Giải thưởng Du lịch thế giới 2020 có thiếu thực tế?

06/11/2020 06:21 GMT+7

Theo các chuyên gia, năm 2020 ngành du lịch thế giới bị ảnh hưởng mạnh nhất, nhưng giải thưởng Du lịch thế giới 2020 vẫn trung thành với những hạng mục như các năm trước là chưa hợp lý.

Đến hẹn lại lên, giải thưởng được mệnh danh là “Oscar của ngành du lịch thế giới” lại gọi tên nhiều doanh nghiệp, điểm đến Việt Nam. Tuy nhiên theo các chuyên gia, năm 2020 ngành du lịch thế giới bị ảnh hưởng mạnh nhất, nhưng giải thưởng Du lịch thế giới 2020 vẫn trung thành với những hạng mục như các năm trước là chưa hợp lý.

Bình chọn từ hoài niệm?

Theo đại diện giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - gọi là giải thưởng WTA), chương trình WTA 2020 đã nhận được số phiếu bầu kỷ lục của công chúng. Để tham gia bình chọn, người dùng đăng ký 1 tài khoản trên website của WTA bằng 1 email, sau đó sẽ tiến hành bỏ phiếu.
Cứ 1 tài khoản email được bình chọn 1 lần. Do vậy, nếu muốn tăng tỷ lệ bình chọn thì có thể dùng các tài khoản email khác nhau để đăng ký và bình chọn cho 1 hạng mục.
Đỗ Thanh Minh, hướng dẫn viên du lịch tại một thành phố miền Trung, cho biết cách đây 2 năm, cô từng lập 6 email để bình chọn cho điểm du lịch mà cô đang cộng tác hướng dẫn du khách. Song song đó, cô còn kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia bình chọn. Lý do để điểm đó có nhiều du khách biết nhiều hơn, cô cũng duy trì việc làm đều đặn hơn.
Thế nhưng từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu đã khiến ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Hàng loạt hãng hàng không thua lỗ, nhiều điểm đến vắng khách du lịch, nhiều khách sạn, resort phải đóng cửa liên tục nhiều tháng và nhiều doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động... Đến hiện tại, không ai có thể dự báo được khi nào ngành du lịch mới có thể hồi phục khi làn sóng nhiễm Covid-19 mới vẫn đang lan rộng tại nhiều nơi như châu Âu, Mỹ.

WTA công bố các hạng mục giải thưởng năm 2020 dù đây là thời gian ngành du lịch gần như ngưng trệ vì Covid-19

Ảnh: chụp màn hình trang World Travel Awards

Như vậy, các hạng mục giải thưởng của WTA như “Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu”, “Khu nghỉ dưỡng xanh hàng đầu” và “Khu nghỉ dưỡng lãng mạn hàng đầu”; “Hãng hàng không hàng đầu”; “Nhà điều hành tour hàng đầu”, “Điểm đến hàng đầu”... khiến người nghe cảm thấy khó hiểu. Bởi thực tế, đại dịch Covid-19 tràn lan trên toàn cầu, từ tháng 3 đến nay, Việt Nam và rất nhiều nước vẫn chưa mở cửa cho các hãng bay thương mại, du lịch... Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam hầu như không có, khách trong nước thì mới đi “nhỏ giọt” trong tháng hè và cuối tháng 7 lại tái dịch, mọi hoạt động tụ tập đông người lại dè dặt hơn, các điểm du lịch nổi tiếng lại vắng hoe, thậm chí tiếp tục đóng cửa...
“Nếu đã không đi du lịch gần suốt năm qua, không được trải nghiệm thì làm sao có thể đưa ra các ý kiến đánh giá về điểm lưu trú, điểm nghỉ dưỡng, điểm đến xanh sạch đẹp? Trong khi đây là một giải thưởng được bình chọn hằng năm. Chẳng nhẽ những người bình chọn chỉ đánh giá dựa theo... hoài niệm từ những lần đi trước?
Trong khi rất nhiều điểm, nơi đã thay đổi theo một hoàn cảnh mới. Đặc biệt, từ đại dịch Covid-19, có quá nhiều điều thay đổi từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, từ chiến lược của doanh nghiệp, hình ảnh... Lẽ ra WTA nên thay đổi những tiêu chí mới trong bối cảnh ngành du lịch sống còn giữa dịch Covid-19”, một chuyên gia du lịch đặt vấn đề.

Cần các hạng mục sát thực tế hơn

Nhận xét về giải thưởng WTA 2020, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho rằng ngành hàng không, du lịch nói chung năm nay đã thay đổi rất lớn vì bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Những khu du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có khách mà vẫn được bình chọn là lãng mạn, là xanh, là tốt nhất có lẽ do họ tham gia chỉ dựa theo ký ức hay xem qua hình ảnh để bình chọn.
Vì vậy các kết quả năm nay có thể chưa sát thực tế ở những hạng mục cần có sự quan sát, trải nghiệm mới nhất. Vì vậy chuyên gia này cho rằng ban tổ chức cần phải xem lại, thậm chí có thể tạm hoãn bình chọn nếu như dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Đồng thời nên thay đổi một số hạng mục trong cơ cấu giải thưởng cho phù hợp với tình hình mới.
Ông Trần Trà, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, cũng lấy làm lạ về các tiêu chí, tên gọi giải thưởng trong năm “đại dịch toàn cầu”. Ông nói, cần có giải thưởng mang tính vinh danh, động viên các nhà làm dịch vụ du lịch đã vượt bão Covid-19 thành công thì hay hơn. Bởi khách quốc tế gần như đóng cửa, khách nội địa có nhưng rất thấp.
Đơn cử như giải thưởng dành cho nhà dịch vụ trụ vững được trong đại dịch này, giải thưởng cho sáng kiến độc đáo của người làm du lịch để thu hút khách nội địa, giải thưởng đồng hành với Chính phủ trong mùa Covid-19... Ông nói, ngành du lịch “te tua” nhất trong các ngành bị ảnh hưởng vì đại dịch, các tên gọi của giải thưởng WTA năm nay nên tập trung những yếu tố mang tính nhân văn hơn.
“Việt Nam thành công trong công tác dập dịch. Nếu tôi nhớ không nhầm, tối 20.3, ngay trong giai đoạn cả nước lo âu vì dịch bệnh, loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Vinpearl tại 17 tỉnh thành trên cả nước thắp sáng biểu tượng hình trái tim như thông điệp yêu thương gửi đến đội ngũ y bác sĩ đang lo phòng chống dịch Covid-19. Tôi làm trong ngành này nên rất để ý các chi tiết nhân văn, bởi những chi tiết nhỏ đó làm nên giá trị thương hiệu mà các giải thưởng du lịch quốc tế năm nay chưa làm được”, ông Trần Trà nêu ý kiến.
“Một giải thưởng lớn như WTA nếu vẫn giữ các hạng mục, tiêu chí bình chọn như nhiều năm trước trong khi năm 2020 cả thế giới nói chung và ngành du lịch nói riêng đã có những biến động chưa từng có sẽ khiến cộng đồng, khách du lịch có thể nghi ngờ về tính xác thực của những danh hiệu đã công bố. Từ đó cũng vô tình khiến cho những đơn vị đã đoạt các giải thưởng cao đôi khi bị tác dụng ngược trong truyền thông”, TS Phạm Trung Lương cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.