Gia hạn nợ xấu, không nên đánh đồng

30/04/2013 03:08 GMT+7

Việc Ngân hàng Nhà nước VN tiếp tục cho gia hạn, cơ cấu lại hơn 270.000 tỉ đồng nợ quá hạn là cần thiết, nhưng không thể đánh đồng tất cả các doanh nghiệp. Nếu không, nợ xấu sẽ ngày càng khó xử lý.

Đã gia hạn, cơ cấu 270.000 tỉ đồng

 

20.000 DN giải thể

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh, 4 tháng đầu năm xấp xỉ có 20.000 DN giải thể, trung bình mỗi tháng 5.000 DN, trong khi năm ngoái, số DN giải thể bình quân mỗi tháng là 4.500 DN. Số DN hồi phục, quay lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm khoảng 8.000, trung bình mỗi tháng 2.000 DN.

Theo Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN), trong thời gian qua, các ngân hàng (NH) thương mại đã gia hạn, cơ cấu lại khoảng 270.000 tỉ đồng nợ quá hạn cho các doanh nghiệp (DN). Con số này tương đương khoảng 10% tổng dư nợ. Chính sách này giúp nhiều DN trước khi được cơ cấu, giãn nợ có nguy cơ rơi vào các nhóm nợ xấu cao, được giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục có cơ hội vay vốn, duy trì sản xuất kinh doanh. Đồng thời, toàn hệ thống NH cũng “tránh” được khoảng 7-10% nợ xấu.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo Chính phủ cuối tuần qua, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng xác nhận trong 4 tháng qua dù đã có nhiều giải pháp mới tháo gỡ, nhưng sức khỏe của các DN vẫn hết sức khó khăn, biểu hiện rõ nhất là số các DN giải thể, dừng hoạt động, phá sản đang ngày càng tăng lên.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN khẳng định sẽ tiếp tục cho các NH được gia hạn, cơ cấu lại nợ, bằng cách lùi thời điểm áp dụng Thông tư số 02/2013 về phân loại, trích lập dự phòng rủi ro. Sở dĩ phải lùi vì nếu áp dụng vào 1.6.2013 tới đây, thì tất cả các quyết định trước đó, gồm cả Quyết định 780 cho giãn, cơ cấu lại nợ sẽ không còn hiệu lực. Việc giãn nợ, lùi thời hạn thực hiện thông tư đảm bảo DN có cơ hội tiếp tục được giữ nguyên nhóm nợ, không bị xếp hạng nợ xấu, tiếp tục có thể vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, một khoản nợ xấu tương đương 272.000 tỉ đồng trong hệ thống NH tạm được “treo” lại, bởi các NH không phải phân loại, trích lập thêm một nguồn tiền lớn để dự phòng rủi ro cho các món nợ đã quá hạn theo nội dung quy định tại Thông tư 02.

Cần phân loại DN

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhiều DN, hiện nay chính sách gia hạn, cơ cấu lại nợ vẫn còn đang đánh đồng tất cả các đối tượng, không có tiêu chí rõ ràng, do các NH thương mại tự quyết định. Điều này khiến nhiều DN lẽ ra đủ điều kiện lại không được giãn, cơ cấu lại nợ trong khi nhiều DN năng lực yếu, không còn khả năng trả nợ vẫn được thụ hưởng chính sách. Ông Nguyễn Thanh Sơn, TGĐ Tổng công ty Thương mại Hà Nội đề nghị NHNN nên tiếp tục giãn, cơ cấu lại nợ cho các DN, tuy nhiên cần có sự chọn lọc. “NH cũng cần xây dựng lại tiêu chí đánh giá tín nhiệm của các DN trong điều kiện khó khăn hiện nay, không hạ bậc tín nhiệm để DN có thể tiếp cận vốn”, ông Sơn nói.

Gia hạn nợ xấu, không nên đánh đồng
Cần có sự sàng lọc, với một tiêu chí rõ ràng để gia hạn nợ cho doanh nghiệp - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo thống kê hiện tại, nợ xấu chiếm khoảng 6% dư nợ toàn hệ thống, nhưng như đã nói ở trên, nếu tính thêm 272.000 tỉ đồng, con số thực phải lên tới 15% tổng dư nợ. Thực tế, nợ xấu hiện nay đang ngày càng có xu hướng tăng lên, phản ánh rủi ro tiềm ẩn của hệ thống NH. Cụ thể, tại Cần Thơ nợ xấu tăng từ 1,92% trong năm 2011 lên 3,58% năm 2012 và hết quý 1/2013 là 4,02%. Tại Long An, tỷ lệ nợ xấu chung toàn địa bàn là 3,16% dư nợ, tăng 1,32% so với đầu năm. Đặc biệt, tại TP.HCM, đến cuối tháng 2 năm 2013 nợ xấu trên địa bàn là 50.915 tỉ đồng, chiếm 5,98% trong tổng dư nợ. NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá nợ xấu trên địa bàn hiện đang khá cao, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm 62,8% tổng nợ xấu.

“Hiện nay, NHNN chỉ đưa ra một quyết định chung chung cho phép NH được gia hạn tùy theo năng lực tài chính và dựa trên khả năng trả nợ của khách hàng rất dễ dẫn tới bị lạm dụng, làm sai đối tượng. Nếu không cẩn thận sẽ mất cả chì lẫn chài khi cứ nuôi sống một số DN vốn chỉ còn là xác chết. Vì vậy, mấu chốt ở đây là NHNN phải sớm xử lý dứt điểm được nợ xấu, chứ không phải dùng giấy gói nợ, bởi một khi lửa nợ xấu cháy bùng bởi âm ỉ quá lâu sẽ vô cùng nguy hiểm” - một chuyên gia trong ngành NH chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Hữu Hạnh, Học viện Tài chính đề xuất đối với những khoản nợ xấu nào có lỗi do nguyên nhân chủ quan của NH như thẩm định dự án để cho vay sai, việc quản lý rủi ro cho vay yếu kém, sử dụng tiền đối với các nghiệp vụ nhiều rủi ro như ủy thác đầu tư chứng khoán, cho vay kinh doanh chứng khoán, định giá cho vay bất động sản là quá cao... thì NH phải tự xử lý, dùng quỹ dự phòng để “làm sạch” bảng cân đối kế toán. Riêng các khoản nợ xấu do nguyên nhân khách quan, tức là các NH thương mại đã quản trị rủi ro tốt, hồ sơ thẩm định cho vay đúng mục đích, đánh giá giá trị tài sản thế chấp phù hợp theo giá thị trường và theo quy định pháp lý, trong trường hợp này thì mới tính đến chuyện cho gia hạn, cơ cấu lại nợ.

Tăng trích lập dự phòng rủi ro

Thông tư 02/2013/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2013 quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động tín dụng của các NH. Điểm mới của thông tư là tất cả các tổ chức tín dụng ngoài việc phải phân loại nợ theo 5 nhóm như cũ, còn phải kèm theo các tiêu chí chặt chẽ hơn. Đặc biệt nhiều khoản cấp tín dụng dưới các hình thức như ủy thác đầu tư, cho vay hợp vốn, mua trái phiếu DN chưa niêm yết... phải trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro. Đặc biệt theo thông tư này, kể từ ngày 1.6, Quyết định 780 về việc cơ cấu, gia hạn nợ cho các DN của NH sẽ hết hạn và không được tiếp tục triển khai.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.