Tàu thuyền ở Đà Nẵng ngại vào âu thuyền

30/11/2006 23:07 GMT+7

Trước mỗi cơn bão, chính quyền thành phố Đà Nẵng phải áp dụng đủ các biện pháp từ động viên đến cấm và cưỡng chế thì ngư dân mới chịu cho tàu chạy về trú tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). Mặc dù việc trú bão tại đây sẽ đảm bảo an toàn hơn cho tàu thuyền nhưng vì sao ngư dân lại ngại vào âu thuyền trú bão?

Hiu hắt âu thuyền Thọ Quang

u thuyền Thọ Quang có tổng diện tích mặt nước tương đương 58 ha với sức chứa từ 1.200 đến 1.500 tàu thuyền các loại. Với khoảng 2.035 tàu đánh bắt cá với công suất từ 10 CV đến 90 CV trở lên hiện có tại TP Đà Nẵng thì khi có bão xảy ra, âu thuyền sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho hơn 50% tàu thuyền. Tuy nhiên, trên thực tế thì số lượng tàu thuyền về trú tại đây rất ít. Vào ngày thường, cho dù kinh phí đậu đỗ chỉ 1.000 đồng/chiếc, nhiều nhất cũng chưa đến 100 chiếc vào đây, còn mùa mưa bão thì phải chờ đến lệnh bắt buộc. Theo số liệu từ BQL âu thuyền Thọ Quang, con số "kỷ lục" về số lượng các tàu đến trú ẩn tại đây là vào cơn bão số 8 năm ngoái với 750 chiếc, trong đó hơn 100 chiếc là các tàu tỉnh bạn.

Thời điểm cơn bão Xangsane vừa qua, con số tàu tại âu thuyền chỉ là 488 chiếc, với bão Cimaron, thì cũng chỉ 290 chiếc. Trong khi đó, phần đông tàu thuyền lại tập trung đậu dọc hai bờ sông Hàn hoặc rải rác các nơi khác mà ở những vị trí này, khi có bão, tàu dễ bị sóng đánh chìm, vỡ. Biết là vậy nhưng nhiều người dân vẫn cố gắng bám trụ, chỉ đến khi thành phố có lệnh cấm, cưỡng chế thì họ mới chịu về âu thuyền. Trước bão Xangsane, mặc dù cảnh sát đường thủy đã tổ chức vận động, bắt buộc di chuyển đối với phương tiện đậu đỗ dọc sông Hàn phải về âu thuyền Thọ Quang để tránh bão nhưng vẫn còn 130 phương tiện còn neo lại trên sông Hàn. Một số trường hợp còn viện lý do máy hỏng hay không có lái tàu, cốt chỉ để neo đậu lại.

Vì sao ngư dân ngại vào âu thuyền?

Ngoài nguyên nhân do âu thuyền chưa đảm bảo các dịch vụ sinh hoạt đi kèm như không có dịch vụ ăn uống, nước ngọt dành cho ngư dân, việc canh giữ tàu sẽ khó khăn... thì nguyên nhân chính theo ngư dân Lê Xuân Lý, chủ tàu DNA 90134 (phường Xuân Hà, Q.Thanh Khê): "u thuyền chỉ có một ngõ duy nhất là lối ra vào nên thuyền nào vào trú bão đầu tiên, khi bão tan sẽ là thuyền ra cuối cùng vì đã bị các tàu vào sau đậu choán lối đi. Nếu muốn ra khơi sớm cũng chịu,  mà phải đợi các thuyền đậu sau ra


Tàu bị mắc cạn ở âu thuyền vẫn chưa được kéo

hết rồi mới đến lượt mình nên ngư dân ngại vào âu thuyền. Nhiều người không có sự lựa chọn nào khác thì cứ đậu phía ngoài cửa âu thuyền, đến khi bão mới chạy vào. Trường hợp chạy không kịp thì hậu quả cũng khó lường".

Được biết, theo thiết kế ban đầu thì âu thuyền có hai cửa dùng để ra vào, nhưng từ khi dự án xây dựng công trình cầu Thuận Phước được triển khai thì một cửa đã bị bít do có cầu chạy qua. Vậy là đành chịu vào ra theo chế độ "một cửa". Đây cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền do dòng nước không thể lưu thông, âu thuyền trở thành nơi tù đọng của rác rưởi được tấp vào từ biển, rồi nước thải sinh hoạt từ các tàu. Nhiều ngư dân e ngại khi sắp đến, dự án dời bến cá Thuận Phước về tại âu thuyền Thọ Quang mà vẫn cứ tình trạng một cửa này thì mức độ ô nhiễm môi trường, nguồn nước sẽ khó lường.

Không chỉ vậy, tàu vào âu thuyền trú bão thường bị mắc cạn vì cấu trúc phần bờ kè của âu thuyền theo hình dốc thoai thoải. Ông Ngô Nam Trung, chủ tàu QNg 98895 (Đức Phổ, Quảng Ngãi) nói: "Khi nước lên, thuyền lên theo nước. Vì đậu sát nhau nên chiếc ngoài dồn chiếc trong lên sát bờ. Đến khi bão tan, nước rút, thuyền bị mắc cạn". Phó trưởng ban quản lý âu thuyền Thọ Quang, ông Phạm Bá Hùng cho biết: cơn bão số 6 vừa qua, trong tổng số 488 tàu neo đậu tại âu thuyền thì có đến 115 tàu bị lâm vào tình trạng mắc cạn. Một số đã được đưa xuống bờ với sự giúp đỡ của bộ đội hải quân, nhưng nhiều tàu thì vẫn phải tự lo. Đó là chưa kể đến việc đậu san sát nhau, không thể điều khiển tàu được nên lúc sóng lớn, chuyện các tàu va đập làm hư hỏng, chìm tàu cũng không phải là chuyện lạ. Kinh phí cho một lần tu sửa, kéo tàu không phải nhỏ. Được biết, một lần trục kéo tàu xuống nước ít nhất cũng 10 triệu đồng. Các tàu to, công suất lớn thì cũng mất từ 15-30 triệu nên đến ngày 1/11, khi chúng tôi có mặt tại âu thuyền Thọ Quang thì vẫn còn vài chiếc tàu mắc cạn nằm chỏng chơ trên bờ kè âu thuyền vẫn chưa được kéo xuống nước.

Mùa mưa bão ngày càng khắc nghiệt với những trận cuồng phong. Đánh bắt thủy hải sản là thế mạnh của TP Đà Nẵng. Có lẽ những nhược điểm trên tại âu thuyền Thọ Quang cần phải được tính lại!

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.