Gây áp lực lên ASEAN là thiếu khôn ngoan

15/08/2012 03:25 GMT+7

Nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc gây áp lực lên ASEAN để đạt lợi thế trên biển Đông thể hiện chính sách xâm lấn và tự gây khó cho mình.

Tự làm xấu mình

Với kim ngạch thương mại song phương lên đến 230 tỉ USD năm 2010, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác lớn thứ ba của nước này. Ngoại trưởng Singapore K.Shanmugam vì thế phát biểu trên báo chí ngày 13.8 rằng: “Tất cả các thành viên ASEAN coi Trung Quốc là đối tác quan trọng”.

 Không quân Singapore, Indonesia, Thái Lan đã tham gia tập trận Pitch Black với các đồng minh của Mỹ ở Darwin, Úc
Không quân Singapore, Indonesia, Thái Lan đã tham gia tập trận Pitch Black với các
đồng minh của Mỹ ở Darwin, Úc - Ảnh: Mindef

Thế nhưng, những hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông và nghi vấn nước này tác động vào quá trình ra quyết định của ASEAN khiến thế giới hết sức quan ngại.

Chuyên gia Yang Razali Kassim từ Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore nhận định: “Những gì Trung Quốc đã làm chỉ gây quan ngại sâu sắc hơn về một cường quốc đang lên có chủ trương xâm lấn”. Ông Kassim cho rằng Trung Quốc đang áp đặt ý đồ của mình lên ASEAN và biến biển Đông thành một điểm nóng mà khối phải đương đầu. “Con đường phía trước trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc vì thế sẽ khó khăn hơn”, ông Kassim cảnh báo trên Tập san ASEAN.

Trong tình thế đó, để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc, theo ông Kassim, ASEAN và một số thành viên trong khối sẽ phải thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước khác như Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Về mặt quân sự, một số quốc gia có thể sẽ tìm đến Mỹ và các cường quốc phương Tây mà họ từng có quan hệ để tìm sự cân bằng trong chính sách quốc phòng. Việc Singapore cho phép Mỹ tạm trú luân phiên 4 chiến hạm cận bờ, bắt đầu từ năm 2013, có thể được xem là một ví dụ.

Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường chính sách công Lý Quang Diệu, viết trên Project Syndicate: “Trung Quốc có thể hoan hỉ bởi việc Hội nghị ASEAN không ra được thông cáo chung vì vấn đề biển Đông, nhưng nước này đã đánh mất 20 năm tích dồn thiện chí”. Theo ông, việc Trung Quốc bị cho là cố tình chia rẽ ASEAN đã tạo cho Mỹ cơ hội địa chính trị tốt nhất có thể trong khu vực, mà “nếu còn sống, Đặng Tiểu Bình sẽ phải quan ngại sâu sắc”.

Cùng nhận định này, nhà báo lão thành Chin Kah Chong, người am hiểu về Trung Quốc, nói với Thanh Niên: “Nếu là lãnh đạo Trung Quốc, tôi sẽ không bao giờ gây khó cho ASEAN”. Lập luận của ông Chin là Trung Quốc vốn tự nhiên đã có lợi thế về văn hóa và địa lý trong quan hệ với ASEAN. Do đó, áp bức kinh tế lên một số quốc gia và gây chia rẽ nội bộ ASEAN, Trung Quốc chỉ tự hủy hoại uy tín và đẩy ASEAN về phía khác.

Củng cố ASEAN

Việc ASEAN đưa ra bản Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông ngày 20.7 cùng quyết tâm đạt được Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) trong năm nay đã củng cố niềm tin về sự thống nhất trong khối sau khi không ra được thông cáo chung trong hội nghị ở Campuchia.

Các nhà ngoại giao ASEAN cũng đều lên tiếng kêu gọi đoàn kết để bảo vệ sức mạnh và vai trò trung tâm của khối. “Xây dựng một ASEAN vững mạnh, gắn kết và tự chủ là một mục tiêu trong chính sách ngoại giao của chúng ta. Chỉ một ASEAN thống nhất mới có thể đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối các cường quốc vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”, Ngoại trưởng Singapore Shanmugam phát biểu.

Về mặt tổ chức, Giáo sư Amitav Acharya, chuyên gia về Đông Nam Á từ Trường American Univeristy (Washington), cho rằng ASEAN cần cải thiện năng lực phân tích của Ban thư ký (BTK), bởi “năng lực này giúp các quan chức trong ban nhận ra một vấn đề đang nóng bỏng để chuẩn bị giải pháp đối phó hoặc cảnh báo các thành viên”. Theo ông, hiện tại BTK ASEAN có phần lỏng lẻo và “chúng ta không thể mong đợi vận hành trơn tru một tổ chức khu vực với một BTK yếu”, ông cảnh báo trong cuộc phỏng vấn với báo The Nation.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, người Thái Lan, cũng nhìn nhận thách thức này. Từ tháng đầu năm 2013, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh sẽ đảm nhận vị trí Tổng thư ký ASEAN trong 5 năm.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Trung Quốc bàn chuyện biển Đông với 3 nước ASEAN
>> ASEAN ủng hộ ứng viên Tổng thư ký ASEAN của VN
>> Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ASEAN
>> ASEAN cần đoàn kết trước nhiều thách thức
>> ASEAN công bố Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông
>> Trung Quốc làm khó ASEAN ?
>> Trung Quốc lộ rõ mưu đồ ở biển Đông
>> Phản đối Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông
>> Hoạt động trên Biển Đông cần tuân thủ luật quốc tế
>> Mâu thuẫn Mỹ - Trung và vấn đề biển Đông
>> Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.