảy” lên đến cả chục nghìn, lượng mẫu tăng chóng mặt. Bộ Y tế phải điều lực lượng tăng cường hỗ trợ cho CDC Hải Dương. Hiện mỗi ngày Huyên cùng các đồng nghiệp phải XN 30.000 - 40.000 mẫu. Công việc lúc nào cũng căng thẳng nhưng phải đảm bảo chính xác, nhanh về tiến độ để giúp địa phương sớm có thông tin về các ca bệnh, kịp thời bao vây, khoanh vùng các ổ dịch trong cộng đồng.
Dù nhà ở ngay TP.Hải Dương nhưng Huyên quyết định ăn ngủ tại cơ quan, sát cánh cùng đồng nghiệp làm việc không kể ngày đêm. Đồng nghiệp chứng kiến, ngồi làm việc liên tục nhiều giờ ở phòng thí nghiệm, Huyên căng thẳng, khi bước ra ngoài thì choáng váng vấp ngã thâm tím mặt.
Nhưng hình ảnh khiến đồng nghiệp ở CDC Hải Dương xúc động nhất là trong ngày 22.2 vừa qua - là ngày con trai sinh nhật 2 tuổi, Huyên chỉ kịp mua tặng con món đồ chơi nhỏ nhờ người mang về quê rồi gọi điện chúc mừng sinh nhật con. Mãi cho đến ngày 24.2, điện thoại từ quê báo con sốt cao, co giật phải nhập viện, Huyên mới rời phòng thí nghiệm để vào viện chăm con.
“Cháu sốt nằm li bì, lúc nào tỉnh thấy mẹ ở bên, lại gọi: Mẹ yêu, mẹ yêu! Những ngày ở cơ quan, tôi cũng nhớ con quay quắt nhưng rồi lại nghĩ, quê hương đang dịch bệnh, đồng nghiệp từ Cần Thơ, Bến Tre tình nguyện đến đây. Họ cũng có con nhỏ, có gia đình mà tết vẫn phải xa nhà làm việc. Mình cũng cố nén lại tình cảm riêng tư, gạt sang một bên để hoàn thành nhiệm vụ, mong đến ngày đẩy lùi dịch bệnh”, chị Huyên nói.
Bình luận (0)