Gia Lai: Rừng phòng hộ Kon Chro liên tục bị đốn hạ

20/09/2020 12:20 GMT+7

Nhiều cây gỗ lớn ở rừng phòng hộ đầu nguồn xã Sró, H.Kon Chro (Gia Lai) bị đốn hạ trái phép, trong đó có nhiều cây gỗ dổi, gỗ chò cổ thụ.

Nhiều cây rừng có đường kính 1 - 1,5 m bị đốn hạ

Khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn do UBND xã Sró quản lý liên tục bị lâm tặc rình rập, phá rừng trong thời gian gần đây.
Ngày 16.9, từ trung tâm UBND xã Sró, cách TP.Pleiku hơn 120 km, chúng tôi dùng xe mô tô đã qua độ chế mới có thể đi trên con đường mòn trơn trượt để vào rừng. Tuy nhiên, di chuyển chưa đến 30 phút, chúng tôi phải xuống lội bộ vì đường đi quá khó đi. Và hơn 2 giờ đi bộ mới đến được hiện trường vụ phá rừng.
Tại hiện trường, nhiều cây gỗ lớn bị lâm tặc dùng cưa lốc đốn hạ với đường kính từ 1 - 1,5 m. Xung quanh là nhiều cây gỗ nhỏ bị gãy khi cây lớn bị đốn hạ. Nhiều vết mùn cưa còn mới vương vãi khắp nơi, chứng tỏ vụ phá rừng diễn ra chưa lâu.
Chỉ trong khoảng chưa đến 100 m2, chúng tôi đếm được 6 cây gỗ lớn bị đốn hạ trái phép. Xung quanh khu vực rừng này là nhiều gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ trước đó. Một số gỗ đã bị vận chuyển đi đâu không rõ.

Nhiều gốc cây cổ thụ như thế này đã bị khai thác lậu 

Ảnh: Trần Hiếu

Rừng bị phá nhưng chủ rừng không báo cáo?

 
Rừng phòng hộ đầu nguồn này có tổng diện tích hơn 2.000 ha. Trước đó, vào tháng 3.2020, lâm tặc đã phá rừng ở Tiểu khu 805 với khối lượng gỗ thu được hơn 41 m3, gồm các chủng loại gỗ như chò, dổi, kháo... gây thiệt hại gần 350 triệu đồng. Trong khi cơ quan chức năng còn đang điều tra truy tìm thủ phạm phá rừng thì đến giữa tháng 9, lâm tặc tiếp tục phá rừng ngay tại hiện trường cũ.
 
Ngoài ra, rừng phòng hộ đầu nguồn tại Tiểu khu 845 (xã Đắk Song, H.Kon Chro) cũng bị phá với khối lượng gỗ bị khai thác trái phép hơn 12 m3, gây thiệt hại hơn 92 triệu đồng.

Rừng bị phá trong sự bất lực của cơ quan chức năng

Ảnh: Trần Hiếu

Trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ ở khu vực này nhưng cơ quan chức năng chưa bắt được đối tượng phá rừng nào; còn trong báo cáo của đơn vị chủ rừng là UBND xã Sró lại không hề đề cập đến việc mất rừng trên lâm phần do mình quản lý. Việc để mất rừng ngay tại hiện trường đang được bảo vệ để phục vụ công tác điều tra cần phải đặt dấu hỏi cho trách nhiệm chủ rừng.
Ngày 16.9, thượng tá Đinh Văn Dũng, Trưởng công an H.Kon Chro, cho biết: “Từ đầu năm đến nay đơn vị phát hiện, bắt giữ 19 vụ vận chuyển, tàng trữ gỗ trái phép, thu hơn 22 m3 gỗ xẻ, quy ra gỗ tròn hơn 35 m3. Hầu hết các vụ phá rừng diễn ra trong thời gian dài, khi phát hiện ra vụ việc thì các đối tượng đã bỏ trốn khỏi hiện trường, tẩu tán tang vật vi phạm”. 

Một lượng gỗ không nhỏ đã bị lâm tặc tẩu tán, chỉ còn trơ gốc cây bị đốn hạ

Ảnh: Trần Hiếu

Hiện, Công an H.Kon Chro đang thụ lý điều tra các vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn, đã khởi tố vụ án nhưng chưa bắt được kẻ phá rừng nào. Và vụ phá rừng phòng hộ ở xã Sró là nghiêm trọng nhưng chủ rừng để mất rừng thì vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND H.Kon Chro, nói: "Vụ phá rừng cũ chưa giải quyết dứt điểm mà để xảy ra phá rừng ngay tại hiện trường thì chắc chắn có vấn đề. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý nghiêm những sai phạm. Nếu có sự tiếp tay của chủ rừng hay lực lượng tham gia, sẽ xử lý nghiêm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.