Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh: "Chúng tôi đã thấy rõ trách nhiệm của mình !"

06/09/2006 23:26 GMT+7

Dư luận trong mấy ngày qua tỏ ra vẫn chưa hài lòng về cách tiếp nhận, xử lý bước đầu vụ "chạy trường" xảy ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn. Chiều qua 6/9, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Huỳnh Công Minh đã có một buổi trao đổi thẳng thắn với PV Thanh Niên về những vấn đề trọng tâm.

* Ông đã từng nói "Chạy trường là tìm cách để nhờ ưu tiên gửi gắm thì năm nào cũng xảy ra, có hai cách chạy trường: một là nhờ mối quen thân, hai là lo lót tiền bạc…". Cả hai cách, ông đều lên án. Vậy, tại sao Sở GD-ĐT lại để tình trạng "chạy trường" kéo dài, dẫn đến hậu quả như hiện nay?

- Những biện pháp khắc phục của ngành đã thực hiện như xây dựng, nâng cấp trường sở đồng đều, xóa bỏ trường chuyên lớp chọn, nâng cao chất lượng đào tạo ở các nhà trường; làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm cán bộ giáo viên; thiết lập quy trình tuyển sinh phù hợp... Năm học này, chúng tôi đã chọn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong làm thí điểm bỏ lớp dự bị nhằm góp phần xóa bỏ nạn chạy trường. Chúng tôi phải làm thí điểm vì đây là một vấn đề xã hội đã kéo dài nhiều năm, cần phải có sự đồng thuận của xã hội trước khi mở rộng đại trà. Kết quả tuyển sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm nay rất tốt, có khả năng triển khai rộng trong năm học tới.

* Bà Trần Thanh Vân đã từng trả lời trên một tờ báo rằng: "Danh sách tuyển sinh phải được Phòng Khảo thí duyệt thì danh sách đó mới là danh sách chính thức. Diện thân nhân được Sở cho phép là con, cháu giáo viên, các quan hệ xã hội khác giữa nhà trường với các cơ quan ban ngành, bất kỳ giáo viên nào cũng được nhận thêm học sinh". Đề nghị ông giám đốc xác nhận có đúng là chủ trương của Sở hay của riêng bà Trần Thanh Vân tại Trường THPT Lê Quý Đôn? Nếu là chủ trương của Sở thì xin ông cho biết thế nào là "các quan hệ xã hội" giữa nhà trường với các cơ quan, ban ngành?

- Quy trình tuyển sinh lớp 10 ở các trường THPT là học sinh ghi nguyện vọng chọn trường (vào tháng 4, tháng 5 hằng năm). Sau đó, các em thông qua kỳ thi (vào đầu tháng 6). Kết quả công bố vào đầu tháng 7. Sở GD-ĐT duyệt danh sách trong tháng 8 và thanh tra tuyển sinh vào đầu năm học. Trong quy trình tuyển sinh ấy, vai trò Hội đồng tuyển sinh của nhà trường là quyết định (theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT). Trong trường hợp tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, hệ công lập tuyệt đối không cho tuyển thêm, chỉ cho tuyển thêm hệ bán công cho đủ số. Nguyên tắc tuyển thêm là chọn học sinh có điểm tuyển cao mà chưa có chỗ học vì số chỉ tiêu thiếu hằng năm thường không nhiều. Nhưng điều quan trọng là phải thông qua tập thể Hội đồng tuyển sinh nhà trường. Về chế độ ưu tiên cho giáo viên là có nếu là con ruột, không có chỗ học và cũng phải được công khai trong Hội đồng tuyển sinh nhà trường.

* Thanh tra Sở kết luận hồ sơ tuyển sinh của Trường THPT Lê Quý Đôn từ năm 2002 đến nay làm đúng quy định tuyển sinh của Sở. Quy định của Sở có chấp nhận cho giáo viên nhận thêm học sinh từ các quan hệ thân quen xã hội? Có bao nhiêu trường hợp Trường THPT Lê Quý Đôn nhận học sinh từ các quan hệ thân quen xã hội từ năm 2002 đến nay? Trong đó có các trường hợp đang bị tố cáo?

- Nội dung kết luận thanh tra như đã thông báo bước đầu của Đoàn, chưa phải đã kết thúc. Đoàn thanh tra sẽ trả lời cụ thể khi kết thúc nhiệm vụ của mình.

* Ông đã khẳng định trước dư luận: "Dưới góc độ quản lý, Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn phải kiểm điểm một cách nghiêm túc. Trong một tập thể thì thủ trưởng đơn vị đó phải có trách nhiệm liên đới". Vậy, dưới góc độ quản lý, để xảy ra hàng loạt tiêu cực trong ngành, Giám đốc Sở GD-ĐT có phải chịu trách nhiệm liên đới không? Đến mức độ nào?

- Khi nói đến trách nhiệm liên đới, thì trước hết phải nhận thức được sự liên đới. Trách nhiệm của hiệu trưởng là người tổ chức thực hiện các chủ trương của Nhà nước tại đơn vị. Đối với hoạt động của một giáo viên thì hiệu trưởng là người trực tiếp tổ chức giáo viên ấy thực hiện nhiệm vụ thông qua cơ chế tổ chức quy định của nhà trường. Giám đốc Sở là người điều hành cơ quan Sở triển khai đầy đủ những chủ trương, đường lối của Bộ GD-ĐT về chuyên môn và tham mưu với lãnh đạo địa phương quản lý GD-ĐT. Đối với hoạt động của một giáo viên thì Sở là một cấp quản lý gián tiếp thông qua các chủ trương và quy chế hoạt động. Trước sự việc của Trường THPT Lê Quý Đôn mà Báo Thanh Niên phản ảnh, chúng tôi đã thấy rõ trách nhiệm của mình, đã tổ chức lực lượng thanh tra và đến ngay với báo tìm hiểu sự việc để giải quyết. Chúng tôi còn xem đây là bài học kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh mà tất cả các nhà trường phải học tập.

* Ông đã từng nói: "Đây không phải là sự việc của một trường mà là danh dự của ngành giáo dục". Ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu: "Chống tiêu cực, gian lận trong thi cử không phải vì ngành giáo dục mà vì chính các em học sinh". Ông Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP cho rằng: "Nhân Báo Thanh Niên phát hiện vụ việc này, lãnh đạo TP nên mạnh dạn cắt bỏ khối u đã biết râm ran từ lâu nhưng chưa có chứng cứ". Với trách nhiệm lãnh đạo cao nhất của ngành tại TP.HCM, ông sẽ làm gì để cắt bỏ khối u tiêu cực vì danh dự của ngành và vì tương lai các em học sinh?

Sự việc ở Trường THPT Lê Quý Đôn mà Báo Thanh Niên đăng tải, Sở GD-ĐT chúng tôi rất hài lòng, vì vấn đề chạy trường dư luận đã đề cập đến từ lâu nhưng không có chứng cứ cụ thể. Đây là một trường hợp cụ thể dấy lên thành phong trào để giải quyết đến nơi đến chốn, nhằm làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ uy tín của ngành, của thầy cô giáo. Làm gì để xóa bỏ tiêu cực chạy trường? Trước hết là sự quyết tâm của ban lãnh đạo ngành: sáng 24.8 Báo Thanh Niên đăng bài, ngay buổi chiều hôm ấy chúng tôi đã cử đồng chí Phó giám đốc Sở đến báo làm việc và đã lập đoàn thanh tra ngay trong ngày do đồng chí Chánh thanh tra của ngành làm trưởng đoàn. Chúng tôi cũng nhận thức rất rõ rằng vấn đề chạy trường không chỉ dừng lại trong trường và rất phức tạp, khá nhiều ngõ ngách trong xã hội nên chúng tôi đã xin được sự tăng cường từ thanh tra của Bộ và của Công an TP. Với lực lượng thanh tra triển khai như vậy, tôi tin chắc sẽ giải quyết đến nơi đến chốn.

* Bà Trần Thanh Vân cho rằng sự việc không đến mức nghiêm trọng và bà Hòa phải mất 10 ngày mới viết xong bản kiểm điểm. Thanh tra Sở cho rằng rất nghiêm trọng, dự kiến 1 tuần nhưng mới 3 ngày đã tiếp xong các đương sự, những nhân chứng liên quan, đã kiểm tra xong hồ sơ tuyển sinh 5 năm từ 2002 đến nay và đã họp báo đưa ra kết luận. Dư luận xã hội cho rằng làm qua loa, chiếu lệ, bao che. Theo ông đánh giá thế nào? Làm như vậy liệu có cắt nổi khối u đã di căn như hiện nay không?

- Qua kết luận của thanh tra như đã công bố là kết luận bước đầu, hoàn toàn chưa phải là sự kết thúc. Sau khi khai giảng, Đoàn thanh tra sẽ làm ráo riết các phần việc còn lại, khẩn trương nhưng phải đúng pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

Hữu Phú
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.