Ghi nhận của PV Thanh Niên tại Indonesia: An ninh thắt chặt giữa Palu đổ nát

04/10/2018 11:16 GMT+7

Đường phố vắng ngắt, cảnh tượng hoang tàn khắp nơi, bãi biển không bóng người, những ngôi làng biến mất, đền đài sụp đổ, người Palu đang sống trong những ngày mà họ gọi là tận thế.

Nhắc lại ngày thảm hoạ khi động đất và sóng thần ập đến Palu, anh Ifansasti sống ở rìa làng Balaroa kể lại: “Chỉ nghe một tiếng nổ “roàm", đinh tai nhức óc, rồi trời long đất lở, hàng trăm ngôi nhà đồng loạt bị thụt vào cái hố, biến mất trong nháy mắt, những người sống trong làng hôm ấy đều bị cơn động đất nuốt chửng, chẳng ai kịp trở tay để tháo chạy hay thoát ra được. Bao thế hệ chúng tôi ở đây chưa bao giờ chứng kiến một thảm hoạ như thế”.
Không ai nghĩ đây từng là một điểm nghỉ dưỡng sang trọng ở Talise
Trong những ngày qua, sân bay Palu hoạt động hết công suất, mỗi ngày đưa hơn 1.000 người ra khỏi Palu lánh nạn. Chúng tôi vào thành phố, tìm ra bãi biển Talise một thời nhộn nhịp hàng đầu ở vùng đảo phía nam của Sulawesi. Những con đường ven biển thơ mộng được thay bằng ngổn ngang đất đá, những ki-ốt bán đồ lưu niệm, đồ đi biển, các nhà hàng ăn phục vụ khách du lịch, tất cả đều biến mất. Khách sạn hạng sang, được xây dựng bề thế, kiên cố như Grand Duta, Mercule… đều đổ nát, không bóng người. Cây cầu treo ven đường biển hoành tráng, bề thế, từng là cây cầu vĩ đại và đẹp nhất Talise, giờ gãy nát, nằm chỏng chơ như một đống sắt vụn.
[VIDEO] Hậu thảm họa kép Indonesia: Tranh đấu mưu sinh mỗi ngày
Những gì còn lại của cây cầu dây văng lớn nhất Palu
Toàn thành phố bị cắt điện, nước, không hàng quán phục vụ. Đến Palu lúc này chỉ có những tình nguyện viên, những người làm công tác cứu hộ cứu nạn, và giới báo chí quốc tế. Ngay từ trung tâm thông tin dã chiến đặt tại sân bay, tình nguyện viên Marthinus khi hay tin chúng tôi từ Việt Nam đến tác nghiệp, đã căn dặn: “Mấy ngày tới sẽ rất vất vả đấy, các bạn đi tác nghiệp, nhớ đừng đến những khu xa vắng mà lại có thanh niên tụ tập, ban đêm đừng nên ra đường một mình vì dễ tạo điều kiện cho các vụ cướp giật, tìm kiếm lương thực và nước uống”.
Lực lượng cứu hộ đến từ Pháp tham gia tìm kiếm nạn nhân sóng thần trong khách sạn Mercure
Thông tin về một nhà tù đổ sập khiến hơn 1.000 tù nhân thoát ra ngoài phần nào khiến chúng tôi có cảm giác bất an khi đến Palu. Nhưng may mắn là suốt hành trình, theo quan sát, chúng tôi nhận ra lực lượng cảnh sát được bố trí dày đặc, nhất là những khu trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng lớn để bảo vệ và ngăn chặn các vụ cướp phá. Ngay trong sáng sớm 4.10, khi đang tác nghiệp gần khu trung tâm mua sắm Ramayana, ngay khi thấy hai thanh niên đi vào khu đổ nát, mở cửa sau chiếc xe Toyota bị kẹt trong đống gạch vụn để tìm đồ đạc, nhóm cảnh sát sáu người đều trang bị súng, áo giáp, dùi cui, đã nhanh chóng tiếp cận, yêu cầu rời đi. Các trạm kiểm soát dã chiến cũng được dựng lên khắp ngả đường, người đi qua được yêu cầu dừng xe kiểm tra đột xuất khi có nghi vấn.
Cảnh sát đến ngay hiện trường khi thấy có dấu hiệu lục lọi đồ đạc ở trung tâm mua sắm Ramayana
Khắp thành phố, những con đường sầm uất với cửa hiệu san sát, giờ im ỉm đóng, do chủ nhân đã di tản sang hai thành phố chính là Makassar và Balikpapan kế cận. Thêm một nguyên do khác, nếu còn ở lại nhà, cư dân cũng ngại mở cửa vì sợ trở thành mục tiêu bị cướp phá, xin đểu.
Nhặt nhạnh những thứ có thể tái sử dụng trong đống đổ nát là công việc mới của thanh niên Palu
Nguồn cung cấp thực phẩm chính ở Palu hiện đến từ nguồn cứu trợ theo các chuyến bay vận tải mỗi ngày, được phân phát đến người dân trên những chuyến xe tải lớn. Công việc cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát vẫn đang được tiếp tục thực hiện gấp rút. Con số thương vong vẫn chưa thể xác định cụ thể, bởi từng ngày, từng giờ, vẫn còn các tử thi được tìm thấy ở hai điểm chính là làng Balaroa và Petobo.
Nạn nhân sóng thần đang trị thương tại bệnh viện Rsud Undata

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.