Giá bắp tăng lên từng ngày

07/03/2022 15:34 GMT+7

Suốt nhiều năm liền diện tích trồng bắp tại Việt Nam giảm mạnh do không thể cạnh tranh với bắp nhập khẩu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá bắp nhập khẩu tăng cao, nguồn cung đứt gãy do chi phí vận chuyển tăng, bắp nội địa lại được dịp lên ngôi.

Bắp (ngô) là nông sản hiếm hoi tại Việt Nam tăng giá mạnh từ đầu năm đến nay

quang thuần

Sáng 7.3, nhiều trại bắp ở khu vực Tây Ninh, Kon Tum, nhiều chủ vườn bắp đã thông báo giá bắp Mỹ tăng lên 7.500 đồng/kg, bắp nếp cũng tăng lên 8.000 đồng/kg, mức tăng gần 1.000 đồng so với tuần trước và nếu so với cùng thời điểm năm trước thì giá bắp đã tăng gần gấp đôi. Chị Kim Liên, chủ vựa ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) chia sẻ: Giá bắp hiện nay đang tăng mạnh do nguồn cung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hết, nhu cầu thu mua bắp cũng cao hơn so với năm trước.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Xuân Trường - Chủ tịch HĐQT Công ty vật tư nông nghiệp Vino - cho biết: Mấy ngày gần đây nhu cầu mua giống bắp để sản xuất của nông dân tăng rất cao. Công ty chúng tôi sản xuất đến đâu bán hết đến đó, thậm chí xe vận chuyển của các đơn vị bán giống còn xếp hàng chờ sẵn. Năm nay hầu hết các loại cây trồng đều rớt giá, nông dân gặp khó khăn nhưng riêng cây bắp thì giá tăng rất cao.

Bắp là nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguồn bắp nhập khẩu đang chiếm đến 80% nhu cầu của các công ty sản xuất thức ăn trong nước. Từ đầu năm đến nay, ước tính khối lượng bắp nhập khẩu đạt trên 1,67 triệu tấn và kim ngạch nhập khẩu trên 532,7 triệu USD, giảm 1,1% về khối lượng nhưng tăng 39,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ 3 thị trường: Argentina, Ấn Độ và Brazil, chiếm 92,3% thị phần.

Theo Bộ NN-PTNT, giá bắp đã tăng cao từ năm trước nhưng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ngay từ đầu tháng 3, giá nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi lại tiếp tục tăng và lập đỉnh mới, giá bắp tăng lên 738,5 USD/tấn, tăng 18,63% so với tháng trước.

Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ; đồng thời cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến giá bắp và lúa mì trên thị trường thế giới và Việt Nam.

Trước khi xảy ra xung đột giữa Nga - Ukraine, Việt Nam nhập đến 20% lượng lúa mì và khoảng 3% lượng bắp trong tổng lượng nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi từ 2 quốc gia này.

Việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã khiến các doanh nghiệp quay lại trông chờ sản lượng trong nước. Bộ NN-PTNT từng khuyến khích nông dân chuyển đổi một số vùng trồng lúa để chuyển sang trồng bắp nhưng suốt một thời gian dài diện tích bắp cả nước vẫn giảm do không cạnh tranh được với bắp nhập khẩu. Năm 2014 diện tích trồng bắp đạt 1.179.000 ha, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 943.000 ha. Năm 2020, sản lượng bắp thu hoạch trong nước chỉ đạt 4,76 triệu tấn, trong khi khối lượng nhập khẩu lên tới 12 triệu tấn, với kim ngạch 2,39 tỉ USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.