Giá USD ngày 9.7.2020: tăng giảm trái chiều

Thanh Xuân
Thanh Xuân
09/07/2020 08:45 GMT+7

Đồng bạc xanh trên thị trường trong và ngoài nước tăng giảm trái chiều nhưng vẫn chưa thoát được xu hướng giảm điểm khi số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 vẫn gia tăng, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Ngày 9.7, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 3 đồng/USD, lên 23.221 đồng/USD. Trước đó, giá USD trên thị trường liên ngân hàng chiều 8.7 tăng 4 đồng/USD, ở mức 23.198 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại vẫn giữ USD ở mức thấp, Vietcombank mua vào với giá 23.080 đồng/USD, bán ra 23.290 đồng/USD; Eximbank mua vào 23.100 đồng/USD, bán ra 23.270 đồng/USD… Giá USD tự do giảm 10 đồng, xuống còn 23.155 đồng/USD ở chiều mua vào và bán ra 23.185 đồng/USD. So với cuối tháng 3, giá USD tự do hiện giảm hơn 800 đồng/USD, tương đương 3,4%. Lãi suất bình quân liên ngân hàng của USD tăng 0,01 – 0,04% ở tất cả các kỳ hạn, qua đêm ở mức 0,19%/năm, 1 tuần 0,25%/năm, 2 tuần 0,38%/năm, 1 tháng 0,58%/năm.
Giá USD trên thị trường thế giới giảm so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-Index giảm 0,5 điểm, xuống còn 96,5 điểm. Dù số người nhiễm virus Covid-19 tăng mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm, xác lập mức cao lịch sử. Dow Jones tăng 177,1 điểm, tương đương 0,68%, lên 26.067,28 điểm; S&P 500 tăng 24,62 điểm, tương đương 0,78%, lên 3.169,94 điểm; Nasdaq tăng 148,61 điểm, tương đương 1,44%, lên 10.492,5 điểm, cao nhất lịch sử. Trong khi đó, số người bị nhiễm virus trên toàn thế giới tăng lên gần 12 triệu người và gần 550.000 người tử vong, riêng tại Mỹ vượt qua 3 triệu người nhiễm với 132.000 người tử vong.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết Chính phủ các nước tung ra các gói tài khóa khẩn cấp để đối phó dịch Covid-19 đã làm tình trạng nợ công tăng lên nhanh ở các nước mới nổi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tình trạng nợ công toàn thế giới tăng hơn 100% so với tổng GDP. Sau khi kinh tế thế giới trở lại đúng hướng, các nước phải đi theo một khung tài chính trung và dài hạn để quản lý tài chính công một cách phù hợp, và đây sẽ là vấn đề IMF ưu tiên hàng đầu khi khuyến nghị các chính sách tới từng quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.