Giấc mơ Idol

24/07/2010 01:00 GMT+7

Đó là điều không khó để nhận ra với những ai đến với cuộc thi Vietnam Idol. Bởi, chỉ cần yêu thích âm nhạc, có khả năng ca hát, công dân VN từ 16 -30 tuổi là có thể tham dự và đều có cơ hội xuất hiện trên truyền hình từ vòng đầu tiên. >> Những cuộc thi âm nhạc thu hút đông đảo thí sinh

Lên truyền hình từ lúc... chờ lấy hồ sơ thi

Chính vì yếu tố đặc trưng này của Vietnam Idol nên không ít thí sinh từ năm thứ 2 của cuộc thi (2008) chia sẻ thẳng thắn: đi thi vì muốn chứng tỏ với bạn bè, gia đình... là mình có thể lên truyền hình, có thể làm một điều gì đó trước hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ. Nếu năm đầu tiên (2007), Vietnam Idol chỉ có khoảng hơn 6.000 thí sinh đăng ký, thì đến năm thứ 2, con số này lên đến hơn 15.000. Sự tăng vọt này là dễ hiểu vì sau năm đầu tiên, mọi người đã thấy được rằng chưa có cuộc thi nào có cơ hội lên truyền hình cao và chia đều cho tất cả mọi người như Vietnam Idol.

Ngay từ vòng sơ tuyển, nếu bạn "lạ", "quái", "độc đáo" và "nổi bật" giữa rừng thí sinh, bạn đã có thể được đội ngũ thực hiện clip chuyện hậu trường của chương trình đến phỏng vấn, ghi hình. Những tư liệu độc nhất vô nhị này sẽ được phát sóng trong chương trình. Cũng vì lý do này - cũng là một trong những yếu tố thu hút người xem ở những cuộc thi Idol trên thế giới - nên khi xem Vietnam Idol ở vòng ngoài, nhiều khán giả đã so sánh vui rằng: chẳng khác nào xem tấu hài. Một kiểu trang điểm gây sốc, một điệu nhảy không đụng hàng, một kiểu tóc quái chiêu..., tất cả đều có thể tạo được sự chú ý của các máy quay. Vậy là từ vòng... chờ để lấy số báo danh và hồ sơ, bạn đã có thể chứng tỏ mình với người xung quanh rồi!

Tiếp theo, khi vào thử giọng, chỉ cần một câu phát biểu gây cười, làm ban giám khảo ngạc nhiên, hoặc một lý do đến với cuộc thi ngộ nghĩnh, quái lạ, hay một kiểu hát không giống ai, một cách biểu diễn có thể tạo nên những trận cười nghiêng ngả với người xem truyền hình, bạn lại tiếp tục có cơ hội lưu lại hình ảnh để phát sóng. Thế nên, sau một năm ngưng tổ chức, cuộc thi Vietnam Idol 2010 (do Công ty BHD và VTV6 - Đài truyền hình VN phối hợp sản xuất, bản quyền: Fremantle Media) đã thu hút hơn 25.000 thí sinh, và riêng TP.HCM đã chiếm khoảng 15.000 người.

Ý kiến thí sinh

B.N.P.Uyên (Nha Trang): "Em yêu ca hát từ nhỏ, cũng từng đoạt giải cuộc thi tiếng ca học đường Khánh Hòa, nhưng em đến với cuộc thi này còn vì em rất thần tượng chị Siu Black. Tiếc là em không đến được vòng trong để gặp chị ấy...".

N.A.Tuấn (Q.8, TP.HCM): "Năm 2007 em có thi nhưng bị rớt. Năm nay em cũng không định thi vì thấy để thành ca sĩ cần quá nhiều yếu tố... Nhưng tụi bạn em cứ rủ đi chung cho vui, rủ hoài nên cuối cùng em OK đại...".

P.H.Vương (Q.11, TP.HCM): "Em đi thi vì thấy cuộc thi này rất vui, bạn em cũng nhiều người đi thi nên em đăng ký luôn. Nhưng em cũng có khiếu ca hát và từng đoạt giải nhất cuộc thi hát ở... phường".

Cơ hội đổi đời

Sau 2 lần diễn ra, câu slogan "từ zero (số không) thành hero (anh hùng)" mà cuộc thi này mang đến đã trở thành động lực lẫn hấp lực đối với không chỉ những ai có đam mê ca hát. Trường hợp đầu tiên là Phương Vy, tuy không phải là "zero" vì trước đó Phương Vy đã từng đoạt giải nhì cuộc thi Tuổi đời mênh mông, nhưng sau khi đến với Vietnam Idol năm 2007 và lần lượt chinh phục khán giả, ban giám khảo qua từng vòng thi, cô đã chiến thắng (cả với bản thân mình, vì Vy cho biết trước cuộc thi, cô vốn nhút nhát và khép kín).

Cô được Công ty Music Faces thực hiện album (như giải thưởng của người thắng cuộc), rồi được mời dự thi Asian Idol... và nay, có thể nói Phương Vy đã có vị trí nhất định trong đời sống ca nhạc Việt. Có lẽ, chính bản thân Vy cũng không ngờ chỉ từ ý nghĩ: thi Idol để có một mùa hè sống trong âm nhạc, một trải nghiệm thú vị với bản thân (chứ hoàn toàn không có suy nghĩ sẽ thành ca sĩ), đã làm thay đổi... cuộc đời mình.

Cùng năm với Phương Vy còn có Ngọc Ánh, và chính Ánh là "nhân chứng" đầy thuyết phục cho những ai muốn đến với cuộc thi từ con số 0. Từ sắc vóc (rất bình dị, thậm chí còn bị cho là rất... nông dân) đến kỹ thuật, kiến thức thanh nhạc, Ngọc Ánh hoàn toàn "trắng tay". Khán giả có thể thấy sự "lép vế" của Ánh khi đứng trước những thí sinh khác, hay cả hình ảnh chân quê của 2 anh em khi tát nước trên bờ ruộng quê mình (Hà Tây). Vậy mà, cuối cùng, chỉ với niềm đam mê - thực sự và mãnh liệt khi đến với cuộc thi, Ngọc Ánh đã vượt qua tất cả rào cản và gần như lột xác để về nhì, sau Phương Vy.

Nếu những cuộc thi âm nhạc khác như Sao Mai - Điểm hẹn, Sao Mai, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình... yêu cầu cao hơn và gần như dành cho những đối tượng chuyên nghiệp hơn, quá trình thi cũng ngắn hơn, thì Vietnam Idol lại tuyển sinh... thoải mái hơn nhiều, cơ hội được trở thành người nổi tiếng có vẻ như trong tầm tay (với nhiều bạn, được lên truyền hình cũng đã là... nổi tiếng), khả năng đổi đời không phải là xa vời, hay ít nhất cũng có điều kiện chứng tỏ bản thân mình với một ai đó, nên người có đam mê lẫn chỉ biết hát sơ sơ và cả người không muốn làm ca sĩ vẫn thích tham gia.

* "Nếu các cuộc thi ca hát khác, thí sinh vào vòng chung kết mới được xuất hiện trên truyền hình thì Vietnam Idol cho bạn cơ hội lên truyền hình từ vòng đầu tiên. Vì thế, sẽ có không ít bạn muốn chơi nổi, "quậy" một chút để cho ba mẹ hay hàng xóm thấy: mình cũng lên tivi... Theo tôi, hiệu ứng của một cuộc thi như vậy là tốt. Nhưng tôi vẫn thấy Vietnam Idol giống game show ca nhạc hơn là cuộc thi âm nhạc nghiêm túc" - nhạc sĩ Lê Quang

* "Vy nghĩ sau khi ngưng lại một năm thì độ hot của cuộc thi chắc chắn sẽ tăng thêm, vì càng ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn thể hiện bản thân mình, tự tin hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn. Điều mà Vy muốn chia sẻ với các bạn, đó là phải tự tin thể hiện chính mình, đừng quá căng thẳng và không làm bản sao của ai cả" - ca sĩ Phương Vy

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.