Giấc mộng 200 triệu USD của bà tiến sĩ

23/09/2005 23:01 GMT+7

Kỳ 2: Trong vòng vây chủ nợ Đến thời điểm này, đã có hàng chục chủ nợ với tổng số tiền “trên giấy tờ” hàng chục tỉ đồng đang vây lấy bà.

Từ cuối tháng 6/2005, tại tòa soạn Báo Thanh Niên chúng tôi đã tiếp nhiều chủ nợ của bà Xuyến đến trình bày những bức xúc giống nhau là bị bà "hứa lèo" liên tục trong khi họ phải đứng ra gánh nợ và lâm vào cảnh khốn cùng, không còn vốn liếng để làm ăn.

Trong số đó có trường hợp éo le của bà Nguyễn Thị Lan H., ngụ ở ấp Xóm Thuốc, xã An Phú, huyện Củ Chi. Bà H. thuộc diện gia đình chính sách, hoàn cảnh hết sức khó khăn nên cuối năm 1994 đã được khách sạn Sài Gòn xây tặng một căn nhà tình nghĩa. Nhưng đến cuối năm 2004, không hiểu nghe ai mà bà H. đã mang hết giấy tờ ngôi nhà tình nghĩa ấy cho bà Xuyến mượn để đưa đi thế chấp. Không dừng lại ở đó, bà H. còn đứng ra mượn thêm hàng loạt "sổ đỏ" (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của những người bà con, họ hàng ở Củ Chi để mang lên cho bà Xuyến. Trong một tờ "giấy nhờ mượn sổ đỏ" bà H. đang giữ, bà Xuyến ghi: "1. Tôi mượn của ông Đặng Văn T. (viết tắt) một giấy chủ quyền đất; 2. Tôi mượn của chị Nguyễn Thị Lan H. (viết tắt) một giấy chủ quyền nhà và hai giấy chủ quyền đất; 3. Tôi có nhờ chị Nguyễn Thị Lan H. (viết tắt) mượn hộ tôi các giấy chủ quyền đất mang tên sau: a. Của bà Lê Thị Ph. (1 cái); b. Của bà Nguyễn Thị H. (1 cái); c. Của ông Phạm Khắc M. (3 cái)...". Bà Xuyến mang những giấy tờ ấy thế chấp cho những "nhóm chạy tiền" rồi không giải chấp ra được nên cuối cùng bà H. phải "ôm nợ", cả ngôi nhà tình nghĩa của bà cũng bị Cơ quan Thi hành án H.Củ Chi đưa vào diện... kê biên! Đến khi quyết định "gõ cửa" cầu cứu chúng tôi thì bà H. đã hoàn toàn lâm vào cảnh bế tắc. Bà có "giấy cam kết" do bà Xuyến viết ngày 30/12/2004, "xin gia hạn" là đúng ngày 30/1/2005 sẽ thanh toán đủ 3,7 tỉ đồng, nhưng cũng không lấy được tiền. Bà khởi kiện bà Xuyến ra tòa và nắm trong tay "quyết định công nhận sự thỏa thuận" (có giá trị như bản án) từ tháng 5.2005 của TAND Q.1, theo hướng bà Xuyến có trách nhiệm trả bà số nợ bốn tỉ một trăm ba mươi triệu đồng trong thời hạn 1 tháng, hạn chót là ngày 17/6/2005, rồi đến nay cũng chưa lấy được xu nào. Lần theo nhóm chủ nợ đã khởi kiện bà Xuyến ra tòa, chúng tôi ghi nhận hiện có 7 bản án của TAND Q.1, 2 bản án của TAND TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật và Thi hành án Q.1 đang thụ lý giải quyết, với tổng số tiền phải thi hành án lên đến hơn 20 tỉ đồng. Ngoài ra còn hơn 13 tỉ đồng nợ quá hạn của bà Xuyến mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Q.8 đã chuyển hồ sơ đề nghị Thi hành án Q.1 tạm giữ. Cộng chung với mảng nợ "chìm" do bà tự thống kê thì đến đầu tháng 9 vừa qua đã lên đến hơn 80 tỉ đồng. Một nhóm chủ nợ nữa thì chọn phương án... nằm chờ tại nhà bà để theo dõi, khi nào bà có tiền thì "chớp" lấy ngay. Nhóm này cũng rất đông và từ nhiều tháng nay bà Xuyến đã phải mặc nhiên chấp nhận nuôi cơm họ để mong xoa dịu bớt sự căng thẳng.


Các chủ nợ ăn nằm ở nhà bà Xuyến để chờ lấy tiền (ảnh: Đ.N.T)

Nổi bật trong mảng "nợ chìm" đó là một trường hợp đang trong tình trạng chết dở mà chúng tôi ghi nhận được là vợ chồng ông C., ở P.10, Q.3. Vợ chồng ông C. làm hồ sơ xuất cảnh đi nước ngoài nhưng chưa đủ điều kiện nên phải chờ, biết được tình cảnh đó bà đã nhận hết hồ sơ mang về hứa giúp đỡ. Rồi tin theo những lời hứa hẹn của bà, vợ chồng ông C. đã lần lượt rót hết vốn liếng đang làm ăn cho bà mượn không lấy lãi. Thậm chí đến khi hết tiền, ông C. còn cho bà mượn luôn cả... sổ hộ khẩu gia đình để thế chấp cho tín dụng đen. Hậu quả là đến giờ này chẳng những chưa xuất cảnh được mà còn phải lâm vào cảnh nợ nần do bị bà chiếm dụng hết vốn làm ăn. Đã thế, hằng tháng còn phải cắn răng đóng lãi suất cắt cổ của tín dụng đen thay cho bà nữa! Bế tắc, ông C. đã hai lần xông vào định... bóp cổ bà nhưng may mắn là có vợ ông và những chủ nợ khác ngăn chặn kịp thời. Tiếp xúc với vợ chồng ông, chúng tôi mới hiểu vì sao sự thù tức đối với bà Xuyến có lúc đã lên đến đỉnh điểm như vậy. Suốt một thời gian dài cả vợ chồng ông đều tin rằng có những cán bộ cao cấp che chở cho bà và "nguồn tiền 200 triệu USD" từ nước ngoài đầu tư vào bệnh viện đa khoa chỉ là chuyện "ngày một ngày hai" là có. Thậm chí, họ còn tin rằng một người tên D., hằng ngày đưa rước bà Xuyến tới lui là cháu của một trung tướng ngành công an, còn một người tên N., chuyên giúp bà Xuyến giải quyết nhanh các hồ sơ công chứng mượn nợ là con trai của một trưởng phòng công chứng (!). Đến khi chúng tôi vào cuộc, phát hiện đó chỉ là những người giả danh và giải thích rõ thì họ mới "tỉnh" ra...

* * *

Xây lên từ "nền móng" nợ nần, "dự án bệnh viện đa khoa" đến giờ này vẫn còn là phác thảo trên giấy cũng không có gì khó hiểu. Nhưng vấn đề là bà Xuyến đã sử dụng số tiền hàng chục tỉ đồng huy động vào đâu? Trong thực tế ai cũng biết bà không đầu tư vào một dự án nào cả mà chỉ có... lấy của người sau trả cho người trước. Nhưng liệu "vòng quay" đó có dẫn đến thất thoát lớn như vậy? Chỉ có sự vào cuộc mau chóng của cơ quan chức năng mới có thể giải tỏa những khuất tất ấy, đồng thời bảo đảm công bằng trong quá trình giải quyết hậu quả nặng nề của vụ này. Và nếu sự thật bà "lún" nợ do sa vào các đường dây tín dụng đen với các giấy nợ khống cùng lãi suất cắt cổ như một số lời đồn đại lâu nay thì bản thân bà cũng cần được pháp luật bảo vệ.

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.