Giải an ủi… đáng xem

17/12/2022 08:28 GMT+7

Hiếm khi trận tranh hạng ba World Cup lại đáng chờ xem như trận đấu năm nay, khi Ma Rốc chuẩn bị gặp Croatia, tinh thần quyết chiến vẫn cao ngất như khi đứng trước ngưỡng cửa chung kết, và đó không chỉ là nhận định từ phía Ma Rốc.

Ở vòng bán kết, Ma Rốc thua Pháp 0-2. “Hiện tượng Ma Rốc” của World Cup 2022 coi như kết thúc tại đây? Không hề! Cây bút Gabriele Marcotti viết trên ESPN: “Cảm xúc vẫn chưa dừng lại, thậm chí nó giống hơn với một khởi đầu mới”. Khởi đầu cho những gì thì đó hẳn phải là câu chuyện dài về phía tương lai. Chỉ biết chắc một điều:

Ma Rốc không thể tự phá hỏng nỗ lực vĩ đại của họ tại giải năm nay bằng một sự thể hiện nhạt nhòa trong trận đấu chia tay World Cup. Bấy nhiêu là quá đủ để dẫn đến một sự khác biệt: không phải bao giờ trận tranh hạng ba World Cup cũng chỉ là cảnh chợ chiều.

Modric và Amrabat đều sẽ quyết tâm trong trận tranh hạng ba

AFP

Giải EURO không có trận tranh hạng ba. Các cúp châu Âu tầm CLB như Champions League hoặc Europa League cũng vậy. Asian Cup thì không có trận tranh hạng ba trong giải gần đây nhất (2019). Lý lẽ chung: trận tranh hạng ba thường không hấp dẫn bởi cả hai đội đều đang thất vọng vì bị loại khỏi chung kết. Khán giả cũng không đặc biệt quan tâm đến trận đấu này. Thế còn World Cup? Bản thân FIFA không thể trả lời đâu là đội hạng ba của kỳ World Cup đầu tiên! Ngày xưa, tài liệu do chính FIFA ban hành có lúc bảo đó là Mỹ, có lúc bảo là Nam Tư. Chuyện Mỹ và Nam Tư đều vào bán kết World Cup 1930 (cùng thua 1-6 trước Argentina và Uruguay) thì quá rõ rồi. Những người cũ 2 đội đã cùng trưng ra huy chương đồng. Vậy nên, phải hiểu rằng FIFA đã trao “đồng huy chương đồng” cho Mỹ và Nam Tư, chứ giải đấu ấy không có trận tranh hạng ba!

Với Pháp, Brazil, Anh, Hà Lan…, phải tranh hạng ba đôi khi là một sự tra tấn. Brazil thua Hà Lan 0-3 ngay tại sân nhà hồi năm 2014. Khi phải tranh hạng ba World Cup 1982 với Ba Lan thì Pháp để Michel Platini, Alain Giresse, Maxime Bossis, Patrick Battiston… ngồi ngoài. Nhưng, hẳn nhiên vẫn có những lúc người ta tích cực thi đấu, làm cho trận tranh hạng ba trở nên hết sức đáng xem. Trận Hàn Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ (2-3) tại World Cup 2002 là một ví dụ điển hình khi tưng bừng từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng. Đức - Uruguay (3-2) tại World Cup 2010 hoặc Đức - Bồ Đào Nha (3-1) tại World Cup 2006 là những ví dụ khác. Đội tuyển Đức được Tổng thống Christian Wulff của nước này trao tặng những tấm huân chương hết sức đặc biệt nhờ thành tích hạng ba World Cup 2010 - điều mà ngay cả những lần vào chung kết World Cup trước đó họ cũng không có.

Croatia thắng Hà Lan 2-1 trong trận tranh hạng ba World Cup 1998 cũng là một trường hợp đáng ghi nhận. Đó là lần đầu tiên Croatia xuất hiện ở đấu trường World Cup. Thế hệ Robert Prosinecki, Davor Suker, Zvonimir Boban… quyết tâm để lại dấu ấn sâu đậm “cho thế giới biết thêm về đất nước Croatia của họ”. So với việc phải dừng chân ở vòng bán kết của Ma Rốc năm nay, Croatia tại World Cup 1998 còn “tức tưởi” hơn. Họ dẫn trước, nhưng thua Pháp 1-2 vì các bàn thắng của hậu vệ cánh Lilian Thuram (cả đời, với 142 lần khoác áo tuyển Pháp, Thuram chỉ ghi bàn trong mỗi trận ấy). Không hề tuyệt vọng hay chán chường, Croatia vẫn chơi thật hay, và Suker ghi bàn để lên ngôi Vua phá lưới.

Bây giờ, lại là Croatia, với lối đá có tính tổ chức cao và với “biểu tượng Luka Modric” giữa hàng tiền vệ, đã thúc thủ trước một Argentina trên tài ở vòng bán kết. Croatia liệu sẽ dốc sức quyết chiến để chia tay World Cup 2022 trong hình ảnh đẹp? Hỏi như vậy với đội Ma Rốc, thì câu trả lời sẽ là “chắc chắn”. Hình ảnh tươi đẹp và ấn tượng sâu đậm để lại cho kỳ World Cup 2022 mới là mục đích lớn nhất của đội tuyển Ma Rốc, còn “giải hạng ba an ủi” chỉ là thứ hạng cụ thể để ghi vào sổ sách!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.