Điều đó cũng chẳng có gì xấu, nếu không nói rằng đó cũng là những cơ hội để người ta hưởng những tiện ích hoặc mua sắm những thứ mà ngày thường không mua. Nhưng ở đây tôi không muốn nói đến khía cạnh kinh tế thị trường, có thể “giá rẻ” cuốn hút người này mà không “dụ” được người kia, vấn đề là ở chỗ: có những thứ “giá rẻ” làm cho người ta tha hồ thể hiện mình là “người xài giá rẻ”, và vô tình chuyện đó trở thành một kết luận ngược lại: người xài hàng rẻ đúng là “người không sang”.
Nói vậy là vì tôi có dịp đi một chuyến bay giá rẻ. Chưa kịp mừng vì số tiền bỏ ra chỉ bằng hơn một nửa giá bình thường, mà vẫn đúng giờ đúng giấc, đi đến nơi về đến chốn, thì tôi đã phải khổ sở vì “tận hưởng” bầu không khí “máy bay chợ”, thay vì “tàu chợ” như người ta thường than thở. Đầu tiên là một đại gia đình (đi máy bay giá rẻ, dù đông người cũng không mấy tốn kém, lại được tiếng là sang), họ í ới, nhốn nháo ngay từ những phút đầu tiên lên máy bay. Khởi đầu là cuộc cãi cọ với tiếp viên về chuyện “không cần cài dây an toàn”, vì khó chịu, vì “tôi đi máy bay hoài, có cài đâu, có sao đâu”! Rồi tiếp đó là trò chuyện, cười nói oang oang, bánh trái, đồ ăn mang theo đem ra ăn uống nhồm nhoàm (vì giá rẻ không có đồ ăn kèm nên phải mang theo, nhưng chỉ hai tiếng đồng hồ trên máy bay, không hiểu sao họ ăn nhiều thế, ăn như lúc ở nhà không thể ăn, và khi xuống sân bay cũng không thể ăn thêm được nữa!). Tiếp đó là những đứa trẻ khóc lóc, càng dỗ chúng càng khóc đã đành, đến khi chúng im, người lớn lại trêu chọc, hù dọa để chúng khóc tiếp… cho vui, mà không biết những vị khách xung quanh đang vô cùng khó chịu. Có người muốn nghỉ ngơi hay đọc sách một chút cũng không thể bởi bầu không khí quá ồn ào. Một anh lên tiếng nhắc nhở thì nhận được câu nói mỉa mai: “Ra vẻ ta đây là dân trí thức! Trí thức, giàu có thì đi chỗ khác… chơi”. Choáng hơn, mấy cô cậu vô tư mở điện thoại di động khi đang bay trên... trời, làm cho những người nghiêm túc xung quanh nơm nớp lo sợ. Rồi khi máy bay chưa kịp dừng lại, mấy bà mấy chị í ới gọi cho người thân ngay trong lúc tiếp viên hàng không đang nhắc nhở trên loa rằng “vì sự an toàn của chuyến bay, một lần nữa xin nhắc quý khách tắt điện thoại, chỉ sử dụng khi máy bay dừng hẳn”!... Có lẽ đã quen với những hành khách như vậy, nên tiếp viên cũng có vẻ hơi thờ ơ trong việc “giữ gìn trật tự”, nhắc nhở quý khách.
Có thể nói, việc giữ gìn nét văn hóa trong các ứng xử cộng đồng, các hoạt động xã hội không phải là chuyện mới. Điều kỳ lạ là nhiều người sẵn sàng “làm sang” khi vào chỗ sang, “làm cho rẻ” khi vào chỗ “rẻ”. Và cũng kỳ lạ là người ta sẵn sàng “bẻ” lại người khác nếu họ thắc mắc, khiếu nại gì: “Đã đi giá rẻ mà còn đòi sang!”. Và như thế, vô tình hai chữ “giá rẻ” trở nên có “lỗi”.
Hạ Minh
Bình luận (0)