Cánh diều vàng 2006: Lượng ứng viên ít ỏi

03/04/2007 11:13 GMT+7

7 phim truyện nhựa, một con số ít ỏi để tranh giải Cánh diều vàng 2006. Hãng phim tư nhân Phước Sang lần này gửi đến dự thi 2 tác phẩm cho cả hai dòng: nghệ thuật và thương mại. Với cơ cấu giải thưởng vừa thiếu lại vừa... thừa, cộng với xu hướng "ngày càng phình ra", xem ra 7 phim dự giải này sẽ được hứng cả một "cơn mưa Cánh diều" với trung bình vài ba giải thưởng cho một đầu phim.

Vì sao lượng ứng viên ít ỏi?

Lâu lắm rồi, có lẽ cũng đã hơn chục năm, số lượng phim Việt tham dự giải thưởng hàng năm của Hội nghề nghiệp mới "hẻo" đến thế. Vào năm 1997-1998, có 7 phim tham gia thì cả 7 phim đều "ẵm" giải (cơ cấu lúc đó là giải A, giải B và giải khuyến khích) đã khiến dư luận được một phen ì xèo. Đành rằng, "so bó đũa chọn cột cờ", nhưng lại không quyết liệt để chọn một, cho nên, giải thưởng được phân phát theo kiểu chia đều, khiến cho người được trao cũng chẳng thấy vinh dự gì.

Nếu tính số lượng thực tế những phim đã hoàn thành trong năm nay thì con số chắc cũng khoảng hơn chục. 7 tác phẩm tranh Cánh diều vàng đợt này, bao gồm: Áo lụa Hà Đông (Hãng Phước Sang), Chuông reo là bắn, Cú đấm (Hãng phim Giải Phóng), Sinh mệnh (Hãng phim truyện 1), Khi nắng thu về (Hãng phim truyện Việt Nam) và tác phẩm hợp tác Hà Nội, Hà Nội (Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam và Hãng phim Vân Nam, Trung Quốc).

Những phim chậm chân không kịp tham gia vì cả loạt lý do có: Vũ điệu tử thần (Hãng phim truyện Việt Nam - Hội đồng duyệt quốc gia chưa duyệt kịp), Giá mua một Thượng đế (Hãng phim Giải Phóng - đang làm hậu kỳ chưa xong), Trai nhảy (Hãng phim Thiên Ngân), Dòng máu anh hùng (Hãng phim Chánh Phương) đã xong nhưng không rõ vì nguyên nhân gì mà nhà sản xuất không gửi dự giải.

Con số ít ỏi này đã phản ánh một thực trạng hiện nay của điện ảnh nước nhà, vào buổi giao thời đầy khó khăn giữa cơ chế cũ và mới. Cũ chưa đoạn tuyệt được hẳn, còn mới cũng chưa hẳn thành hình. Cơ chế đấu thầu chưa thực hiện được, con số phim nhỏ bé cuối cùng qua được cửa Hội đồng phê duyệt trong diện tài trợ lại chưa thể bấm mày vì phải đợi kinh phí, đợi huy động thêm nhiều nguồn vốn xã hội hoá...

Bản copy tồi

Từ khi giải thưởng thường niên của Hội điện ảnh Việt Nam chính thức mang tên Cánh diều vàng, cơ cấu giải thưởng đã qua vài ba lần thay đổi. Người quan tâm đến điện ảnh đều nhận ra, Cánh diều vàng - tính tới thời điểm 2005 là một bản copy tồi của Oscar.

Nói copy tồi vì trái với những yêu cầu rất khắt khe về việc phim phải ra rạp trong một khoảng thời gian nhất định nào đó mới được tham gia, đằng này Ban tổ chức giải Cánh diều vàng chấp nhận mọi đầu phim (mảng phim truyện nhựa) đã hoàn thành, đã được Hội đồng phê duyệt quốc gia cấp phép phát hành, còn đã ra rạp và nhận được sự thẩm định từ phía khán giả hay chưa thì... không thuộc thẩm quyền của Hội.

Vì thế mới có chuyện khản giả theo dõi Lễ trao giải Cánh diều vàng 2005 ngạc nhiên nhìn 2 đoàn làm phim Sống trong sợ hãiChuyện của Pao "ẵm" gần hết các giải thưởng danh giá nhất, mà chả hiểu phim "mặt ngang mũi dọc" ra sao!

Và hy hữu hơn, Trò đùa của Thiên Lôi (đạo diễn Nguyễn Quang, Hãng phim truyện 1 sản xuất) đã từng đoạt Cánh diều bạc cách đây 2 năm, cô ca sỹ người CH Czech gốc Việt Tinna còn đoạt cả giải Nữ diễn viên triển vọng, thế nhưng, không hiểu vì lý do gì cho đến bây giờ vẫn chưa "xuất đầu lộ diện".

Thêm một lý do cho bản copy tồi nữa: dù đã cố gắng tới mức tối đa, Ban tổ chức vẫn chẳng thể giữ bí mật kết quả tới phút chót. Trước giờ trao giải, mọi giải vàng, giải bạc đã được giới báo chí đọc vanh vách.

Sẽ có một cơn mưa giải thưởng?

Năm nay, để đáp ứng yêu cầu chính đáng của dư luận, chiều theo mong muốn mở rộng cơ cấu cũng như số lượng giải thưởng chính thức của các hội viên có phim tham dự (đồng nghĩa với việc xác suất phim của mình ra về trắng tay sẽ được giảm thiểu tới mức tối đa!), ngoài hơn chục giải chính - phụ cho các tác phẩm và lẫn cả cá nhân, Ban tổ chức đành khôi phục lại Cánh diều bạc và thêm hai giải mới toanh: Phim có doanh thu cao nhất, Phim có đông khán giả nhất.

Nghe thì có vẻ lẩm cẩm vì thoạt nhìn qua, hai giải này thực ra chỉ là một. Đông khán giả nhất cũng đồng nghĩa với doanh thu cao nhất. Vậy là để cho kín kẽ, BTC thêm vào phần ngoặc đơn: đông khán giả nhất (không bán vé).

Sáng kiến này có vẻ xuất phát từ hai quan điểm về lượng khán giả đích thực tại LHPVN được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vừa qua, của hai đạo diễn Lê Hoàng và Đỗ Minh Tuấn, trong đó lý luận chính của ông Tuấn là nếu tính toàn bộ người xem (mua vé hay xem miễn phí) đã từng thưởng thức Ký ức Điện Biên của ông thì số khán giả làm nên doanh thu hơn chục tỷ đồng của Gái nhảy xem ra chẳng nhằm nhò gì.

Hai giải thưởng này, được sinh ra chắc cũng dành cho hai dạng phim: nghệ thuật (vốn lâu nay được nhà nước hỗ trợ khâu phát hành, bao gồm cả chính sách đưa phim tới vùng sâu vùng xa nhằm phục vụ mục đích chính trị) và thương mại (lấy hút khách làm tiêu chí hàng đầu).

Giải doanh thu cao nhất xem như đã cầm chắc trong tay Võ lâm truyền kỳ, với con số tiền vé 16 tỷ đồng. Cánh diều vàng, rất nhiều khả năng sẽ lọt vào tay đoàn làm phim Áo lụa Hà Đông. Nếu đoạt thêm giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Trương Ngọc Ánh, Hãng phim Phước Sang sẽ có một vụ mùa bội thu đến mức hoàn hảo.

Được dư luận xếp ở vị trí tiếp theo có Sinh mệnh (đạo diễn Đào Duy Phúc), Hà Nội, Hà Nội ( đạo diễn Bùi Tiến Dũng). Và chỉ làm một phép tính chia đơn giản, mỗi đầu phim (7 phim) sẽ phải gánh gồng trên mình trung bình ba bốn giải là ít. Hội hè, vui là chính, và nhiều giải để chia nhau đến thế thì chắc chắn cả làng sẽ cùng vui?

(Theo ANTĐ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.