Giám đốc Phú An Sinh chiếm dụng 51 tỉ đồng từ quỹ bình ổn giá

31/05/2016 13:41 GMT+7

Sau khi ký lấy được số tiền hơn 51 tỉ đồng của nhà nước, ông Minh đã chiếm dụng để trả nợ, lãi ngân hàng, chi phí mua sắm, hoạt động của công ty mình.

Ngày 31.5, TAND tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và chế biến thực phẩm Phú An Sinh (gọi tắt là Công ty Phú An Sinh) đối với bị cáo Phạm Văn Minh (50 tuổi, ngụ TP.HCM), nguyên Giám đốc công ty này. 
Nhận hơn 51 tỉ đồng, trả lại hơn 10 tỉ đồng
Theo cáo trạng, trong năm 2010, Công ty Phú An Sinh do ông Phạm Văn Minh làm chủ đã tạm ứng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện hai chương trình bình ổn giá do Sở Công thương và Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện với tổng số tiền 51,5 tỉ đồng.
Ngày 9.11.2010, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định tạm ứng vốn ngân sách hỗ trợ 4 doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa để đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh 6 tháng cuối năm và Tết Tân Mão 2011, trong đó Công ty Phú An Sinh được tạm ứng 16,5 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng với Sở Công thương, ngày 3011.2010, Công ty Phú An Sinh được nhận số tiền 16,5 tỉ đồng. 
Mặc dù đây là số tiền để doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá nhưng ông Minh đã sử dụng cá nhân.
Theo kết quả điều tra, ông Minh chỉ sử dụng 560 triệu đồng để thực hiện chương trình bình ổn giá. Số tiền còn lại ông Minh dùng để trả tiền vay ngân hàng, trả lãi ngân hàng…
Thế nhưng, để qua mặt Sở Công thương, Công ty Phú An Sinh đã có báo cáo bằng email là bán được 26 tỉ đồng tiền hàng hóa trên nguồn vốn được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cung cấp 16,5 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Phú An Sinh mới trả cho Sở Công thương hơn 9,1 tỉ đồng.
Tương tự, từ tháng từ tháng 8 đến 10.2010, Công ty Phú An Sinh ký 7 hợp đồng tạm ứng tổng số tiền 35 tỉ đồng với Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thu mua giết mổ, trữ đông, bình ổn thị trường để phòng chống dịch heo tai xanh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, Công ty Phú An Sinh chỉ sử dụng hơn 10 tỉ đồng để mua heo; số tiền gần 25 tỉ đồng còn lại công ty dùng để trả tiền vay, mua nhà máy, trang trại heo, chi phí hoạt động, tra nợ vay bình ổn Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP.HCM và Ngân hàng Công thương, nộp tiền vào nhiều ngân hàng khác…
Đến thời điểm hiện tại, Công ty Phú An Sinh chỉ trả cho Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 1,5 tỉ đồng.
Vòng vo 
Tại tòa, chủ tọa hỏi bị cáo Minh tại sao biết được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chương trình bình ổn giá? Ai giới thiệu cho bị cáo đến Sở Công thương, Sở NN-PTNT? Bị cáo Minh trả lời qua báo chí biết Sở Công thương có chương trình nên bị cáo đến trình phương án; còn với Sở NN-PTNT là do Chi cục thú y giới thiệu. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công thương, chương trình bình ổn giá không đăng thông tin trên báo chí.
Chủ tọa hỏi đại diện Sở Công thương trước khi ký hợp đồng với Công ty Phú An Sinh có đi kiểm tra, xem xét năng lực của công ty này không? Đại diện Sở Công thương trả lời với chủ tọa là điều kiện các công ty tham gia chương trình bình ổn giá thì không có tiêu chí xem xét năng lực của công ty.
Trong khi đó, đại diện Sở NN-PTNT thì trả lời có thành lập đoàn kiểm tra nhà máy Công ty Phú An Sinh và tại thời điểm đó, công ty này đủ năng lực, điều kiện để giết mổ, trữ đông thịt heo.
Trong phần xét hỏi về số tiền bị cáo đã sử dụng sai mục đích, bị cáo Minh đã nhiều lần trả với vòng vo nên bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở.
Phiên tòa tiếp tục vào chiều nay (31.5).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.