Em trai cố NSND Thanh Tòng: Bị khớp, huyết áp vẫn miệt mài truyền nghề

27/04/2021 15:56 GMT+7

Dù đã gần 60 tuổi, mắc bệnh huyết áp, khớp song nghệ sĩ Thanh Sơn vẫn miệt mài với hành trình truyền nghề cho những bạn trẻ yêu cải lương tuồng cổ.

Nghệ sĩ Thanh Sơn gây bất ngờ khi xuất hiện trong Sao nối ngôi (dự kiến lên sóng ngày 28.4 trên THVL1) để hỗ trợ cho thí sinh Hoài Thanh. Tại đây, ông có những chia sẻ thú vị về chương trình cũng như về cô học trò đặc biệt của mình. Nam nghệ sĩ chia sẻ: “Ngày trước tôi dạy ở trường nghệ thuật sân khấu, Hoài Thanh rất yêu nghề, học vũ đạo thường 2 tiếng nhưng cô bé nhiệt huyết, tôi nâng lên thành 3 - 4 tiếng. Hoài Thanh rất giỏi, điêu luyện, cố gắng học hành, thi thường 10 điểm, tham gia ít cuộc thi, nhưng đều đoạt giải cao và nhận huy chương”. Trước đây, nghệ sĩ Thanh Sơn cũng là người hướng dẫn, trợ diễn cho Bình Tinh, Trường Giang (quán quân Sao nối ngôi 2 mùa đầu).
Trong hậu trường, khi nói về sức khỏe của mình, nghệ sĩ Thanh Sơn tâm sự một lần ông diễn vai Quan Công thì tự nhiên xây xẩm mặt mày. Một học trò có mẹ là bác sĩ đã khám, phát hiện nam nghệ sĩ bị cao huyết áp, phải uống thuốc thường xuyên. Năm nay, em trai nghệ sĩ Thanh Tòng đã 59 tuổi rồi nhưng vẫn cố gắng làm gì được cho nghề thì làm. Trước hết, ông dạy thêm cho con cháu trong nhà, sau đó là cho những bạn trẻ còn mê nghề hát.

Ở tuổi gần 60, nam nghệ sĩ vẫn miệt mài truyền nghề cho thế hệ trẻ

Ảnh: BTC

Nam nghệ sĩ bộc bạch: “Ngày còn trẻ, tôi hát và chạy gối, đánh đấm nhiều. Đa số, nghệ sĩ cải lương tuồng cổ thường bị đau khớp gối. Có hôm, tôi đang diễn trên sân khấu mà đau, tôi nén mà lướt qua cơn đau, một thời gian sau vết thương cũ ngày càng trở nặng. Tuy nhiên, Tổ nghề cũng thương mà cho tôi tiếp tục với nghề. Mỗi khi đi diễn, khán giả nhìn tôi mà nhắc nhớ về anh trai Thanh Tòng. Điều này khiến cho tôi rất hạnh phúc”. Nghệ sĩ Thanh Sơn cũng cho biết ông đi diễn, đi dạy chủ yếu vì đam mê, chứ thù lao không đáng bao nhiêu.
Giọng ca sinh năm 1962 cũng nói về những khó khăn của sân khấu tuồng cổ ngày nay: “Lớp nghệ sĩ kế cận chưa đủ lực để kế thừa những tiền bối đi trước về cải lương tuồng cổ. Bởi nhiều em không được đào tạo bài bản, chỉ “học lỏm” các nghệ sĩ trước hay coi theo trên mạng. Sân khấu ngày trước có nhiều nghệ sĩ giỏi nhưng hiện tại đã rụng dần, cây cổ thụ của tuồng cổ đâu còn được mấy người, đa phần giải nghệ, lâu lâu đi hát cho vui hoặc định cư ở nước ngoài. Ở lứa của tôi còn có anh Bạch Long, tuy nhiên anh hoạt động bên kịch, phim nhiều hơn, anh Trường Sơn, Công Minh, Chí Bảo thỉnh thoảng xuất hiện, chỉ còn mình tôi hoạt động để vui cùng tụi nhỏ”.

Nghệ sĩ Thanh Sơn nhận xét: “Cây đa cây đề của tuồng cổ rơi rụng trong khi nghệ sĩ trẻ chưa đủ lực kế thừa”

Ảnh: BTC

Nghệ sĩ Thanh Sơn là hậu duệ đời thứ 3 của cải lương tuồng cổ Bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng. Ông sinh năm 1962, theo nghề từ năm 7, 8 tuổi. Thời gian đầu, nam nghệ sĩ cũng phải làm quân lượm tiền, cầm cờ chạy hiệu, bắt ngựa, dọn lớp... rồi học cả đánh trống, làm đèn, chỉnh âm thanh, đạo cụ, hậu đài. Nghệ sĩ Thanh Sơn nhớ lại: “Ba nói muốn giỏi nghề thì tất cả những thứ đó phải biết hết để sau này không ai làm khó mình”. Là con trai út cố nghệ sĩ Minh Tơ và là em trai của cố NSND Thanh Tòng, nghệ sĩ Thanh Sơn đang nỗ lực duy trì bộ môn cải lương tuồng cổ, phát triển đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Sơn.
Khi có tuổi, nghệ sĩ Thanh Sơn lại đau đáu với công tác truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đó là lý do ông gắn bó 15 năm với vai trò giảng viên vũ đạo tuồng cổ Khoa Kịch hát dân tộc (Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM), rồi mở lớp học dành cho các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật tuồng cổ. Em trai Thanh Tòng thuê một địa điểm ở quận 5, lặng lẽ dạy cho các bạn trẻ, chừng 3 tháng thầy trò làm một buổi báo cáo, tổ chức buổi diễn ấm cúng cho những người mê bộ môn nghệ thuật này. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, trưởng khoa kịch hát dân tộc từng nhận xét về người đồng nghiệp: “Cái người này có nhà mặt tiền cho thuê hằng tháng sống khỏe vậy mà thương nghề, muốn truyền nghề nên cặm cụi đi dạy hoài, dù tiền dạy chẳng bao nhiêu mà còn hao tốn sức lực”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.