Giải mã chuyện phụ nữ Việt bị từ chối nhập cảnh Singapore - Kỳ 1: Không trừ đối tượng nào

23/07/2015 08:08 GMT+7

(TNO) Việc Singapore từ chối cho người Việt Nam nhập cảnh ngay tại sân bay đã diễn ra từ lâu, đặc biệt với những phụ nữ bị nghi đi “bán vốn tự có”. Nhưng gần đây, nhiều du khách, người có công việc chính đáng cũng bị nhân viên cửa khẩu truy vấn, thậm chí bị từ chối nhập cảnh oan, gây bức xúc và hoang mang, các hãng hàng không Việt Nam cũng bị thiệt hại nặng nề.

(TNO) Tình trạng người Việt Nam sang Singapore bị từ chối nhập cảnh ngay tại sân bay đã diễn ra từ lâu, đặc biệt với những phụ nữ bị nghi đi “bán vốn tự có”. Nhưng gần đây, nhiều du khách, người có công việc chính đáng cũng bị nhân viên cửa khẩu Singapore truy vấn một cách thiếu tế nhị, thậm chí bị từ chối nhập cảnh oan, gây bức xúc và hoang mang. Các hãng hàng không Việt Nam cũng bị thiệt hại nặng nề vì chuyện này.

Khách xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh tại nhà ga số 1, sân bay Changi của Singapore. Nhiều người cho rằng quyết định cho khách nhập cảnh hay không tùy thuộc vào “cảm hứng” của các nhân viên ở đây - Ảnh: Thục Minh
Ngoài đối tượng du lịch theo tour, đi công tác hay du học có giấy xác nhận, mọi khách Việt riêng lẻ đều có thể bị truy xét, thậm chí bị từ chối nhập cảnh vào Singapore.
Kỳ 1: Không trừ đối tượng nào
Truy xét thiếu tế nhị
Kể với Thanh Niên Online hồi tháng 6.2015, chị T.H, một nhà báo ở TP.HCM, bức xúc nói rằng chị thấy khó chấp nhận thái độ của một nữ nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay Changi. Chị T.H cùng mẹ và con gái nhỏ sang Singapore để thăm cô em gái sắp sinh con đầu lòng. Em của T.H làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia có chi nhánh khu vực đặt ở Singapore và lấy chồng người bản xứ.
Tại quầy làm thủ tục nhập cảnh, người phụ nữ phụ trách nhập cảnh mang khuôn mặt lạnh lùng hỏi: “Cô mang theo bao nhiêu tiền?” “2.000 USD”, T.H đáp. “Lấy ra xem”, bà ta ra lệnh. Chị T.H mở ví với xấp tiền đô thẳng thớm cùng một loạt thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng các loại.
“Đếm đi”, bà ta hất hàm bảo. Chị T.H nói rằng chị chưa bao giờ thấy mình bị xúc phạm đến thế, khi phải móc ví đếm tiền trước mặt bao nhiêu hành khách đang xếp hàng chờ. Sau một hồi “đối đáp”, nữ nhân viên xuất nhập cảnh mới để gia đình chị đi qua.
Việc T.H và người nhà qua lại Singapore thăm cô em gái làm việc nhiều năm ở đảo quốc này diễn ra thường xuyên. Những lần trước, họ đi qua cửa khẩu không hề có vấn đề gì, chị T.H cho hay. “Không biết có phải lần này do cô em mới chuyển về sống tại một căn hộ chung cư bình dân HBD, chứ không phải chung cư cao cấp như trước, mà nhìn địa chỉ họ nghi ngờ và làm khó dễ?”, chị đặt nghi vấn.
Vào phòng thẩm vấn
Trường hợp của chị T.H bị truy vấn ngay tại quầy xuất nhập cảnh là còn đỡ, bởi không bị đưa vào phòng thẩm vấn và phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ, nhờ chị thông thạo tiếng Anh. Rất nhiều khách Việt Nam khi đối mặt với nhân viên quầy nhập cảnh do không biết tiếng Anh đã bị đưa vào phòng riêng. Cũng có những khách có vẻ ngơ ngác, ú ớ thì bị nhân viên an ninh sân bay “lùa” thẳng vào phòng thẩm vấn trong khi đang xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh.
Một góc Singapore - Ảnh: Thiên Di
Theo lời kể của nhiều du khách và đại diện một hãng hàng không của Việt Nam tại Singapore, có những chuyến bay từ Việt Nam sang, gần một nửa số hành khách bị “lùa” vào phòng thẩm vấn.
Chị T.T, một nhà kinh doanh nhỏ, kể rằng khi đến ga hành khách số 3 của sân bay Changi trên một chuyến bay của Vietnam Airlines hồi đầu tháng 7.2015, chị cũng bị đưa vào trong do không biết tiếng Anh.
“Có rất nhiều người chờ sẵn trong đó, khoảng 20 người Việt và chừng 15 người da sậm, hình như gốc Ấn gì đó. Không khí thật căng thẳng, nét mặt ai cũng lo âu, mệt mỏi”, chị kể. Trong số những người Việt, có những cô ăn mặc rất thời trang, môi son má phấn; cũng có một số phụ nữ trung niên, vẻ lam lũ, nhà quê. Họ đã chờ ở đó nhiều tiếng đồng hồ, sau nhiều lần bị gọi tên và đưa lên bàn thẩm vấn, chụp hình, lấy dấu vân tay, rồi trả về chỗ cũ. Một cô gái tâm sự với chị rằng cô sang Singapore làm việc (không rõ việc gì) và cũng từng bị cảnh sát nước này bắt và trả về nước. Lần này, sau 3 bận bị gọi tên, chụp ảnh và lấy dấu vân tay mà không được cho qua, cô than thở: “Kiểu này chắc chắn bị đuổi về rồi. Không biết đêm nay họ có cho ăn uống gì không, ngày mai có chuyến bay về nước không?”.
Ngồi chờ gần một tiếng rưỡi đồng hồ và chứng kiến chỉ có một cô được đi qua sau khi “đối đáp lượm liền” với nhân viên thẩm vấn, đến lượt chị T.T được gọi tên. Họ cũng lấy dấu vân tay và chụp ảnh của chị, nhưng chỉ qua một lần thì họ mỉm cười cho chị đi qua sau khi chăm chú nhìn vào địa chỉ và thông tin liên lạc của người nhà chị đang làm việc tại Singapore.
T.M, sinh viên 20 tuổi, đi du lịch sang Singapore hồi cuối năm 2014. Đây cũng là chuyến xuất cảnh đầu tiên của cô gái trẻ, nên sự ngơ ngác ở khu vực chờ làm thủ tục nhập cảnh đã khiến cô bị nhân viên an ninh đưa vào phỏng thẩm vấn. Sau gần 2 giờ chờ đợi, cô gái cũng được cho qua nhờ có thông tin, địa chỉ rõ ràng, đáng tin cậy của người bảo lãnh tại đảo quốc.
Án oan!
Bên cạnh những trường hợp bị trả về do có “tiền sử” đi lại và hành nghề bất minh, nhân viên xuất nhập cảnh Singapore cũng từ chối nhiều đối tượng có nhân thân tốt và lý do nhập cảnh chính đáng.
Gần nửa đêm một ngày tháng 7.2015, chị K.H, một người Singapore gốc Việt, đã phải gọi đến Văn phòng Báo Thanh Niên tại Singapore nhờ hỗ trợ trường hợp của người nhà chị.
Chị K.H về Việt Nam và khi sang lại Singapore thì đưa theo cô giúp việc nhà chị ở TP.HCM, để cô gái trẻ có dịp thăm thú đảo quốc sư tử.
Không may, tại sân bay Changi, cô gái 22 tuổi bị an ninh tách khỏi bà chủ của mình và đưa vào phòng thẩm vấn. Do không biết tiếng Anh, lại đoán chắc đi cùng bà chủ sẽ không gặp rắc rối gì, cô gái đã không ghi số điện thoại và cũng không biết tên trên giấy tờ Singapore của bà chủ, nên không thuyết phục được phía Singapore.
Một góc Singapore - Ảnh: Thiên Di
Bất chấp mọi lời giải thích của chị K.H tại khu vực làm thủ tục nhập cảnh, các nhân viên nhà nước Singapore vẫn quyết định trả cô gái về Việt Nam trong chuyến bay sáng hôm sau. Sự cố khiến chị K.H mất ngủ mấy đêm. Chị bức xúc cho rằng phía Singapore xử lý quá cứng rắn, thiếu tình người.
Trường hợp khác của anh P.T, kĩ sư tại một tập viễn thông Singapore. Năm 2014, bạn gái sắp cưới của anh sang Singapore thăm người yêu. Lần đầu tiên, chuyến đi suôn sẻ. Lần thứ hai, theo kinh nghiệm lần trước, cô bạn gái của P.T cũng không cầm theo nhiều tiền. Khi bị thẩm vấn, do tiếng Anh lõm bõm, cô này không thuyết phục được các nhân viên xuất nhập cảnh Singapore, và bị trả về nước.
Anh P.T chờ đón bạn gái ở tại sân bay đành phải đi về tay không mà không nhận được cuộc gọi nào từ người yêu hay nhân viên xuất nhập cảnh ở phòng thẩm vấn.
Chưa hết, sau khi cưới nhau ở Hà Nội, P.T xin quy chế Người phụ thuộc (Dependent Pass – DP) cho vợ để đưa cô ấy sang Singapore chung sống, nhưng bị từ chối. Khi chất vấn Cục xuất nhập cảnh Singapore (ICA), P.T được trả lời rằng vợ anh không được cấp DP do “lý lịch có vấn đề”. Phải mất 500 SGD (hơn 8 triệu đồng) nhờ người viết thư kháng nghị lên ICA, vợ P.T mới có được DP để sang Singapore.
“Trường hợp của em nổi tiếng khắp công ty luôn. Người ta làm DP cho người thân chỉ mất vài ngày, em phải mất 6 tháng. Khi xuất thẻ DP cho vợ em rồi, ICA vẫn giữ đến 2 tháng sau mới trao cho em. Bây giờ, mỗi lần gia hạn DP cho vợ em, hồ sơ mặc nhiên bị từ chối, phải kháng nghị thì mới được đồng ý”, P.T ngán ngẩm kể với Thanh Niên Online.
P.T cũng kể chuyện một người bạn của anh sang Singapore chơi và bị từ chối nhập cảnh một cách hết sức ngớ ngẩn.
Số là anh bạn này đi trên máy bay có làm quen với một cô gái xinh xắn và cho cô ta địa chỉ nhà người bạn mà anh sẽ lưu trú trong thời gian ở Singapore. Không ngờ cô gái đã dùng địa chỉ này để ghi vào tờ khai nhập cảnh của mình rồi đi qua trước. Đến lượt anh đối diện với nhân viên xuất nhập cảnh, họ thấy địa chỉ của anh và cô gái giống nhau nên hỏi 2 người có đi cùng không. Anh trả lời không biết gì về cô gái đó. Nghi ngờ, họ trả anh về nước!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.