Giả thuyết mới về tận thế

08/07/2013 03:15 GMT+7

Giới khoa học đã dự đoán được ngày tận cùng của thế giới, khi mà toàn bộ sự sống bị quét sạch khỏi bề mặt địa cầu, trong gần 1 tỉ năm nữa.

Trong một báo cáo mới, nhóm các chuyên gia thuộc Đại học St.Andrews, Dundee và Edinburgh (Scotland) vẽ ra một viễn cảnh diệt vong của mọi giống loài trên bề mặt trái đất, từ động vật đến thực vật. Điều bất ngờ là, ngày tận thế theo kiểu Armageddon được dự đoán sẽ đến hết sức nhẹ nhàng chứ không phải dữ dội như vẫn hình dung. Thay vì bị các tiểu hành tinh tấn công, trái đất sẽ chết dần vì ảnh hưởng của khí CO2 trong khí quyển. Hiện giới chuyên gia đang nỗ lực tìm cách cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu vượt quá tầm kiểm soát.


Giả thuyết mới cho rằng trái đất sẽ chết dần vì quá ít CO2 chứ không phải do tiểu hành tinh tấn công - Ảnh: Corbis 

Các chuyên gia cho rằng vận mệnh của trái đất phụ thuộc chủ yếu vào tương lai của ngôi sao trung tâm. Khi mặt trời già đi và trở nên nóng hơn theo thời gian, sự bốc hơi và các phản ứng hóa học với nước mưa sẽ lấy đi càng nhiều CO2. Trong chưa đầy 1 tỉ năm nữa, hàm lượng CO2 sẽ thấp đến nỗi quá trình quang hợp ở thực vật không thể tiếp tục. Khi điều đó xảy ra, sự sống trên bề mặt địa cầu sẽ lụn bại dần. Với sự lụi tàn của thảm thực vật, các động vật ăn cỏ cũng sẽ chết đi, kéo theo sự diệt vong của động vật ăn thịt. Cuối cùng, những sinh vật còn đủ sức bám trụ trên quả đất cằn cỗi chỉ còn là các cá thể nhỏ bé chui rúc sâu dưới lòng đất, gọi là các vi khuẩn chịu cực hạn.

“Trong tương lai xa, môi trường sống trên trái đất sẽ trở nên vô cùng khắc nghiệt”, BBC News dẫn lời chuyên gia Jack O’Malley-James của Đại học St Andrews. “Sẽ không còn nhiều ô xy hiện diện, nên các sự sống còn sót lại cần phải thích nghi với môi trường ô xy thấp, hoặc thậm chí không còn ô xy nữa. Cộng thêm áp suất và độ mặn cao do các đại dương bốc hơi”, chuyên gia Jack O’Malley-James diễn giải. Ông cho hay mọi cơ thể sống đều cần nước ở dạng lỏng, nên bất cứ sự sống nào còn trụ lại được sẽ bị giới hạn trong các túi nước lỏng, có lẽ ở vùng có độ cao và lạnh, hoặc những hang động trong lòng đất. Bên cạnh đó, những sinh vật sống sót cùng lúc sẽ đối mặt với điều kiện nhiệt độ cao khủng khiếp (từ 100 độ C trở lên), kèm theo lượng bức xạ tia cực tím dày đặc.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu tái tạo một sinh quyển chết dần, kết hợp với các loài có nhiều khả năng sống sót nhất để xác định loại khí nào chúng sẽ thải ra khí quyển. Họ kết luận: “Đến lúc toàn bộ sinh vật đều biến mất khỏi hành tinh xanh, chúng ta sẽ chỉ còn lại không khí chứa nitrogen/CO2 với khí methane là dấu hiệu duy nhất cho thấy từng có sự sống”.  Sau 1 tỉ năm nữa, các đại dương sẽ khô cạn hoàn toàn. Tình trạng ngày càng tệ dần hơn, và trong khoảng 2,8 tỉ năm, sự sống sẽ biến mất như chưa từng xuất hiện.

Chuyên gia O’Malley-James đã đưa ra dự đoán đầy ảm đạm trên tại Hội nghị thiên văn quốc gia tại Đại học St Andrews. Đây là kết quả rút ra từ cuộc nghiên cứu mô hình máy tính về tác động của các thay đổi trong dài hạn của mặt trời đối với trái đất. Khi mặt trời già đi trong 1 tỉ năm tới, nó vẫn hoạt động như thường lệ, nhưng phát triển theo hướng tỏa ra ánh sáng ngày càng rực rỡ hơn. Bức xạ dữ dội hơn sẽ làm trái đất nóng lên đến mức các đại dương bắt đầu bốc hơi. Chuyên gia O’Malley-James đánh giá rằng cuộc nghiên cứu mới có thể tác động đến cuộc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất, nhằm tìm kiếm một ngôi nhà khác cho nhân loại.

Hạo Nhiên

>> Trước “ngày tận thế”
>> Ngày tận thế: Có thật không?
>> Đi đâu vào “ngày tận thế”?
>> Chuẩn bị gì cho “ngày tận thế”?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.