Giá xăng dầu 10.4: Bất chấp OPEC+ giảm sản lượng lịch sử, giá dầu vẫn lao dốc

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/04/2020 09:03 GMT+7

Tổ chức những nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung OPEC+ ) đã nhất trí cắt giảm sản lượng tại cuộc họp ngày thứ Năm (9.4) bớt 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng 5 và 6.

Thỏa thuận cũng nêu rõ việc giảm sản lượng sẽ lần lượt hướng tới bớt 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến cuối năm nay và 6 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2021 kéo dài đến tháng 4.2022.
Đây là đợt cắt giảm sản lượng lịch sử trong ngành dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, bất chấp quy mô cắt giảm kỷ lục, giá dầu thế giới vẫn đảo chiều giảm mạnh hơn 7% trong phiên sáng nay (10.4, giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI mất 1,9 USD/thùng tương đương giảm 7,6% trong phiên, dừng mức 23,19 USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 6 mất 1,04 USD dừng mức 29,13 USD/thùng. Dầu Brent lại tăng nhẹ 0,55 USD dừng mức 32 USD/thùng, hợp đồng giao tháng 7 ở mức 34,45 USD/thùng.
Trước đó, ngày 9.4, giá dầu thế giới đảo chiều giảm mạnh sau khi có thông tin cắt giảm sản lượng. Trên MarketWatch nhận xét, do nhà đầu tư lo sợ động thái cắt giảm sản lượng vẫn chưa đủ mạnh để chống chọi với đà sụt giảm nhu cầu chưa từng thấy do đại dịch Covid-19 gây ra. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9.4, dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex mất 2,33 USD (tương đương 9,3%) dừng mức 22,76 USD/thùng, sau khi đã nhảy vọt lên tới 28,36 USD/thùng trong ngày. Cùng ngày, giá dầu Brent cũng giảm 4,1% xuống 31,48 USD/thùng, sau khi đã chạm mức cao nhất trong phiên lên đến 36,4 USD/thùng.
Theo Bloomberg, tất cả các thành viên đồng ý cắt giảm nguồn cung tương đương giảm 23% trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng cụ thể mỗi quốc gia không được đề cập chi tiết. Theo dữ liệu từ Dow Jones Market, từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã “bốc hơi” gần 63%, giá dầu Brent “bốc hơi” không kém với hơn 52%.
Cùng ngày OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng, ở trong nước, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công thương và Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu trong nước và tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu. Một trong những kiến nghị đáng chú ý nhất là việc PVN mong các bộ xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa/tạm cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong nước sản xuất được trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ước giảm khoảng 30% trong quý 1 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm nữa. Theo PVN, tồn kho mặt hàng xăng rất cao, có nơi tồn kho xăng ở mức trên 90%.
Tuy nhiên, việc tăng giảm giá xăng dầu thế giới mỗi ngày không ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước, ít nhất phải chờ sau mỗi 15 ngày theo kỳ điều chỉnh giá của liên bộ. Ngày 10.4, bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex công bố giữ nguyên mức giá cũ của các ngày trước đó. Theo đó, giá xăng A95 trong khoảng 12.560 - 12.910 đồng/lít, xăng E5 11.950 - 12.180 đồng/lít, dầu DO 11.250 - 11.780 đồng/lít, dầu hỏa 9.140 - 9.320 đồng/lít, tùy vùng 1 hay vùng 2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.