Giá điện tăng 15,28%

21/02/2011 09:06 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã chính thức công bố: Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thông qua mức giá điện tăng 15,28% so với bình quân năm 2010, từ ngày 1.3.

CPI sẽ tăng thêm 0,54 - 0,70%

Với mức tăng trên, giá điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.221 đồng/kWh, tăng thêm 165 đồng/kWh. Cũng như năm 2010, Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng giá điện thấp hơn các mức đề xuất của Bộ Công thương (từ 18 - 30,3%) và thấp hơn rất nhiều mức đề xuất của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) (từ 24 - 40%) tương ứng khoảng 1.500 đồng/kWh. Dù chắc chắn giá điện tăng sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như sinh hoạt của người dân, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đây là mức tăng hợp lý.

Theo một quan chức của Bộ Công thương, mức tăng 15,28% là hợp lý, đã có sự tính toán lại dựa trên mức điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ lên 9,3% (mức tăng này cũng tương đương với mức tăng trên 18% nếu quy về tỷ giá cũ). Theo tính toán, việc giá điện bình quân tăng 15,28% sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm khoảng 0,54 - 0,70%.

"Mức tăng 15,28% là hợp lý, nhưng cũng là lần tăng mạnh nhất từ trước tới nay"

Một quan chức của
Bộ Công thương

Trước đó, theo một tính toán phương án tăng giá của EVN, ngay cả khi giá điện năm 2011 tăng khoảng 30%, ngành điện vẫn phải cắt giảm trên 2 tỉ kWh. Mức tăng giá 15,28% đã có sự giảm trừ rất nhiều yếu tố tăng giá của EVN, và ngành than cũng phải chia sẻ, không tăng giá bán than cho điện trong năm nay. Mặt khác, với tốc độ tăng chi phí, tỷ giá như hiện nay, với mức tăng này, EVN có thể lỗ tới 19.000 tỉ đồng trong năm nay.

“Nếu theo tính toán của ngành điện, để không lỗ, thì giá điện phải tăng thêm 62% so với giá hiện hành. Mức tăng thêm 40% như đề xuất của ngành điện, nền kinh tế khó chịu nổi. Mức tăng 15,28% là hợp lý, nhưng cũng là lần tăng mạnh nhất từ trước tới nay, sẽ khó có sự điều chỉnh tiếp giá điện lần thứ hai trong năm nay, vì như thế sẽ tạo sóng rất lớn, trong khi chủ trương của Chính phủ là không để xáo trộn nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô là hàng đầu”, một quan chức của Bộ Công thương phân tích.

Kiểm toán lại EVN xem lỗ ở đâu

Dồn gánh nặng lên toàn xã hội

EVN phải xem xét lại mình, cắt giảm chi phí, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng cho hiệu quả hơn. Không thể cho rằng mức tăng thấp như thế, vẫn sẽ thiếu điện nặng nề và dồn gánh nặng thiếu điện lên toàn xã hội. Điện vẫn là sản phẩm độc quyền, nên người mua không có nhiều quyền lựa chọn. Ngành điện vẫn kêu lỗ dù năm nào cũng tăng giá, nên về lâu dài phải kiểm toán chi phí của ngành điện công khai, xem chi phí ấy có hợp lý không. Vừa rồi theo công bố của ngành điện, đầu tháng 3 sẽ phải cắt giảm điện luân phiên trong khi giá điện sẽ tăng, điều này khó mà thuyết phục nổi người dân ủng hộ việc nâng giá điện.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Nhìn từ góc độ DN sản xuất, theo ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty gỗ Trường Thành, trong hoàn cảnh lãi suất vay ngân hàng đang quá sức chịu đựng của DN, tăng giá điện khiến DN gặp nhiều khó khăn hơn. Cụ thể với gỗ Trường Thành, với mức tăng này, mỗi tháng công ty phải trả thêm 200 - 300 triệu tiền điện, ảnh hưởng giá thành đầu ra dù giá điện tăng mức tăng thấp nhất.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Phương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thép Vạn Lợi, giá điện tăng bao nhiêu đều được tính vào giá thành sản xuất của DN, buộc đầu ra phải tăng tương ứng. Bình quân mỗi tháng công ty chi trả vài tỉ đồng tiền điện, mức tăng giá điện này sẽ kéo chi phí này tăng thêm vài trăm triệu đồng. “Các DN sản xuất, đặc biệt những ngành tiêu thụ nhiều điện như thép, xi măng chắc chắn thời gian đầu sẽ gặp khó khăn. Nhưng tính ra nếu giá thành sản phẩm tăng lên, thì người dân sẽ là người gánh chịu hết”, ông Phương cho biết.

Việc tăng giá điện được xem là động lực thúc đẩy các DN tiêu dùng điện tiết kiệm, sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại hơn. Tuy nhiên, các DN đều khẳng định, không DN nào có thể thay đổi ngay dây chuyền công nghệ thường có tuổi sử dụng trên chục năm, đặc biệt khi phải đầu tư chi phí rất lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Chính phủ đã cân nhắc lựa chọn mức tăng không quá cao như đề xuất của Hiệp hội Năng lượng VN hay EVN. Không chỉ có điện, than, xăng dầu cũng nhấp nhổm tăng, tỷ giá cũng vừa tăng đã làm cho hàng hóa tăng theo đồng loạt. Cũng theo ông Doanh, đây là thời điểm DN và người dân phải tính đến sử dụng điện tiết kiệm, cắt giảm tỷ lệ tiêu hao điện trên một đơn vị sản phẩm trên một đơn vị GDP.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng khẳng định, giá điện không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết việc cung cấp điện.

Hiện Bộ Công thương đang soạn thảo thông tư quy định cụ thể biểu giá điện sản xuất, sinh hoạt, điện thương mại dịch vụ. Nhiều khả năng, giá điện sinh hoạt vẫn sẽ chịu mức tăng cao hơn điện sản xuất, vì điện sản xuất hiện vẫn đang phải bù chéo cho điện sinh hoạt.  

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.