Gian lận thi cử đang bị toàn cầu hóa

29/03/2006 22:10 GMT+7

Chuyện học sinh, sinh viên gian lận trong thi cử không còn là điều hiếm thấy mà đã lan rộng thành đại dịch ra khắp thế giới.

“Ai cũng làm vậy mà...”

Chris chưa bao giờ tự coi mình là người gian lận mặc dù đã 4 năm nay, cậu sinh viên 21 tuổi đang theo học một trường đại học danh tiếng tại California thường xuyên sử dụng đủ các mánh khóe để vượt qua các kỳ thi: đạo văn, xem trước câu hỏi, trao đổi qua điện thoại di động. Điều lạ là Chris không hề coi đó là những việc làm đáng xấu hổ. "Ai cũng làm như vậy mà, có sao đâu !".

Nhận xét của Chris chẳng làm mấy ai ngạc nhiên. Một thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ sinh viên đại học gian lận thi cử trên khắp thế giới đã lên tới mức độ báo động. Nghiên cứu của Trung tâm vì sự trong sạch học đường của Đại học Duke (Mỹ) tiến hành trên 50.000 sinh viên đại học và 18.000 học sinh trung học cho thấy hơn 70% người được hỏi thú nhận thường xuyên gian lận khi thi cử. Năm 1993, tỷ lệ này mới chỉ là 56% và năm 1963 là 26%. Nạn đạo văn trên internet đã tăng gấp 4 lần trong 6 năm trở lại đây. Ở Anh, một báo cáo do chính phủ tài trợ cho thấy tình trạng gian lận thi cử trong các kỳ thi mức A (A's level) và GCSE do nhà nước mở hằng năm đã lên tới mức đáng báo động, khiến Bộ trưởng giáo dục Ruth Kelly phải kêu gọi cần gấp rút cải tổ hệ thống thi cử trước năm 2008. Kỳ thi TOEFL, cơ sở để các trường đại học Mỹ tuyển sinh viên nước ngoài phần nào giảm chất lượng vì thí sinh có thể dễ dàng tìm kiếm đáp án từ trước do rất nhiều trang web của hàng trăm trường đại học châu Á đăng tải. Tại Ấn Độ, bình quân cứ 5 năm lại xảy ra một vụ lộ đề thi tuyển sinh. Năm 2004, cảnh sát nước này đã phá vỡ một đường dây thi lậu, trong đó mỗi học sinh chỉ cần bỏ ra khoảng 15.000 USD sẽ có đáp án cho các câu hỏi kiểm tra tuyển sinh vào trường y. Tên cầm đầu mạng lưới này đã bỏ túi được gần 1 triệu USD. Tại Trung Quốc, cảnh sát cũng mới triệt phá một băng thi hộ từng lo trót lọt cho gần 1.000 đối tượng ở 19 tỉnh vào đại học, thu 212.000 USD. Cũng vào năm 2005, Hàn Quốc đã bùng nổ một vụ bê bối thi cử lớn nhất lịch sử. 20 băng nhóm thi lậu sử dụng tin nhắn điện thoại di động để “gà bài” cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học cấp quốc gia, gọi tắt là CSAT.

Lý do dễ thấy là các phương tiện hiện đại đã tạo điều kiện cho các hiện tượng thi gian dễ hơn trước nhiều. Sinh viên có thể vào mạng để mua các bài luận xuất sắc từ những trang web kiểu như gradesaver.com, thậm chí đặt hàng cho các chuyên gia tại Ấn Độ giải các bài tập lập trình máy tính với giá chỉ ngang một bữa cơm bình dân. Ngoài ra còn phải kể tới các phương tiện hỗ trợ khác: điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3. Tuy nhiên, lý do chủ yếu là sức ép lên sinh viên hiện nay, lớn hơn nhiều so với các thế hệ trước kia, do quan niệm chung cho rằng kết quả học tập cao được coi là chìa khóa để đạt được những thành công ban đầu. Cách đây 35 năm, chỉ có 11% người Mỹ có bằng cấp từ cao đẳng trở lên, nhưng hiện nay tỷ lệ này là 30%. Số lượng người tốt nghiệp đại học ở Liên minh châu Âu tăng 30% so với cách đây 5 năm. Tại châu Á, sức ép thành tích học tập của học sinh, sinh viên còn lớn hơn vì hầu hết các trường đại học đều áp dụng chế độ tuyển sinh dựa trên kết quả thi đầu vào.

Chống gian lận bằng công nghệ cao

Trước thực trạng trên, nhiều nước đang nghĩ tới chuyện sẽ tổ chức các phòng thi chuyên dụng gắn camera theo dõi và các thiết bị phát hiện thí sinh sử dụng điện thoại nhận tin nhắn làm bài. Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, tội danh gian lận thi cử mới được quy định có thể sẽ phải chịu tới 7 năm tù. Dự kiến năm học 2006, kỳ thi tuyển sinh nghiêm ngặt nhất thế giới GRE của Mỹ tổ chức trên toàn thế giới với sự tham dự của khoảng 500.000 thí sinh sẽ được đổi mới một cách toàn diện. Bắt đầu từ tháng 10, đề thi dành cho mỗi thí sinh sẽ được ra khác nhau và thời gian bắt đầu làm bài sẽ được bố trí một cách khoa học trên khắp thế giới, sao cho thí sinh từ Los Angeles không thể tung các câu hỏi và đáp án lên mạng cho thí sinh tại Hồng Kông quay cóp. Những người tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học y của Mỹ, gọi tắt là MCAT, có kế hoạch sẽ sử dụng phương pháp nhận dạng bằng công nghệ sinh học để phát hiện các trường hợp thi hộ sau khi nhập trường. Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng giáo dục nước này tuyên bố sẽ lắp đặt các máy dò trong phòng... vệ sinh để đề phòng thí sinh xem trộm bài khi ra ngoài. Còn ở Ấn Độ, quy định mới hạn chế tới mức thấp nhất số người được phép tiếp cận với công tác ra đề thi. Những chuyên gia tổ chức trong hệ thống thi cử của châu Âu như GCSE hay A-levels của Anh và kỳ thi tú tài ở Pháp lại trang bị các phần mềm tự động như TurnItIn.com và MyDropBox.com so sánh bài làm của thí sinh với các tài liệu trên mạng để phát hiện các trường hợp cóp  bài qua internet.

Một số trường đại học lớn tại Mỹ và châu Âu cho sinh viên được phép trao đổi qua mạng, nhưng đòi hỏi phải đáp ứng được các yêu cầu trả bài cao hơn. Họ cho rằng những biện pháp này có thể sẽ mang lại hiệu quả tích cực, tạo cho sinh viên quen dần với môi trường làm việc thực tế. Trong khi đó, ngày càng nhiều trường đại học hàng đầu thế giới có xu hướng tăng cường thi vấn đáp. Theo Trung tâm nghiên cứu tuyển sinh của Mỹ đặt tại Massachusetts, 730 trường đại học của Mỹ hiện nay không yêu cầu sinh viên xin nhập học phải có chứng chỉ tốt nghiệp trung học ACT hoặc SAT. Hai trường đại học hàng đầu là Oxford và Cambridge của Anh trước kia tuyển sinh bằng hình thức phỏng vấn thí sinh một vòng, nay tăng thêm một vòng để bỏ hẳn thi viết. Marlyn McGrath Lewis, phụ trách tuyển sinh của Đại học Harvard cho biết ngày càng nhiều trường đại học lớn sử dụng phương pháp tuyển sinh qua phỏng vấn và điều đó mới đánh giá đúng thực chất.

Quang Đô
(theo Time)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.