Gegen-pressing giống như... Độc cô cửu kiếm

01/12/2021 19:56 GMT+7

Gegen-pressing là một sản phẩm của bóng đá Đức. Gegen trong tiếng Đức nghĩa là “chống lại”, còn pressing là “gây áp lực”. Chuyển ngữ sang tiếng Anh là counter-pressing.

Ai thích tiểu thuyết Kim Dung đều biết một thứ kiếm pháp vô địch gọi là Độc Cô Cửu Kiếm. Người nghĩ ra kiếm pháp này là Độc Cô Cầu Bại – cả đời ông chỉ mong được một lần thất bại! Trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ” thì Phong Thanh Dương truyền lại thứ kiếm pháp vô địch này cho gã đồ tôn Lệnh Hồ Xung. Truyện rất hay. Còn vấn đề của người đọc là phải xem đi xem lại mới cảm nhận rõ cái hay ấy. Gegen-pressing trong bóng đá đỉnh cao rất tương đồng với Độc Cô Cửu Kiếm!

Dấu chấm hết của 'vị vua' Ronaldo ở Manchester United?

Gegen-pressing là gì?

Gần trăm năm qua, đã có khái niệm counter-attack, nghĩa là phản công (attack là tấn công). Bạn bị đối phương đánh đấm túi bụi mà không đỡ được thì phải làm sao? Bạn… không đỡ nữa, vì: hoặc là đỡ không nổi, hoặc là cứ phải đỡ mãi cho đến trúng đòn, chứ không có cơ hội đánh lại. Giải pháp táo bạo: bạn đánh luôn, ngay khi chính mình đang bị đánh. Đánh khi mà ai cũng ngỡ rằng đáng lẽ bạn phải đỡ. Đấy là phản công.

HLV Ralf Rangnick được ca tụng vì gắn chặt với triết lý Gegen-Pressing

Reuters

Quá khó, dĩ nhiên rồi. Vì bạn yếu thế, vì chính bạn cũng đang no đòn, và vì nhiều lẽ khác nữa. Nhưng chỗ cốt lõi là tính bất ngờ cao độ, từ đó xác suất đánh trúng đòn của bạn tăng lên rất cao. Xin được lưu ý chi tiết “bất ngờ”. Đối phương chưa hoặc không thể sẵn sàng chống đỡ, nên trúng đòn.

Gegen-pressing cũng vậy: bạn chơi pressing ngay khi chính bạn đang bị đối phương pressing, tức là gây áp lực. Vì họ gây áp lực mà bạn mất bóng. Nhưng: đáng lẽ một đội mất bóng phải lùi về ổn định tư thế phòng thủ, thì bạn không làm như vậy. Bạn lập tức pressing lại. Như thế có vẻ là “tự sát”, vì cự ly đội hình của bạn đã tan hoang, không phòng thủ được. Vì trong tình huống trước đó, và ngay bây giờ, bạn đều không ở tư thế phòng thủ.

Nhưng, bất ngờ ở chỗ đối phương không kịp trở tay. Đấy đáng lẽ là khoảnh khắc bạn phải lo triển khai thế thủ và đối phương dễ dàng chuyền những đường đầu tiên của pha tấn công mới (chưa có gì là nguy hiểm). Khả năng cao là bạn sẽ nhanh chóng giành lại được quả bóng. Bằng không thì… sẽ tính tiếp, bởi đối phương vẫn chưa kịp triển khai bài bản gì.

Bỏ qua những chỗ thừa thãi

Triết lý của Gegen-pressing là đối phương không thể dễ dàng triển khai đường chuyền đầu tiên, thì làm sao có được đường chuyền cuối cùng để mà ghi bàn?

Trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, Lệnh Hồ Xung chỉ biết dùng các chiêu thức rất tầm thường của Hoa Sơn Kiếm Pháp, và dĩ nhiên là không thể đánh lại cao thủ Điền Bá Quang, qua lại vài chiêu đã thua. Phong Thanh Dương dạy Lệnh Hồ Xung đánh khoảng chục chiêu tầm thường mà hắn đã biết, theo một thứ tự định sẵn. Hắn làm theo, và Phong lão quát ngay “đồ ngu”!

Mấu chốt là chiêu trước chém từ trên xuống trong khi chiêu sau đâm ngang ở tầm cao trung bình. Tại sao cứ phải đợi cho đường kiếm đi hết từ trên xuống dưới rồi mới co tay lại, triển khai chiêu sau? Khi chém chưa hết chiêu trước thì thật ra đã xong việc rồi, kiếm vừa xuống đến tầm cao trung bình thì phải thuận tay đâm luôn chiêu sau. Làm như vậy, sẽ bỏ qua được phần sau của chiêu trước và phần trước của chiêu sau, vốn đều là những đoạn thừa. Hai chiêu tầm thường nhập lại thành một chiêu hay và mới hơn. Thế là, từ chỗ khác biệt về đẳng cấp như League 2 so với Premier League, Lệnh Hồ Xung đã đem các chiêu thức tầm thường của Hoa Sơn Kiếm Pháp ra đấu ngang ngửa với khoái đao vô địch của Điền Bá Quang.

HLV Juergen Klopp đang thành công với triết lý Gegen-Pressing tại Liverpool

REUTERS

Gegen-pressing bỏ được “phần thừa” trong cách chơi là lùi về triển khai thế thủ, vì khi họ lập tức ập vào tranh bóng thì đối phương không thể tấn công ngay, nên đâu cần triển khai thế thủ! Đây là vấn đề ý tưởng, chứ chưa hề có bài bản hay chiêu thức gì, cầu thủ cũng chẳng cần đẳng cấp kỹ thuật cao để thực thi. Cũng như thứ kiếm pháp tầm thường của phái Hoa Sơn mà hễ được dùng đúng cách thì ngang ngửa với mọi cao chiêu!

Vô chiêu thắng hữu chiêu

Nhận ra rằng gã đồ tôn rất thông minh và phù hợp với “phương pháp huấn luyện” của mình, Phong Thanh Dương bèn đem toàn bộ Độc Cô Cửu Kiếm ra truyền cho hắn. Về sau, Lệnh Hồ Xung đánh đâu thắng đấy, ngay cả các đệ nhất cao thủ cũng chỉ hiểu được rằng đấy là kiếm pháp do Phong Thanh Dương truyền lại, chứ không ai hiểu rõ vì sao kiếm pháp ấy tinh diệu như thế. Xem, chứ không học được. Chỗ mấu chốt là Lệnh Hồ Xung tùy nghi sử dụng thanh kiếm, đánh chưa hết chiêu này thì lại chuyển sang chiêu khác, có khi không cần theo chiêu thức gì. “Vô chiêu thắng hữu chiêu”. Mọi chiêu thức trên đời đều có cách hóa giải. Chỉ khi đối phương không hiểu bạn đánh chiêu gì, muốn tấn công vào đâu, thì mới không đỡ được. Nhưng, Độc Cô Cửu Kiếm vẫn có chiêu thức, vẫn có khẩu quyết, chứ đâu phải muốn đánh thế nào cũng được!

Gegen-pressing là một cách chơi mà trong đó cầu thủ cứ việc ập vào tranh chấp để đoạt lại quả bóng, hoặc ít ra là gây áp lực không cho đối phương triển khai đường chuyền theo đúng cách mà họ muốn. Vậy là không cần bài bản, chiến thuật? Không đúng. Phải có chứ. Tập kỹ là đằng khác. Vấn đề ở đây là phải hiểu rõ nguyên lý của lối chơi này, chứ không phải cứ tập như máy. Cầu thủ tấn công cứ túa lên tranh chấp ác liệt, vây chặt đối thủ vừa có bóng, thì cầu thủ phòng ngự phải làm gì để dự trù tình huống gegen-pressing… không thành công? Đối phương mà thoát và tấn công được, thì bạn phải phòng thủ với 3-4 người (thay vì phòng thủ bằng cả đội) như thế nào? Hoặc nếu gegen-pressing thành công, thì phải làm gì cho tình huống tiếp theo?

Người đánh “vô chiêu” không phải là người không biết chiêu nào, mà là người đã thuộc lòng mọi chiêu thức, chỉ tùy nghi sử dụng hoặc sáng tạo.

Tập cật lực, e còn chưa đủ!

Gegen-pressing hay ho như vậy, HLV Ralf Rangnick được ca tụng vì gắn chặt với triết lý hay ho ấy, vậy sao cả đời ông chẳng có danh hiệu gì đáng kể, ngoài một lần đoạt cúp quốc gia? Được xem là những người chịu ảnh hưởng rõ nét, và đều khâm phục ông, các HLV như Juergen Klopp hoặc Thomas Tuchel thì lại thành công vang dội. Vì họ hiểu triết lý ấy và có điều kiện áp dụng thành công. Còn bản thân Rangnick chưa hề dẫn dắt đội nào “xem được”, cầu thủ hiểu ông đến đâu, cũng không dễ nói.

Chelsea (áo xanh) với triết lý Gegen-Pressing do HLV Tuchel áp dụng đang ngự trị trên đỉnh Ngoại hạng Anh

REUTERS

Rất nhiều cầu thủ do chính Chelsea đào tạo đang bay bổng trong lối chơi của Chelsea. Họ không phải là ngôi sao sáng giá. Họ giống như những chiêu thức tầm thường, được Lệnh Hồ Xung sử dụng một cách tinh vi. Cầu thủ Liverpool trong tay Klopp lại là dạng khác. Ông ký lại hợp đồng với gần như toàn đội, thay vì mua sắm ngôi sao. Vì đấy đã là các cầu thủ phù hợp nhất với Klopp, với cách chơi của ông. Klopp mất thời gian rất lâu trước khi mua Virgil Van Dijk. Mua cho bằng được, chứ không mua ngôi sao khác, vì ông chỉ thấy mỗi Van Dijk phù hợp với lối chơi của mình. Cũng như cả đời Phong Thanh Dương không thấy ai hiểu rõ Độc Cô Cửu Kiếm, cho tới khi tình cờ gặp Lệnh Hồ Xung.

Người ta đọc thoáng qua, và nghĩ ngay rằng lối chơi Gegen-pressing đòi hỏi thể lực ghê hồn. Kỳ thực, chạy như thế nào mới là vấn đề. Loài hươu phải chạy để sống trong khi loài báo phải chạy để có miếng ăn. Chạy để gây áp lực, để đuổi theo quả bóng, để chiếm lĩnh khoảng trống… đều rất khác nhau. Phải tập rất công phu, mà có khi như thế còn chưa đủ. Khi HLV Thomas Tuchel (Chelsea) bình luận rằng chưa thấy đường nét nào của Rangnick trong cách chơi của M.U, thì đấy chỉ chắc là cách… nói đểu! Đã có hơi hướng Gegen-pressing thế nào được! Phong Thanh Dương sau khi dạy hết Độc Cô Cửu Kiếm, đã dặn kỹ Lệnh Hồ Xung: “Người đã có kiếm pháp vô địch thiên hạ rồi. Hãy siêng năng tập để khoảng… 20 năm sau thì người không còn đối thủ”!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.