Đầu tiên, giảm lãi vay thì ngân hàng mới có thể đẩy mạnh cho vay. Giữ lãi cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp kiệt quệ, sức mua sụt giảm, rất nhiều người nói thẳng, có vay được họ cũng không dám vay. Bởi lợi nhuận kiếm được chưa chắc đủ trả lãi cho ngân hàng. Nên nhớ, hoạt động kinh doanh của hầu hết ngân hàng hiện nay vẫn phụ thuộc chính vào tín dụng, nghĩa là huy động và cho vay. Nhưng quý 1 vừa rồi, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt hơn 2,06%. So với mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% của năm 2023 thì mức tăng này là khá khiêm tốn.
Thực tế từ cuối tháng 2 để "kích cầu", một số nhà băng đã tung ra các gói tín dụng trị giá hàng trăm nghìn tỉ đồng nhưng vẫn không ăn thua vì số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản tăng; rất nhiều công ty đang sản xuất cầm chừng, khách hàng cá nhân cũng không gồng nổi lãi suất phải tìm mọi cách tất toán hợp đồng trước hạn nên tín dụng khó tăng mạnh trở lại.
Nguy cơ thứ 2 nguy hiểm hơn. Nếu không giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng kinh doanh, giải phóng tồn kho, tăng sức cạnh tranh thì nguy cơ nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ tăng, sẽ phát sinh trong tương lai gần. Bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng trong quý 1 vừa qua cũng hé lộ phần nào nguy cơ này. Dù lợi nhuận lớn nhưng nợ xấu, nợ dưới chuẩn của nhiều nhà băng đã tăng cao. Dẫn ra để thấy, việc giảm lãi vay, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ hơn, hợp lý hơn không phải là "ban ơn", là cứu doanh nghiệp mà việc này cũng chính là tự cứu mình. Bởi doanh nghiệp quá khó, phá sản thì ngân hàng cũng lãnh đủ nợ xấu.
Trong bối cảnh hiện nay, việc giảm lãi vay càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta đều biết, sau cú sốc tăng trưởng GDP quý 1 không đạt mục tiêu, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đã và đang hết sức quyết liệt từ việc ban hành cũng như triển khai nhiều cơ chế, chính sách, quy định tháo gỡ các nút thắt pháp lý, khơi thông kênh dẫn vốn... cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Đến thời điểm này, dù mới chỉ hết tháng đầu tiên của quý 2 nhưng những tín hiệu lạc quan đã xuất hiện. Đó là số lượng doanh nghiệp thành lập mới tháng 4 trên cả nước tăng mạnh trở lại với 16.000 đơn vị. Con số này hết sức có ý nghĩa vì chúng ta đều biết, kết thúc quý 1/2023, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhưng đến tháng 4, xu hướng này đã có sự đảo chiều trở về đúng quỹ đạo như nói trên. Tương tự, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cán cân thương mại của Việt Nam đang thặng dư lớn. Bên cạnh đó, các chỉ số vĩ mô như tỷ giá, lạm phát... đều ổn định. Đầu tàu kinh tế TP.HCM gần "đội sổ" về tăng trưởng trong quý 1 cũng đã có những tín hiệu tốt trở lại. Trên nền tảng của sự quyết tâm lấy lại những gì đã mất, trên cơ sở của những điểm sáng bắt đầu hé lộ, nếu được tiếp sức bằng một mức lãi suất thấp hơn, chi phí vốn rẻ hơn, đà phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp và của nền kinh tế chắc chắn sẽ nhanh chóng hơn.
Có thể khẳng định, giảm lãi suất chính là một mũi tên, trúng nhiều đích.
Bình luận (0)