TNO

Giá dầu giảm có lợi cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ

23/01/2015 07:15 GMT+7

(Tin Nóng) Chuyên gia Sadhavi Chauhan (Viện nghiên cứu nâng cao ở Bangalore, Ấn Độ) viết trên báo Asia Times ngày 22.1 rằng giá dầu giảm hoá ra lại giúp củng cố quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ.

(Tin Nóng) Chuyên gia Sadhavi Chauhan (Viện nghiên cứu nâng cao ở Bangalore, Ấn Độ) viết trên báo Asia Times ngày 22.1 rằng giá dầu giảm hoá ra lại giúp củng cố quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ.


Hoạt động khai thác dầu khí của Petro VN và các đối tác - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo tác giả, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã hưởng lợi từ việc giá dầu thô giảm đến 50% kể từ tháng 6.2014, giúp Ấn Độ giảm thâm thủng mậu dịch và lạm phát cũng đỡ căng thẳng.

Tuy nhiên nhà nghiên cứu Kamlesh Kotak (Công ty chứng khoán Thị trường châu Á ở Mumbai) chỉ ra rằng: “May mắn là một điều và tận dụng nó để mang lại lợi ích là điều khác. Mọi người đang chờ xem Thủ tướng Modi có thể biến cơ hội thành lợi thế cho Ấn Độ như thế nào”.

Giá dầu thế giới giảm cũng tạo ra nhiều cơ hội củng cố quan hệ hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ, nước đang có các dự án thăm dò khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

Thứ nhất, Tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ khai thác dầu ở Biển Đông cũng duy trì sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực. Giáo sư Harsh V Pant (Đại học Kings College London, Anh) viết rằng: “Nếu Trung Quốc có thể mở rộng sự hiện diện của họ ở khu vực Ấn Độ Dương thì Ấn Độ cũng có thể làm điều tương tự ở Biển Đông”.

Ngoài ra, mới đây Việt Nam vừa hoàn tất phần khung giàn khoan dầu trị giá 70 triệu USD cho tập đoàn ONGC, phục vụ việc khai thác dầu ở biển Ả rập và đánh dấu lần đầu tiên ngành dầu khí Việt Nam sản xuất được thiết bị quan trọng của giàn khoan dầu cho đối tác nước ngoài.

Thứ hai, Ấn Độ là nước nhập dầu và Việt Nam là nước xuất khẩu dầu, do vậy cả hai có thể hỗ trợ cho nhau. Hiện Ấn Độ nhập dầu từ Ả rập Xê-út và từ Venezuela, châu Phi. Cả hai nơi sau này đều bất ổn, vì giá dầu đang ở mức 50 USD/thùng khiến Venezuela và châu Phi gặp phải bất ổn kinh tế - xã hội trầm trọng.

Như vậy Ấn Độ phải tìm nguồn cung cấp dầu ổn định hơn, trong trường hợp này là Việt Nam. Ấn Độ cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành lọc dầu và đường ống dẫn dầu ở Việt Nam.


Ấn Độ và Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác khai thác dầu khí - Ảnh minh hoạ: Đào Ngọc Thạch

Thứ ba, Ấn Độ là nước có năng lực lọc hoá dầu lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc (thời điểm 2013) thì Việt Nam lại nhập khẩu phần lớn sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Ngành lọc hoá dầu Ấn Độ có thể giúp Việt Nam trong lĩnh vực này, hoặc trong dài hạn hai nước có thể sắp xếp tài chính để Ấn Độ nhập dầu thô từ Việt Nam và sau đó xuất khẩu sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ sang Việt Nam.

Thứ tư, chính phủ Ấn Độ khuyến khích các công ty dầu khí quốc doanh tăng cường tìm kiếm các cơ hội từ ngành dầu khí ở nước ngoài để gia tăng đảm bảo về nguồn cung dầu khí cho Ấn Độ. Điều này cũng sẽ bảo vệ ngành năng lượng trong nước của Ấn Độ khỏi những biến động của giá dầu thế giới.

Báo cáo của ONGC cho biết trong năm 2014, Việt Nam đứng thứ nhì trong khối lượng dầu sản xuất ở nước ngoài của Ấn Độ, chiếm 23% tổng sản lượng của ONGC. Không ngạc nhiên khi ONGC gần đây đạt thỏa thuận có cổ phần tại hai lô dầu khí mới ở Việt Nam.

Thứ năm, Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dầu khí, và ONGC Videsh Limited (OVL) đã đầu tư 360 triệu USD vào 3 lô dầu khí ở Việt Nam.

Không những thế, Việt Nam còn tham gia  khai thác dầu khí chung với Ấn Độ ở nước ngoài, như cùng ONGC khai thác 9 lô gồm 5 lô ở lòng chảo Cauvery (trong đất liền và ngoài biển) và 4 lô ở vùng nước sâu thuộc lòng chảo Andaman-Nicobar.


Giá dầu giảm là lúc tăng cường dự trữ dầu chiến lược tốt nhất. Trong ảnh: Nhà máy hạt nhựa Polypropylen Dung Quất - nhà máy hóa dầu đầu tiên của VN - Ảnh: Hiển Cừ

Cuối cùng, hợp tác dầu khí Việt Nam - Ấn Độ giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu về dự trữ dầu chiến lược. Từ khi Ấn Độ đề ra mục tiêu phải dự trữ dầu chiến lược ở mức 37 triệu thùng cách đây hơn 1 thập kỷ, con số này chưa bao giờ đạt được. Trong khi đó, chi phí đã leo thang và cơ hội để đảm bảo nguồn cung năng lượng của đất nước đã bị lãng phí.

Nay với việc giá dầu giảm mạnh, Ấn Độ phải nhanh chóng nhập nhiều dầu giá rẻ để dự trữ trong vòng vài năm tới. Việt Nam cũng có thể làm tương tự khi phải đối mặt với sự giảm sút đến 65% sản lượng khai thác dầu từ năm 2020.

Tóm lại, khi giá dầu giảm khiến các nền kinh tế lệ thuộc dầu mỏ phải khốn đốn, thì đó lại là cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ và Việt Nam. Theo tác giả, để gặt hái những lợi ích từ tình hình này, hai nước sẽ phải thực hiện các bước thích hợp qua các thỏa thuận về năng lượng cùng có lợi.

Anh Sơn

>> Việt Nam không chỉ đặt hàng 4 tàu tuần tra từ Ấn Độ
>> Ấn Độ sắp thiết kế xong mẫu tàu tuần tra đóng cho Việt Nam
>> Hãng GRSE Ấn Độ sẽ đóng 4 tàu tuần tra loại nhỏ cho Việt Nam
>> Ấn Độ chính thức đào tạo phi công Việt Nam lái tiêm kích Su-30
>> Học giả Ấn Độ: Hải quân Việt Nam đã tiến ra biển lớn
>> Ấn Độ sẽ cung cấp tàu tuần tra và vũ khí cho Việt Nam
>> Ấn Độ giúp Việt Nam kỹ năng sử dụng tàu ngầm, máy bay Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.