Giám đốc thẩm bác kháng nghị, vụ án Hồ Duy Hải sẽ ra sao ?

Phan Thương
Phan Thương
10/05/2020 06:17 GMT+7

Ngày 8.5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải .

Theo quy định, quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực ngay từ ngày ban hành. Vậy phải chăng sau khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 8.5 có quyết định giám đốc thẩm giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải thì vụ án sẽ nhanh chóng khép lại?
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 8.5, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải - bị kết án về hành vi giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) vào đêm 13.1.2008. Bên cạnh những tranh luận xung quanh nội dung quyết định giám đốc thẩm, nhiều bạn đọc cũng đặt câu hỏi: Liệu Hồ Duy Hải có còn cơ hội nào để tiếp tục kêu oan hoặc hoãn thi hành án tử hình?

Hội đồng thẩm phán nhận định: "Trong những thời điểm quan trọng, Hồ Duy Hải đều thừa nhận hành vi phạm tội" - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Vẫn có thể xem xét lại quyết định giám đốc thẩm

Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao, cho biết vụ án Hồ Duy Hải có những vi phạm rất nghiêm trọng về mặt tố tụng và việc đánh giá chứng cứ để buộc tội cũng chưa ổn. Vì vậy, nếu có căn cứ xác định quyết định của HĐTP TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định giám đốc thẩm, thì trong quyền hạn theo luật định tại điều 404 bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, các cơ quan gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao sẽ có kiến nghị và yêu cầu xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
Cụ thể, ông Phạm Công Hùng cho hay, khi Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao có kiến nghị thì HĐTP TAND tối cao sẽ mở phiên họp xem xét lại quyết định giám đốc thẩm. Sau khi kết thúc phiên họp xem xét kiến nghị, HĐTP TAND tối cao gửi văn bản thông báo kết quả phiên họp. “Trường hợp Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Viện trưởng Viện KSND tối cao không nhất trí với kết quả phiên họp của HĐTP TAND tối cao thì hai cơ quan này tiếp tục có quyền báo cáo sự việc lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Hùng ý kiến.
Cũng theo ông Phạm Công Hùng, nếu xét thấy báo cáo của Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện KSND tối cao có căn cứ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chánh án TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm. Lúc này, Chánh án TAND tối cao phải tổ chức việc thẩm định hồ sơ vụ án và tổ chức việc xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật trong trường hợp cần thiết.
“Theo điều 409 BLTTHS, việc thẩm định hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải làm rõ có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có hay không có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định giám đốc thẩm”, ông Hùng nhấn mạnh và cho biết thêm trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐTP TAND tối cao phải mở phiên họp xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, cho biết sau khi nhận được quyết định giám đốc thẩm thì ông và gia đình bị án sẽ tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Viện trưởng Viện KSND tối cao, đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.

Tòa giám đốc thẩm nhìn nhận Hồ Duy Hải tiêu thụ tài sản trong vụ án như thế nào? - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Bị án còn cơ hội xin ân xá ?

Đối với việc thi hành án tử hình Hồ Duy Hải, liệu bị án này còn có thể làm đơn xin Chủ tịch nước ân xá thêm một lần nữa, khi trước đó năm 2012 Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình đối với Hồ Duy Hải và theo quyết định giám đốc thẩm thì quyết định này vẫn đang có hiệu lực.
Về vấn đề này, thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên luật Khoa Luật Trường đại học Kinh tế, cho biết điều 395 BLTTHS năm 2015 nêu quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực từ ngày ra quyết định, cụ thể trong vụ án Hồ Duy Hải là ngày 8.5. Vì vậy, theo logic thì hiệu lực thi hành án tử hình đối với Hải sẽ tính lại từ ngày 8.5. “Do đó, các thủ tục thi hành án tử hình (nếu có) đối với Hồ Duy Hải phải thực hiện lại từ đầu. Thêm một lần nữa, Hải có cơ hội làm đơn xin Chủ tịch nước ân xá thêm một lần nữa. Nếu Chủ tịch nước vẫn bác đơn xin ân xá thì lúc đó mới thành lập Hội đồng thi hành án và ra quyết định thi hành bản án”, thạc sĩ Quang nêu.
Luật sư Lê Quang Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết thêm giám đốc thẩm là thủ tục xem xét lại bản án có hiệu lực pháp luật có vi phạm, oan sai hay không. Vì vậy, sau khi có quyết định giám đốc thẩm thì bị án vẫn có quyền gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước. “Ân xá không nằm trong thủ tục tố tụng mà là tính nhân đạo, khoan hồng đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định. Vì vậy, khi chưa thi hành án tử hình, tử tù có quyền gửi đơn để được xem xét”, luật sư Vũ nói.

Tòa giám đốc thẩm lý giải về việc cơ quan điều tra mua dao và thớt trong vụ án Hồ Duy Hải - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Tối 13.1.2008, hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Đến ngày 21.3.2008, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An khởi tố, bắt tạm giam Hồ Duy Hải.
Ngày 1.12.2008, TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về 2 tội giết người và cướp tài sản. Ngày 28.4.2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Sau bản án tử hình, Hồ Duy Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình. Tuy nhiên, ngày 24.5.2011, Chánh án TAND tối cao có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm (thời điểm này chánh án là ông Trương Hòa Bình). Sau đó, ngày 24.10.2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm (thời điểm này viện trưởng là ông Nguyễn Hòa Bình). Ngày 17.5.2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Bất ngờ, ngày 4.12.2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không. Cùng ngày 4.12.2014, Hội đồng thi hành án tử hình Long An ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Ngày 22.11.2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao ký ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị HĐTP TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình, để điều tra lại.
Ngày 8.5, HĐTP TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.