Giá điện tăng, chỉ có EVN hưởng lợi?

Mai Phương
Mai Phương
13/05/2019 17:52 GMT+7

Dù giá điện tăng mạnh trong tháng 3 vừa qua nhưng lợi nhuận nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.

Lãi giảm mạnh hoặc thua lỗ

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất điện đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2019 không khả quan. Cụ thể như Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) chỉ đạt doanh thu gần 136 tỉ đồng, giảm gần 43% so với cùng kỳ năm trước. Điều này kéo theo lợi nhuận sau thuế của VSH bị sụt giảm hơn 51% và chỉ còn 75,7 tỉ đồng so với con số hơn 155,4 tỉ đồng của quý 1/2018. Giải trình về điều này, lãnh đạo VSH cho biết do tình hình thủy văn cuối năm 2018 hạn hán kéo dài khiến sản lượng điện giảm 44% và doanh thu điện giảm 43% so với cùng kỳ. Tương tự, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà (TBC) cũng giảm hơn 37% về doanh thu và giảm gần 43% lợi nhuận sau thuế, còn 45 tỉ đồng. Công ty cho biết do mực nước hồ đầu kỳ năm 2019 thấp và sản lượng huy động phát lưới quý 1/2019 thấp hơn so với cùng kỳ.
Hay Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn (SJD) cũng bay mất 18% doanh số nhưng bị hụt đến 42,4% lợi nhuận sau thuế khi chỉ còn 19 tỉ đồng trong quý đầu năm nay, so với mức lợi nhuận lên 33 tỉ đồng trong quý đầu năm trước. Công ty cho rằng do điều kiện thời tiết nắng hạn, mùa mưa đến muộn nên việc chạy máy phát điện không được thường xuyên do đó doanh thu và lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ.
Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (TMP) giảm lãi 29% còn 47 tỉ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Miền Trung (SEB) giảm lãi 41,5% còn 34,7 tỉ đồng.
Thậm chí, Công ty cổ phần Thủy điện miền Nam (SHP) báo lỗ 13 tỉ đồng dù vẫn đạt doanh thu 74 tỉ đồng; Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHP) báo lỗ 25,44 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 21,4 tỉ đồng… Theo ước tính có khoảng 10 công ty điện niêm yết đã báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm nay thì có đến 8 công ty sụt giảm lợi nhuận và thua lỗ.
Khi giá bán lẻ điện được công bố tăng mạnh trong tháng 3, các công ty chứng khoán cũng khuyến nghị nhà đầu tư chú ý đến nhóm cổ phiếu ngành điện nhưng giao dịch vẫn không mấy sôi động. Giá cổ phiếu nhiều công ty điện đã bị sụt giảm trong thời gian qua như POW - doanh nghiệp có công suất sản xuất đứng thứ 2 trên toàn quốc - hiện giá cổ phiếu ở mức 14.250 đồng/CP, giảm 11% so với cuối năm 2018. Tương tự, giá của TBC đang ở mức 26.050 đồng, giảm so với giá 27.000 đồng/cổ phiếu trong tháng trước; cổ phiếu NT2 cũng chỉ còn 26.850 đồng/CP, giảm gần 10% so với giữa tháng 3…

Doanh nghiệp sản xuất không hưởng lợi?

Từ ngày 20.3 vừa qua, mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng đối với người tiêu dùng là 1.864,44 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Mức giá này được thông báo tăng thêm 8,36% nhưng trên thực tế, người tiêu dùng đã phải chi trả cao gấp nhiều lần khi giá bán lẻ được chia làm 6 bậc lũy tiến và giá cao nhất lên đến gần 3.000 đồng/kWh.
Người tiêu dùng phải chi thêm nhiều tiền cho giá điện từ cuối tháng 3 đến nay Ngọc Dương
Chỉ tính theo mức giá tăng thêm 8,36% như công bố đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỉ đồng. Theo EVN, toàn bộ số tiền này sẽ được chi trả cho chênh lệch giá khí trong bao tiêu gần 6.000 tỉ đồng, EVN sẽ chi trả cho PVGas, chênh lệnh tỷ giá ngoài EVN là hơn 3.000 tỉ đồng, thanh toán cho nhà đầu tư về quyền khai thác tài nguyên nước trong giá điện trước đây chưa có, các chi phí dầu chênh lệch mua điện tăng lên cũng phải thanh toán bổ sung...
Vậy các doanh nghiệp sản xuất điện ngoài EVN có được hưởng lợi hay không? Thực tế, giá bán điện của các công ty ngành điện đã được quy định trong hợp đồng với EVN, nên khi giá điện thành phẩm tăng chưa hẳn sẽ có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất điện. Một doanh nghiệp sản xuất điện giải thích, hiện nay, giá bán điện của doanh nghiệp sản xuất điện cho EVN được thỏa thuận qua từng năm theo biến động chi phí đầu vào. Nhưng kỳ vọng vào việc giá điện tăng để đàm phán lại giá bán này là rất khó. Hơn nữa, giá điện chỉ là một trong nhiều yếu tố làm nên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất điện, vì còn phụ thuộc vào việc có ổn định được sản xuất và tình trạng nợ nần như thế nào... 
Báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt cũng cho rằng, mặc dù các cổ phiếu ngành điện đã phản ứng tương đối tích cực với thông tin về lộ trình tăng giá điện vừa qua. Nhưng việc điều chỉnh tăng giá bán điện sẽ ít có khả năng tạo ra tác động tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất điện do giá bán điện của các công ty trên bán cho EVN chủ yếu được tính dựa trên các yếu tố đầu vào.
Điều này giải thích tại sao nhiều doanh nghiệp ngành điện cũng dè dặt đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mức lợi nhuận thấp hơn dù năm 2018 đạt được những con số vượt kế hoạch đầy ấn tượng. Ví dụ như  Thủy điện Thác Mơ chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận 215 tỉ đồng, giảm hơn một nửa so với 507 tỉ đồng của năm 2018; Thủy điện Thác Bà cũng dự kiến lợi nhuận chỉ đạt gần 137 tỉ đồng, giảm 33%...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.