Giá USD tăng cao nhất trong năm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
23/11/2024 06:04 GMT+7

Tỷ giá đang chịu nhiều sức ép vào thời điểm cuối năm. Giá USD trong ngân hàng tăng cao ở mức kịch trần cho phép còn đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế cũng đang ở mức cao nhất trong năm.

Giá USD lên đỉnh

Giá USD trong ngân hàng (NH) những ngày qua luôn ở mức kịch trần và cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Ngày 21.11, NH Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá trung tâm thêm 5 đồng, lên 24.295 đồng. Ngay lập tức, các nhà băng đã tăng giá bán lên mức kịch trần cho phép. Vietcombank bán ra 25.509 đồng, mua vào 25.175 - 25.205 đồng. ACB mua vào 25.190 - 25.230 đồng, bán ra 25.509 đồng… Như vậy, trong 3 tuần đầu tháng 11, giá USD trong NH đã tăng 55 đồng, tương đương 0,21%. Đồng thời đây cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Trở lại những tháng đầu năm, giá USD "nóng" trên thị trường ngoại tệ khi tăng 1.000 đồng, lên mức cao nhất, gần 25.500 đồng kể từ tháng 4 và kéo dài đến tháng 7, khiến tỷ giá tăng 4,5% so với đầu năm. Từ tháng 7 đến cuối tháng 9, giá USD giảm nhiệt, chỉ còn tăng chưa đến 300 đồng/USD so với đầu năm, tương đương mức tăng 1,2%. Thế nhưng chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, giá đồng bạc xanh đã nhanh chóng tăng trở lại 800 đồng, tương đương mức đi lên thêm 3,2%. Như vậy, so với đầu năm, giá USD hiện nay đã tăng lại lên trên 4,5% và đạt mức cao nhất trong năm. Ngoài ra, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố cũng đã tăng 440 đồng (tương đương mức tăng 1,8%).

Giá USD tăng cao nhất trong năm- Ảnh 1.

Ngân hàng tăng giá USD lên kịch trần

ẢNH: NGỌC THẮNG

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng giá USD trong nước tăng từ áp lực trên thị trường ngoại tệ quốc tế gần đây, đặc biệt sau khi Mỹ công bố kết quả bầu cử tổng thống với chiến thắng của ông Donald Trump. Ngày 21.11, chỉ số USD-Index tăng vượt 107 điểm, đây là mức cao nhất trong vòng 13 tháng trở lại đây. Nếu so với mức thấp nhất của chỉ số này hồi cuối tháng 9 thì nay, USD-Index đã tăng hơn 7 điểm, tương đương mức tăng hơn 7%. Khi chỉ số USD-Index mạnh lên sẽ tạo chất xúc tác cho giá USD trong nước tăng. Thêm vào đó, áp lực thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ của doanh nghiệp cuối năm cũng tăng lên, cùng với nhu cầu nắm giữ USD gia tăng. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân sâu xa khác khiến tỷ giá NH tăng cao đến từ chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng.

Đại diện Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phân tích: Áp lực tỷ giá tiếp tục tăng trong tháng 11.2024, nhưng theo quan sát thì NHNN không phải bán ngoại tệ như tháng trước, có thể do nhu cầu ngoại tệ không quá lớn. Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng cử thêm lần nữa đã đẩy chỉ số USD-Index lên mức cao. Kỳ vọng các kế hoạch nới lỏng tài khóa và chính sách nhập cư chặt chẽ hơn của chính quyền mới, khi kết hợp với lãi suất cao giữa Mỹ và các nền kinh tế khác cùng chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, tất cả đều tạo nên lý do mạnh mẽ cho một đợt tăng giá của USD. Dù vậy, VDSC cho rằng đà tăng của USD vẫn sẽ vấp phải một số lực cản như kỳ vọng về tác động của chính sách tại Mỹ có thể sẽ điều chỉnh khi chính quyền mới dần hé lộ cách thức tiếp cận cụ thể hơn đối với những vấn đề mà ông Trump đã đề xuất trong chiến dịch tranh cử, phản ứng của NH trung ương và chính phủ các nước để thích ứng với "thời kỳ Trump 2.0" cũng như triển vọng kinh tế Mỹ không lạc quan như kỳ vọng.

Dự báo tỷ giá cuối năm

Theo ông Nguyễn Thế Minh, nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ của doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11 nên qua tháng 12, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt. Nguyên nhân một phần đến từ nguồn ngoại tệ cuối năm từ xuất khẩu, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng. Thêm vào đó, giá USD hiện đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn mức kỳ vọng điều hành tỷ giá trong năm là tăng từ 3 - 3,5% nên không loại trừ vào thời điểm cuối năm, thị trường ngoại tệ sẽ có sự can thiệp để điều chỉnh giá USD đi xuống. 

"Biện pháp kiểm soát giá USD gồm bán trực tiếp can thiệp thị trường từ nhà điều hành hoặc tăng lãi suất để điều tiết. Trong đó, biện pháp bán trực tiếp khả thi hơn. Tuy nhiên một yếu tố khác khó dự báo là chỉ số USD-Index tăng lên mức cao 107 điểm là đỉnh hay còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với những dữ liệu của Mỹ công bố gần đây về kiểm soát lạm phát thì khả năng trong tháng 12, Mỹ sẽ giảm lãi suất USD một lần nữa với mức giảm 0,25%. Điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng giá của USD. Trong trường hợp giá USD trên thị trường quốc tế không giảm sẽ tác động đến giá USD trong nước. Kỳ vọng giá USD trong NH sẽ xuống dưới mức 25.500 đồng vào cuối năm", ông Nguyễn Thế Minh nhận định.

Còn theo VDSC, mặc dù cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam liên tục mở rộng trong các năm vừa qua nhưng cán cân tài khoản vãng lai chưa bền vững do thâm hụt khu vực dịch vụ có xu hướng mở rộng và chi trả lãi, lợi nhuận đầu tư ngày càng tăng. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2024 ước đạt 3% GDP, giảm so với mức 5,8% GDP trong năm 2023 và dự kiến tiếp tục thu hẹp trong năm 2025. Trong khi đó, bộ đệm để ứng phó áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024 (ước tính khoảng 8 - 10 tỉ USD). Điều này khiến tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra. VDSC cho rằng áp lực đối với điều hành tỷ giá năm 2025 ngoài việc chịu ảnh hưởng của việc USD tiếp tục duy trì sức mạnh thì diễn biến mang tính thời điểm còn phụ thuộc nhiều vào tính mùa vụ của cung - cầu ngoại tệ. 

"Trong năm 2025, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng tiền tệ của thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với hai luồng gió ngược là rủi ro tăng trưởng thương mại do thuế quan và lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn. Trong kịch bản cơ sở (Việt Nam không bị áp thuế quan trong năm 2025), tỷ giá USD/VND trong năm sau có thể biến động trong biên độ +/-5% mà NHNN đang đặt ra", đại diện VDSC cho hay.

Thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp do nhu cầu vốn cuối năm

Theo VDSC, tính đến ngày 20.11, NHNN bơm ròng khoảng 110.000 tỉ đồng trên thị trường mở, xấp xỉ lượng hút ròng 124.000 tỉ đồng trong tháng trước. Cụ thể, ở kênh cầm cố, NHNN đã bơm ròng khoảng 42.000 tỉ đồng, chủ yếu thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 4%/năm. Đối với kênh tín phiếu, quy mô phát hành tín phiếu đã giảm đáng kể trong tháng 11, chỉ khoảng hơn 9.000 tỉ đồng, lượng tiền bơm ròng qua kênh tín phiếu đến từ lượng tín phiếu phát hành trong tháng trước đáo hạn. Phần lớn tín phiếu được phát hành trong tháng qua có kỳ hạn 28 ngày, lãi suất bình quân xấp xỉ 4%/năm. Điểm đáng lưu ý về hoạt động trên thị trường mở trong tháng qua chính là số thành viên tham gia và trúng thầu ở kênh cầm cố luôn ở mức cao. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống NH có dấu hiệu căng thẳng trên diện rộng.

Diễn biến lãi suất trên thị trường liên NH cũng phù hợp với nhận định này khi lãi suất cho vay qua đêm bình quân trong 20 ngày đầu của tháng ở mức 5,17%/năm, cao hơn 1,55 điểm % so với mức bình quân của tháng trước. Đồng thời, lãi suất cho vay bình quân các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng từ 1,03 - 1,45 điểm %. Tuy nhiên, mức thay đổi thấp hơn ở kỳ hạn 3 tháng (tăng bình quân khoảng 0,85 điểm % so với tháng trước) cho thấy tình trạng khó khăn về thanh khoản của hệ thống diễn ra trong ngắn hạn vào mùa cao điểm của tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.